Tiến sĩ Luật học Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, chính sách pháp luật đối với người dưới 18 tuổi phạm tội hướng đến mục đích cải tạo, giáo dục, tạo điều kiện để người dưới 18 tuổi có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về tố tụng hình sự, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không phải cán bộ nào cũng làm tốt, địa phương nào cũng làm tốt.
"Hoạt động tố tụng hình sự máy móc, thiếu thân thiện có thể khiến những đứa trẻ sợ hãi, sinh ra tâm lý tiêu cực", ông Cường chia sẻ, sự kém hiệu quả trong công tác giáo dục trẻ em thể hiện qua việc những năm tháng giáo dục trong trường giáo dưỡng hoặc cải tạo trong các trại giam khiến có trường hợp trở nên lì lợm, vô cảm hơn, khi trở về với xã hội lại thành lập các băng nhóm để thực hiện các hoạt động tội phạm. Vấn đề này cần được nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan.
Theo ông Cường, việc ngăn chặn xu hướng trẻ hóa tội phạm phải được thực hiện đồng bộ bằng nhiều giải pháp. Trong đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để quy định quyền cũng như cơ chế được thực hiện quyền của trẻ em; đồng thời quy định làm rõ trách nhiệm của gia đình, chính quyền địa phương, nhà trường và các cơ quan đoàn thể trong việc bảo vệ trẻ em.
Cần phải xây dựng bộ máy Tư pháp hoàn chỉnh để áp dụng các quy định đặc thù về người dưới 18 tuổi phạm tội như: công tác cán bộ, cơ sở vật chất, cơ chế phối hợp và các chính sách để người dưới 18 tuổi phạm tội nhận thức được sai lầm của mình, có cơ hội sửa chữa, giáo dục, cải tạo để trở thành những công dân tốt, sống có ích cho xã hội.
Trong đó, cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm huyết, có trách nhiệm với công tác trẻ em, am hiểu về tâm sinh lý của trẻ em để kết hợp giáo dục trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật cho đối tượng thanh, thiếu niên. Nội dung tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, lứa tuổi, vùng miền.
Theo thượng tá, Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu, giải pháp căn cơ để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trẻ hóa tội phạm là giáo dục. Triết lý giáo dục cần thay đổi, hướng đến việc bồi dưỡng nhân cách con người, dạy con người hướng vào trong để quản trị bản thân thay vì nhồi nhét kiến thức.
"Việc giáo dục, dạy dỗ con trẻ không chỉ có giáo huấn, mà bản thân người lớn phải nêu gương từ hành động của mình. Ngay từ nhỏ, gia đình, nhà trường và xã hội cần tạo cho trẻ môi trường thuận lợi để phát triển nhân cách", ông Hiếu chia sẻ.
Vị chuyên gia tội phạm học này cũng cho rằng, cần phát huy truyền thống đạo đức gia đình Việt Nam, ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền… Nhà trường cần tăng cường trang bị kỹ năng sống cho học sinh, nhấn mạnh chức năng giáo dục con người, thay vì chỉ trang bị kiến thức.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Luật học Đặng Văn Cường cho rằng, để phòng ngừa tình trạng trẻ hóa tội phạm, trước tiên cần đẩy mạnh giáo dục gia đình. Bởi lẽ, gia đình có ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành nhân cách mỗi cá nhân.
Gia đình phải là chủ thể quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống; kiểm soát được các mối quan hệ xã hội của con em mình để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những lệch lạc, sai trái.
"Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thầy, cô giáo trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh; cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhà trường và phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường với gia đình trong việc trao đổi thông tin để cùng quản lý, giáo dục các em phát triển toàn diện", ông Cường nhấn mạnh.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa, cho biết, đối với những người phạm tội ở độ tuổi thanh, thiếu niên, Nhà nước ta thể hiện sự nhân đạo để họ có thể làm lại cuộc đời. Theo đó, Luật Hình sự Việt Nam quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự, người chưa đủ 14 tuổi khi thực hiện hành vi phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp người chưa đủ 14 tuổi khi thực hiện hành vi phạm tội chỉ có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, hoặc bị đưa vào trường giáo dưỡng.
Bộ luật Hình sự 2015 hiện hành quy định mức phạt tù đối với một số tội danh như "cố ý gây thương tích" theo Điều 134 cao nhất là tù chung thân; đối với tội "gây rối trật tự công cộng" theo Điều 318 cao nhất là 7 năm tù, và tội "giết người" theo Điều 123 cao nhất là tử hình.
Chính sách pháp luật dành cho người vị thành niên khi phạm tội được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự. Theo đó, họ sẽ được áp dụng mức hình phạt nhẹ hơn so với người từ đủ 18 tuổi. Cụ thể, khoản 1 và khoản 2 Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
Khoản 1: Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định;
Khoản 2: Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn