Ngày 18/10, tọa đàm "Giới và báo chí" đã diễn ra lại Tòa nhà Liên hợp quốc do nhóm G4 - đại sứ quán các nước Canada, Na Uy, New Zealand, Thụy Sĩ và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc phối hợp với CLB Nhà báo nữ (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp tổ chức.
Sự kiện được tổ chức nhân dịp mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 sắp tới.
Định kiến với nữ giới vẫn còn tồn tại
Phát biểu khai mạc, bà Hilde Solbakken, đại sứ Na Uy cho biết, bình đẳng giới, quyền con người luôn được nêu trong những chương trình của Liên hợp quốc. Bà đề cập tới những quyền năng của báo chí, đặc biệt trong vấn đề bình đẳng giới.
Tại tọa đàm, nhiều phóng viên, nhà báo đến từ các cơ quan báo chí: Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Báo Phụ nữ Thủ đô,…đã chia sẻ về kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế trong công tác với chủ đề về giới.
Bà Trần Hoàng Lan, Trưởng ban Gia đình, báo Phụ nữ Thủ đô chia sẻ, định kiến về giới vẫn còn tồn tại. Điều này khiến quá trình tác nghiệp của phóng viên phần nào gặp khó khăn, như nhiều sự việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, các nạn nhân từ chối tố cáo, hợp tác do rào cản tâm lý hoặc thiếu hiểu biết pháp luật.
Thậm chí, chính bản thân tòa soạn báo cũng chịu ảnh hưởng của định kiến, bởi nhiều người nghĩ là tờ báo về giới nên độc giả chủ yếu là phụ nữ, nam giới không cần đọc, nếu vậy là "phụ nữ tự tuyên truyền cho phụ nữ".
Đồng quan điểm về khó khăn liên quan đến vấn đề giới trong tác nghiệp, bà Vũ Hương Thuỷ, Phó ban Tin trong nước, TTXVN chia sẻ, thông tin báo chí về giới tại báo chưa có nhiều và phong phú, do sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan, đồng thời, do năng lực, chuyên môn phóng viên còn thiếu. Vì vậy, bà mong rằng các cơ quan và địa phương tạo điều kiện cho báo chí được tiếp cận nguồn tin nhanh chóng, chính thống.
Báo chí đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy bình đẳng giới
Ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú đại diện UNDP tại Việt Nam, đưa ra ý kiến, báo chí đóng vai trò quan trọng, là tác nhân của thay đổi nhận thức về giới; sự lựa chọn từ ngữ và hình ảnh của báo chí trong bài viết có thể định hình tiến trình hướng tới bình đẳng giới.
Theo phần chia sẻ kinh nghiệm từ nhiều cơ quan báo chí trong hoạt động tuyên truyền về giới, cho thấy nền báo chí Việt Nam đã có nhiều thay đổi, nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong các bài viết.
Song, không thể phủ nhận rằng vẫn còn tồn tại cách đưa tin làm gia tăng định kiến bằng hình thức: Giật tít câu view, sử dụng ngôn từ với các nhân vật (đặc biệt là nạn nhân nữ) không phù hợp,… trong báo chí.
Tham gia vào sự kiện, tiến sĩ Minelle Mahtani, Đại học British Columbia, nhà báo - giáo viên dạy chuyên ngành báo chí, cho rằng nhà báo là tiếng nói của những người không có tiếng nói. Nhà báo cần có kiến thức về giới và cẩn trọng trong cách thức đưa tin.
"Công việc của nhà báo là thúc đẩy tiếng nói của phụ nữ, bởi tiếng nói của phụ nữ thường không được lắng nghe". Do vậy, bà nhấn mạnh, nhà báo cần tiếp cận vấn đề sao cho đảm bảo tính toàn vẹn, sự rộng lượng và thận trọng. Đối với những nhân vật là nạn nhân bạo lực giới, cần có cách tiếp cận chân thành, tạo thoải mái cho nạn nhân và tôn trọng thông tin cá nhân của họ.
Đặc biệt, trong những bài viết về đối tượng nữ, cần phản ánh bản chất câu chuyện thay vì đề cập nhiều về bề ngoài của họ.
Có thể nói, định kiến giới đã "ăn sâu" vào nhận thức mỗi người, bản thân các chị em là nạn nhân của bạo lực giới cũng tự định kiến bản thân, không dám chia sẻ, lên tiếng về sự việc của mình vì sợ bị đánh giá. Do vậy, bà Trần Lệ Thuỷ, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển MDI, bày tỏ mong muốn, các chị em phụ nữ có thể mạnh dạn chia sẻ, lên tiếng về câu chuyện của mình với báo chí hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn