Băng rừng 'tìm' học trò Đan Lai

08:41 | 12/11/2019;
Dù mưa nắng dãi dầu, đường đi hiểm trở, thế nhưng ngày ngày các thầy cô trường THCS Châu Cam, huyện Con Cuông (Nghệ An) vẫn băng rừng vượt suối, ngược dòng khe Choăng để “gõ cửa” tìm những học trò Đan Lai với canh cánh mỗi lo học sinh từ bỏ con chữ.
Những bước chân không mỏi
 
Mặc dù năm học mới đã đến vài ba tháng nhưng với các thầy cô trường THCS Châu Cam thì vẫn canh cánh một mỗi lo học sinh bỏ học để ở nhà lên rẫy. Bởi lẽ, các em nhỏ người Đan Lai vẫn chưa thiết tha với việc đến lớp tìm cái chữ.
 
 
Đồn Biên phòng Châu Khê phối hợp với chính quyền địa phương và nhà trường tích cực tuyên truyền và vận động các em trở lại trường.
“Cứ mỗi lần lên lớp gieo những nét chữ cho các em học sinh dân tộc Đan Lai là một lần hứng khởi của những giáo viên cắm bản như chúng tôi. Thế nhưng khi kiểm tra sỹ số của lớp học, nhìn xuống phía dưới các em học sinh vẫn thấy mấy chỗ ngồi trống, qua ký túc xã của trường không tìm thấy các em là nỗi buồn đeo bám. Những lúc đó, cũng đành ngậm ngùi cầm viên phấn ghi số lượng học sinh vắng dưới dòng sỹ số”, cô giáo Đoàn Thị Hương - chủ nhiệm lớp 6A1, Trường THCS Châu Cam (Con Cuông) - thở dài nói.
 
Sáng nào cũng vậy, cứ lên lớp, công việc đầu tiên của các giáo viên cắm bản nơi đây là kiểm tra sỹ số của lớp học. Và dĩ nhiên, lớp ít lớp nhiều, đều có những chỗ trống để đó – các em lại bỏ học theo bố mẹ lên rẫy.
 
“Ở đây, phụ huynh học sinh hầu hết là người đồng bào dân tộc Đan Lai, kinh tế còn nghèo nên chưa quan tâm đến việc học. Cứ sáng sớm tinh mơ, thay cho việc chuẩn bị sách vở đến trường là việc các em chuẩn bị dụng cụ theo cha mẹ lên rẫy. Ở đây, các bậc phụ huynh cũng chạy cơm từng bữa”, cô Hà buồn bã cho biết.
 
 
Cứ mỗi lần thấy chỗ ngồi của các em trống vắng, các thầy cô Trường THCS Châu Cam lại ngược dòng khe Choăng để “gõ cửa” tìm học trò.
Sau khi báo cáo sỹ số học sinh các lớp vắng mặt của buổi học, cô Đinh Thi Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Châu Cam - cùng các giáo viên chủ nhiệm lại liên hệ với Đoàn Thanh niên và Đồn Biên phòng Châu Khê bàn kế hoạch vào Khe Nóng, Khe Bu “gõ cửa” từng hộ gia đình để vận động các em trở lại lớp.
 
Sau những giờ lên lớp vất vả, chiều chiều các thầy cô lại tất bật vượt chặng đường gần 30 km, tìm đến nhà từng học sinh để gặp gỡ, tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em đến lớp. Gian nan, vất vả nhất là đường vào Khe Nóng - cụm dân cư gồm 40 hộ thuộc bản Châu Sơn, nằm tách biệt hoàn toàn, bị ngăn cách bởi gần 10 con suối, hiện có 20 em học sinh ở các cấp học. Có hôm trời mưa, đường đi lại xa xôi hiểm trở, thầy cô vẫn cầm đèn pin đến từng nhà học sinh và ngủ lại là chuyện bình thường. Với thầy cô giáo ở đây, các em đến lớp chuyên cần là vui rồi.
 
“Hy sinh” thầm lặng
 
Trẻ em ở Khe Nóng, Khe Bu đa phần không biết chữ, cứ theo học được một thời gian rồi lại nghỉ học theo bố mẹ làm nương rẫy kiếm sống.
 
Một ngày se lạnh giữa tháng 11, chúng tôi theo chân thầy đoàn công tác gồm các thầy cô giáo cùng Đoàn Thanh niên và Đồn Biên phòng Châu Khê vào Khe Nóng, ở đây có 20 em học sinh ở các cấp học theo học tại điểm trường THCS Châu Cam.
 
 
Các giáo viên cắm bản nơi đây đã đến từng hộ dân thuyết phục phụ huynh để đưa các em trở lại trường.

 

Vợ chồng anh La Văn Chiến chuẩn bị đi rẫy, em La Văn Chi (SN 2008, lớp 6A1) cũng tay cầm dụng cụ để chuẩn bị theo bố mẹ lên rẫy làm cỏ. “Hỏi nó có đi học chữ nữa không, nhưng nó bảo không muốn đi học nữa, ở nhà đi làm rẫy với bố mẹ thôi”, anh Chiến nói. Thấy thầy cô đang trò chuyện với bố trong nhà , Chi lấm lét trốn sau vườn.
 
Từ Khe Nóng ngược ra bản Khe Bu, đoàn lần lượt đến từng hộ gia đình để “gõ cửa” tuyên truyền cho các bậc phụ huynh về về lợi lích của việc cho con đến lớp học tập, có cái chữ để tương lai thoát khỏi cái đói, cái nghèo và vận động các em quay lại trường.
 
 
Sau quá trình vận động, giáo viên đã thuyết phục được các phụ huynh cho con em mình trở lại trường
Cô Hà kể: “Có những khi đoàn vào vận động, bị bố mẹ các em phản đối nhiều lắm. Họ nói là “cái ăn chưa no làm sao lo việc học”. Vậy là đoàn chúng tôi phải vận dụng hết vốn liếng tiếng dân tộc của mình để giải thích cho họ nhận ra ý nghĩa của việc cho con cái đến trường. Công việc vận động học sinh dân tộc thiểu số được thực hiện thường xuyên, gần như suốt cả năm học. Cứ tích tiểu thành đại, học sinh ở đây cũng đã quen việc đến lớp học chữ rồi, đó cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất của anh, chị em giáo viên cắm bản chúng tôi”.
 
 
Cô giáo Đinh Thi Thu Hà cho biết, trường có tổng số gần 500 học sinh, đa phần là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 126 học sinh Đan Lai. Ngày khai giảng năm học mới vừa qua, sân trường tưng bừng cờ hoa nhưng vẫn rất nhiều chỗ trống trải, vì có tới hơn 40 em học sinh Đan Lai vắng mặt. 
 
 
Công tác tuyên truyền vận động có sự hỗ trợ của Đoàn thanh niên...
... và Đồn Biên phòng Châu Khê.
Ông Nguyễn Thanh An - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông - cho biết, hiện nay, tỷ lệ huy động học sinh đến trường ở Con Cuông hiện ở mức 96%, có nghĩa vẫn còn tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học giữa chừng hoặc chưa đến lớp. Số học sinh này đa phần là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, trong đó nhiều nhất là con em đồng bào Đan Lai.
 
Để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học giữa chừng, huy động đến lớp đông đủ, chúng tôi đã ban hành văn bản chỉ đạo các trường học tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương vào cuộc để huy động.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn