Bánh nướng, bánh dẻo là những món bánh không thể thiếu trong mâm cỗ của mỗi gia đình trong dịp Tết trung thu. Dù còn hơn 2 tháng nữa mới tới ngày Tết "phá cỗ, trông trăng" nhưng trên thị trường đã bắt đầu bày bán nhiều sản phẩm bánh Trung thu, của các thương hiệu từ cao cấp đến bình dân, từ sản phẩm làm thủ công (handmade) đến sản phẩm nhập khẩu, hàng xách tay...
Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, ngày 6/7, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra và tạm giữ hơn 5.000 bánh Trung thu có nhãn hiệu bằng chữ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Theo đó, Đội Quản lý thị trường số 24 đã bất ngờ kiểm tra cửa hàng kinh doanh của Hộ kinh doanh Phan Thị Nhàn tại xóm Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện phát hiện 5.100 chiếc bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất, nhãn chữ bằng tiếng nước ngoài. Bà Phan Thị Nhàn - chủ cơ sở kinh doanh - không xuất trình được hóa đơn theo quy định.
Theo ghi nhận ban đầu, số hàng hóa này bà Nhàn mua trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời. Hàng không có hóa đơn chứng từ. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Lãnh đạo Đội Quản lý thị trường số 24 cho biết, thời điểm Tết Trung thu cận kề, thị trường bánh Trung thu tiêu thụ mạnh, chính vì vậy mà một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn đã nhập hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ về bán nhằm kiếm lời. Đội sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Hiện nay, bánh trung thu không chỉ được bán trực tiếp tại các cửa hàng, mà còn được rao bán rộng rãi trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội.
Để bảo vệ quyền lợi của bản thân và gia đình, khi mua các sản phẩm bánh trung thu, khi mua sắm, đặc biệt khi mua hàng trên các nền tảng online người tiêu dùng cần lưu ý một số khuyến cáo dưới đây của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương):
- Khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng: có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản...
Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sản phẩm cần đảm bảo không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
Tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.
- Người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương.
Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…); Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; Thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.
- Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm.
Tuyệt đối không nên mua ở những fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn