Tại cuộc họp thường kỳ tháng 9/2022 của Tổ điều hành thị trường trong nước, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết: Thị trường hàng hóa trong nước tháng 9 khá sôi động, lưu chuyển hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhóm lương thực, thực phẩm, hàng may mặc tăng mạnh trong các dịp nghỉ lễ Quốc khánh, Rằm Trung thu, chuẩn bị cho khai giảng năm học mới…
Dịch bệnh Covid-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng. Theo dự báo của Tổ điều hành, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, do năng lực sản xuất trong nước đã phục hồi và tương đối tốt, năng lực kinh doanh thương mại của nhiều doanh nghiệp trong nước tốt nên sẽ bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa cơ bản có biến động theo xu hướng của giá thế giới nhưng sẽ ổn định hơn mức biến động trên thị trường thế giới.
Bước vào quý 4/2022 là giai đoạn nước rút để các doanh nghiệp, đơn vị chuẩn bị cho đợt cao điểm cung ứng hàng hóa dịp Tết. Trong đó, điều đặc biệt được quan tâm là các doanh nghiệp trong nước không chỉ cần chuẩn bị đầy đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu là lương thực, thực phẩm, mà cần đảm bảo được chất lượng, gây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng trong nước.
Tại đầu tầu kinh tế phía Nam, ông Ngô Hồng Y, đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 9 trên địa bàn tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái tăng đến 157,4%. Dự báo những tháng cuối năm và trọng tâm là Tết Nguyên đán 2022, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu của người dân tăng mạnh sau thời gian dài bị kìm nén do ảnh hưởng bởi đại dịch.
Nhằm bình ổn thị trường hàng hóa cuối năm, thành phố sẽ triển khai chương trình kết nối với các tỉnh cũng như triển khai hoạt động tháng khuyến mãi tập trung dịp cuối năm nhằm tạo hiệu ứng tích cực với thị trường. Đây là một cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất hàng hoá trong nước đẩy mạnh hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Riêng đối với vụ việc "rau chợ gắn mác VietGap" đưa vào tiêu thụ trong siêu thị được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh thời gian qua, để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, không gây hoang mang và đánh mất niềm tin vào tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn tại các cơ sở bán lẻ, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, đề nghị cần có sự phối hợp chặt chế với các đơn vị liên quan và các địa phương rà soát, đánh giá và kiểm tra, thanh tra thường xuyên các đơn vị, cơ sở sản xuất rau an toàn.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo đến người tiêu dùng.
Tổ điều hành thị trường trong nước cho biết: Bộ Công Thương chủ trì/phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại đề hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước; đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất hàng hóa trong nước thay thế nhập khẩu; triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn