Giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em
Từ những vụ việc đã xảy ra, có thể thấy rằng để giảm thiểu, đẩy lùi các vụ xâm hại trẻ em, nâng cao nhận thức cho người dân là giải pháp quan trọng hàng đầu.
Ngay từ môi trường gia đình, các bậc phụ huynh phải trang bị đầy đủ kiến thức về phòng, chống xâm hại trẻ em, tuyệt đối không tạo ra những cơ hội để các đối tượng xâm hại có thể lợi dụng như để trẻ ở một mình, gửi trẻ nhờ trông hộ hay thiếu quan tâm, chia sẻ cùng con. Bên cạnh đó, người lớn trong gia đình cũng cần tìm hiểu, trang bị kiến thức cho mình, tránh để bản thân trở thành đối tượng xâm hại trẻ em. Như việc đánh đập, bạo hành tinh thần con trẻ với lý do khá phổ biến của các bậc cha mẹ là "thương cho roi cho vọt". Việc nắm vững kiến thức về phòng, chống xâm hại trẻ em còn giúp họ ý thức đầy đủ về quyền của mình để có thể đấu tranh trong những trường hợp con em bị xâm hại.
Cần trang bị cho trẻ các kiến thức về giới tính, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em nói chung, phòng chống xâm hại tình dục và bạo lực nói riêng. Kiến thức về giới tính, về xâm hại trẻ em có thể đến từ những lời răn dạy của ba mẹ ở gia đình hay từ các bài học của thầy cô trên lớp học.
Các cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lý nghiêm minh các vụ việc xâm hại trẻ em, không để lọt tội phạm. Cùng với vai trò của cơ quan công an, ngành Tư pháp cũng cần thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại thông qua các hình thức như cử các trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên là luật sư có kinh nghiệm thực tế, am hiểu tâm lý trẻ em để giảm tổn thương cho trẻ và cùng với các ngành chức năng nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết các vụ việc. Công tác phòng, chống việc lạm dụng nhận con nuôi, quản lý nhà nước về giám định tư pháp đối với trẻ em bị xâm hại cũng cần được triển khai tích cực, góp phần phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự đạt hiệu quả cao.
Hiệu quả
Trước thực trạng các vụ xâm hại trẻ em có chiều hướng ngày càng phức tạp, các cơ quan ban ngành của Quảng Bình đã tích cực vào cuộc và thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho sự phát triển của trẻ. Những giải pháp này bước đầu đã đem lại một số hiệu quả tích cực.
Nhận thức của người dân về phòng, chống xâm hại trẻ em đã có nhiều chuyển biến. Tại các diễn đàn, cán bộ, hội viên, nhân dân, các bậc phụ huynh đã cùng chia sẻ, trao đổi các kiến thức về xâm hại trẻ em nói chung, xâm hại tình dục, xâm hại bạo lực nói riêng. Đồng thời thảo luận về cách thức phòng, chống, nâng cao kỹ năng cho trẻ trong ứng phó với các tình huống xâm hại.
Tại một số địa phương, trẻ mẫu giáo, tiểu học cũng đã được tiếp xúc, trang bị với các kiến thức phòng, chống xâm hại. Các bậc phụ huynh nhiệt tình đồng hành cùng con thay vì xem đây chỉ là những chương trình ngoại khóa mang tính hình thức.
Chị Lê Thị Hải Yến, phụ huynh Trường tiểu học Đồng Phú (thành phố Đồng Hới,) cho biết, qua tivi, báo đài cũng như các kênh loa phát thanh phường, các chương trình làm việc của Hội phụ nữ, chị đã được cung cấp những kiến thức cơ bản về phòng, chống xâm hại trẻ em. Hàng ngày, chị luôn chia sẻ cùng con những kiến thức về vấn đề này bằng cách chuyện trò hoặc chơi những trò chơi đơn giản.
"Gia đình tôi có một con gái năm nay học lớp 3. Tôi luôn quan tâm tới việc trang bị cho con mình những kiến thức, kỹ năng để bảo vệ bản thân. Theo cá nhân tôi, để phòng, chống xâm hại trẻ em hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, thì trong mỗi gia đình, bố mẹ phải luôn cập nhật kiến thức, quan tâm, chia sẻ và đồng hành cùng con", chị Yến cho biết thêm.
Từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2019, cơ quan công an Quảng Bình đã khởi tố 32 vụ/29 bị can, trong đó đã chuyển Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp 28 vụ/28 bị can để truy tố theo quy định của pháp luật. Đã có 17 vụ với 29 đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính các hành vi xâm hại trẻ em.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn