Giá tăng từ nhà…
Tại dãy nhà trọ số 600/3 đường Kinh Dương Vương (Bình Tân, TPHCM), vợ chồng chị Lê Thắm phải tìm cách xoay sở đủ đường để tiết kiệm chi tiêu. Cả gia đình 4 miệng ăn đều trông cậy vào đồng lương ít ỏi của người chồng làm bảo vệ. Chị Thắm cho biết: “Vì con còn nhỏ nên tôi phải ở nhà chăm con, toàn bộ chi tiêu đều nhìn vào lương của chồng. Chủ trọ mới vừa tăng tiền điện lên 3.000 đồng/kWh, nước tăng lên 25.000 đồng/khối. Lúc trước, tiền điện là 2.500 đồng/kWh và nước là 20.000 đồng/khối. Vì thời tiết nắng nóng nên gia đình tôi dùng thêm điều hòa, tiền điện và nước tháng này hết 1 triệu, gần bằng tiền thuê trọ luôn rồi”.
Tại một phòng trọ trên đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Bình, TPHCM), chị Phan Lan Anh, công nhân làm trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc cũng cùng chung tâm trạng lo lắng. Chị nhẩm tính về mức chi tiêu hằng tháng của vợ chồng chị: Lương của vợ chồng chị cộng dồn được 15 triệu. Hằng tháng, chị phải chi 2,5 triệu tiền thuê trọ; 500.000 tiền điện nước; 2,5 triệu tiền gửi trẻ (con 10 tháng tuổi); tiền đi chợ trung bình 150.000 đồng/ngày; tiền sữa cho con 1 triệu/tháng. Trừ xong những khoản tiền cơ bản phải chi, vợ chồng chị còn dư được 4 triệu. “Mỗi tháng vợ chồng tôi tích cóp dữ lắm mới dư được 4 triệu/tháng phòng khi đau ốm. Đó là chưa kể những tháng không có ai mời đám cưới, đám thôi nôi, sinh nhật… Nhưng bây giờ cái gì cũng tăng giá chóng mặt nên khó có thể để dành được. Vợ chồng tôi đang tính làm hết năm nay rồi tìm cách về quê sống”.
…ra chợ
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều khu chợ lớn nhỏ ở TP.HCM, các bà nội trợ ai nấy đều ngán ngẩm chuyện giá cả tăng. Tại chợ Khu phố 2 nằm gần ngã tư đường Hồ Ngọc Lãm (Bình Tân, TPHCM), chị Phạm Thanh Thảo (quận Bình Tân, TPHCM) than thở vì giá cả ngoài chợ thi nhau đội lên: “Tôi vừa mua 2 trái cà chua, ¼ trái thơm, 1 búp xà lách và nắm rau diếp cá, vừa đủ 2 người ăn mà người bán tính tôi 24.000 đồng. Chừng ấy rau, mọi khi tôi mua chỉ khoảng 15.000 thôi. Thời bão giá cái gì cũng đắt, đắt từ nhà ra ngõ”.
Cũng tại khu chợ này, tiểu thương Phan Năm cho biết: “Chợ đầu mối tăng thì mình phải tăng theo, giờ mỗi món lên 2 – 3.000. Rau thì cũng đỡ, còn trái cây tăng mạnh. Thực sự thì vật giá vẫn leo thang theo thời gian, tiểu thương chúng tôi đành phải tăng theo chứ biết sao giờ”.
Chị Phan Thị Thanh (quận Tân Phú) cho biết: “Không chỉ ở chợ mà mọi thứ hiện nay đều tăng giá theo. Nếu như trước Tết, giá một tô bánh canh gạo vỉa hè trên đường Lê Thúc Hoạch quận Tân Phú giá 20.000 thì sau Tết, chủ quán lên 22.000. Bây giờ, chủ quán vừa thông báo giá 25.000/tô”.
Các quán bán đồ ăn sáng như bún mắm, hủ tiếu, phở… dọc đường Kinh Dương Vương (Bình Tân) TPHCM lúc trước giá bình quân 30.000 đồng/tô thì nay giá đã nhỉnh lên 35-40.000 đồng/tô.
Những người thuê trọ tại TPHCM chủ yếu là sinh viên, công nhân, người lao động nghèo nhập cư kiếm sống, nên khi giá cả tăng lên dù chỉ 2 -3.000 nhưng cộng nhiều thứ lại vẫn tạo nên gánh nặng. Và họ hiểu được một quy luật ngầm rằng, khi giá điện, giá xăng tăng thì các mặt hàng tăng theo. Nhưng khi giá điện, giá xăng xuống các chủ trọ hay quán ăn ít khi nào hạ giá xuống.