Báo động đỏ tình trạng người bệnh 'hồn nhiên' tự làm bác sĩ

18:02 | 02/06/2016;
Ngày 26/5, giới chức y tế và các nhà khoa học Mỹ thông báo đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc siêu vi khuẩn kháng tất cả mọi loại kháng sinh.Thông tin trên khiến nhiều người lo lắng bởi tình trạng này ở Việt Nam đang ở mức báo động.
Bác sĩ hốt hoảng khi người bệnh tự làm bác sĩ

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, Hà Nội, phải thốt lên khi nghe mẹ tự làm bác sĩ cho con.

Con sốt virus kèm viêm họng, thay vì đưa con tới cơ sở y tế thăm khám, mẹ tự ra hiệu thuốc mua liền mấy loại kháng sinh như Aerius, Klacid về tự điều trị. Khi được hỏi thì mẹ nói: 'Lần này bé ốm với biểu hiện không khác mọi khi nên đã dùng đơn thuốc cũ tự đi mua'. Bên cạnh đó, mẹ còn mua thêm hàng loạt thuốc siro về uống kèm cho con uống với hy vọng khỏi viêm họng. Chỉ đến khi con uống hết các loại thuốc mà không đỡ, sốt cả tuần liền mẹ mới cho con vào bệnh viện điều trị.
thuoc.jpg
Thuốc mua bán ngoài chợ dễ như mua mớ rau
'Bác sĩ kê kháng sinh là 5 ngày, có trường hợp là 7 ngày. Thế nhưng, không ít bà mẹ, sau khi con dùng được 3 ngày, hết sốt, hết triệu chứng thì dừng lại luôn, không uống tiếp kẻo 'hại người'. Điều này là vô cùng nguy hiểm và là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây kháng kháng sinh. Lại có mẹ tự ý mua thuốc mà không biết rõ bệnh cho con uống vô tội vạ dẫn đến kháng kháng sinh. Trong khi đó, nguyên tắc là chỉ dùng kháng sinh khi xác định nhiễm khuẩn. Khi đã xác định nhiễm khuẩn thì phải dùng ngay kháng sinh và phải diệt sạch vi khuẩn. Việc tự dùng thuốc còn khiến bệnh nặng thêm', PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.
 
Chính những hành động trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh đang báo động tại Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ lo lắng, Việt Nam là nước có tỷ lệ kháng thuốc gia tăng nhanh. Ba yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề kháng kháng sinh đó là người kê đơn - bác sỹ, người sử dụng thuốc - người bệnh và người bán thuốc. Người bệnh sử dụng kháng sinh không hợp lý, hay tự ý chữa bệnh, người bán thuốc thì không tuân thủ quy định, bán theo yêu cầu của người bệnh và chạy theo lợi nhuận… dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng cao. Các kháng sinh mới thì chưa được tìm ra, còn kháng sinh cũ ngày càng bị kháng thuốc nhiều hơn. Các chuyên gia thế giới lo ngại một ngày 'vũ khí' chống vi khuẩn không còn, do vi khuẩn kháng lại hết những 'vũ khí' ấy.

Báo động đỏ

GS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) lo lắng thốt lên rằng: không ở đâu mua thuốc kháng sinh dễ như tại Việt Nam. Ngay ở cổng Bộ Y tế, bước ra mấy mét có thể mua bất cứ loại kháng sinh nào mà không cần có đơn của bác sĩ. Đáng báo động ở Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng. Tỷ lệ kháng với kháng sinh carbapenem, nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay lên đến 30%, đặc biệt là các vi khuẩn gram âm. Việt Nam ghi nhận không chỉ một mà vài loại siêu vi khuẩn kháng lại mọi loại thuốc kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột. Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới.

Chưa bao giờ, tình trạng kháng kháng sinh lại 'nóng' như hiện nay, buộc Bộ Y tế phải xây Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020, đồng thời ký kết với Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong phòng chống kháng thuốc. Bộ Y tế cũng đã thành lập đơn vị giám sát phòng chống kháng thuốc.

Khảo sát của Bộ Y tế về việc bán thuốc kháng sinh tại các hiệu thuốc ở cả ở nông thôn, thành thị cho thấy: đến 90% các loại kháng sinh bán cho người dân mà không cần đơn thuốc. Theo đó, trong tổng số gần 3.000 nhà thuốc điều tra thì phần lớn kháng sinh được bán mà không cần đơn, trong đó 88% là ở thành thị, 91% ở vùng nông thôn. 3 loại kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/ammoxicilin, cephalexin và azithromycin.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn