Báo động đỏ về an toàn thực phẩm ở Anh

15:16 | 21/05/2018;
Cơ quan quản lý thực phẩm của Vương quốc Anh đang lên kế hoạch điều chỉnh các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) trước thềm “hàng rào” quy định về vấn đề này của EU mất hiệu lực ở Anh sau Brexit.

Ngộ độc thực phẩm luôn ở mức báo động

Theo nhiều nhà nghiên cứu, chế độ quản lý an toàn thực phẩm của Anh hoạt động không hiệu quả khi mà tỷ lệ ngộ độc thực phẩm luôn ở mức quá cao. Ví dụ, chỉ tính riêng các trường hợp nhiễm khuẩn gây bệnh đường ruột Campylobacter đã tăng khoảng 46% từ năm 2008 đến năm 2012.

Bên cạnh đó, các nguồn cung cấp thực phẩm cũng bị đánh giá là quá bẩn. Kể từ năm 2014, Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh (FSA) cho biết, gia cầm không đủ sạch đến mức không thể loại bỏ các nguy cơ lây nhiễm dù đã qua xử lý. Cùng với đó là niềm tin của người tiêu dùng cũng sụt giảm.

Trước tình hình trên, FSA đã đưa ra kế hoạch cải cách mang tên “Điều chỉnh tương lai của chúng ta”. Tuy nhiên, theo đánh giá của giáo sư về chính sách khoa học Erik P Millstone tại Đại học Sussex và giáo sư về chính sách lương thực Tim Lang tại Đại học London, kế hoạch này chỉ có thể cải thiện một ít hoặc chẳng cải thiện được gì trong vấn đề ATTP.

Brexit đặt Anh vào tình thế khó khi "hàng rào" đảm bảo ATTP của EU không còn được áp dụng tại nước này.

Kế hoạch cải cách lộ nhiều điểm yếu

Theo giáo sư Erik và giáo sư Tim, vấn đề lộ ra rõ nhất trong kế hoạch của FSA là việc đề xuất thay đổi cơ quan tiến hành kiểm tra ATTP ở Anh. Theo đó, trách nhiệm kiểm định chất lượng thực phẩm sẽ chuyển từ thanh tra ATTP ở khu vực công sang các nhà kiểm định ở khu vực tư. Có thể nhìn thấy rõ, việc này sẽ tạo ra xung đột lợi ích giữa bên kiểm soát chất lượng và người tiêu dùng khi những công ty ở khu vực tư chắc chắn sẽ ít ưu tiên các lợi ích cộng đồng.

Ngoài ra, theo 2 vị giáo sư trên, kế hoạch mới của FSA còn có nhiều điểm yếu khác như: Làm mất sự ổn định trong việc chịu trách nhiệm thực thi các tiêu chuẩn ATTP; nguồn cung cấp thực phẩm ở Anh sẽ trở nên kém an toàn hơn; làm suy yếu các tổ chức từng đảm nhận trách nhiệm đảm bảo ATTP. Đặc biệt, đây là cơ chế kém khôn ngoan trong bối cảnh Brexit, khi mà vấn đề ATTP tại Anh sẽ không còn được giảm sát bởi Cơ quan ATTP châu Âu và các tổ chức thực phẩm khác.

Trong khi FSA cần được tăng cường nhằm quản lý ATTP tốt hơn thì vài năm trở lại đây, cơ quan này lại đang bị cắt giả ngân sách và hoạt động chưa thực sự hiệu quả.

Ngoài ra, trước tình hình trên đáng lẽ FSA phải được tăng cường đầu tư, thì các bộ trưởng lại đang khiến FSA trở nên suy yếu. Trong giai đoạn từ năm 2011-2012 đến năm 2016-2017, ngân sách của FSA đã bị cắt giảm gần 23%. Từ đó, số mẫu thực phẩm được kiểm tra cũng giảm từ 22%-25%.

Tuy nhiên, hiện tại trước những thách thức mà Brexit đặt ra cho việc kiểm soát thực phẩm, chính phủ Anh vẫn chưa có kế hoạch tăng ngân sách phù hợp cho FSA.

Cần quy định trách nhiệm thuộc về những nhà kiểm soát 

Trước những bất lợi phát sinh từ Brexit với ngành thực phẩm, các nhà nghiên cứu đề nghị các cơ quan chức năng địa phương phải phân bổ nguồn lực hợp lý trong việc quản lý thực phẩm. Những nhà kiểm soát chất lượng thực phẩm phải chịu trách nhiệm về các quyết định của họ thay vì đổ lỗi cho FSA.

Đồng thời, các tiêu chuẩn ATTP cần được thực thi bởi một hệ thống không bị xâm phạm bởi các xung đột lợi ích thương mại.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn