Đây có lẽ là lần đầu tiên, những người trẻ thật sự biết đến tác động của bão giá trên toàn cầu. Đã có những lúc các mặt hàng thiết yếu tăng chóng mặt đến 50%. Giá xăng tăng, nhiều người trẻ không ngần ngại sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện trên cao, xe buýt hay thậm chí xe đạp để tiết kiệm hơn. Đi chợ mua bó rau cũng tăng gấp đôi so với năm trước, trong khi đó thu nhập bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh doanh không mấy khả quan của công ty sau đại dịch Covid-19 khiến cho người trẻ trở nên hoang mang hơn.
Trong năm qua, lương của Trương Lam (30 tuổi, Bắc Ninh) đã tăng thêm 12%. Nhưng trái với việc vui mừng, cô nàng lại cho biết: "Mình vừa được tăng lương, nhưng niềm vui chưa được bao lâu, thì mình chợt nhận ra rằng... thời bão giá lại tới. Dù được tăng lương nhưng chính mình cảm thấy bản thân đang dần nghèo đi."
Giá thực phẩm tăng cao, những bữa ăn trước đây chỉ dao động 30-35 nghìn/suất, bây giờ đã tăng 40-45 nghìn/suất. Các món đồ uống yêu thích cũng thông báo tăng 10-15% trong năm qua. "Nhìn lại lương mình thì đáng buồn thay, chỉ tăng vỏn vẹn 12% thì hỏi làm sao mà không nghèo đi cơ chứ".
Một điều đáng buồn nữa khiến Trương Lam dễ dàng nghèo đi, đó chính là tâm lý "tự thưởng bản thân". Điều này không sai, nhưng cô bạn đã gần như cắt bỏ nó ra khỏi cuộc sống, từ khi nhận ra rằng bản thân nghèo đi vì những thứ không tên thế này. Hơn thế nữa, thực tế cho thấy rằng không phải công việc nào cũng có tốc độ tăng lương bằng hoặc cao hơn tốc độ lạm phát, để có thể giảm bớt sự mất giá đồng tiền trong túi.
Bên cạnh đó, cũng có những bạn trẻ với mức lương đứng im nhưng không dám bỏ việc. Xuân Tùng, 26 tuổi hiện đang làm tư vấn viên cho một trung tâm Tiếng Anh tại Hà Nội chia sẻ: "Mức lương của mình ở vị trí công việc hiện tại có thể nói là khá thấp so với tình hình kinh tế hiện nay. Nếu muốn cải thiện thu nhập, mình buộc phải tăng năng suất làm việc, thậm chí làm thêm giờ. Thế nhưng cũng vì bão giá, giá học phí ở trung tâm mình cũng phải thay đổi cao hơn thành ra các phụ huynh cũng sẽ cân nhắc trong việc đăng ký học cho con. Và đương nhiên, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mức thu nhập của mình".
Dù vậy, với mức lương không mấy dư giả nhưng Xuân Tùng vẫn quyết định không nghỉ việc tại thời điểm này. Anh cho rằng, bản thân đã có kinh nghiệm và gắn bó lâu năm tại trung tâm nên khi chuyển sang công việc khác sẽ phải mất thời gian đầu để làm quen cũng như xây dựng, chứng minh năng lực.
Hương (21 tuổi, nhân viên thực tập) chia sẻ về những khoản phí phát sinh khi trở thành nhân viên tại một công ty có văn phòng thuộc hàng xịn xò bậc nhất Quận 1.
"Chi phí xăng xe từ Quận Gò Vấp đã tốn khoảng 400 nghìn đồng/tháng, mình cũng hay đặt trà sữa với nhóm đồng nghiệp cùng công ty, mỗi tuần từ 100-150 nghìn đồng, nhưng khoản tiền cao nhất với mình chắc có lẽ là chi phí đặt đồ ăn ngoài, dù có cố gắng tìm hàng quán rẻ, chịu khó đi xa hay săn mã giảm giá, mỗi bữa trưa mình vẫn tốn ít nhất 45-50 nghìn đồng", cô bạn than thở.
Hương than thở với mức thu nhập của một nhân viên thực tập vô cùng ít ỏi, cô bạn phải xin trợ cấp từ ba mẹ ở dưới quê. Lương của Hương thậm chí không đủ ăn, chỉ đủ tiền xăng xe đi lại và ăn trưa thôi, cô bạn vẫn phải xin mẹ 2 triệu mỗi tháng để trả tiền thuê nhà. Khi được hỏi về giải pháp chống chọi mùa bão giá tăng cao, cô bạn chỉ ậm ừ: "Vì mình vừa đi học vừa đi làm nên rất khó để sắp xếp làm cơm sẵn tại nhà, các chi phí khác gần như là cố định rồi nên cũng không thay đổi được gì."
Mặt khác, Thanh Tâm (23 tuổi), hiện đang sống với gia đình nên cũng đỡ được phần nào những chi tiêu trong cuộc sống chẳng hạn như nơi ở, ăn uống, điện nước. Song, điều đó không có nghĩa là cô bạn không "xi nhê" gì trước bão giá.
"Chi phí tăng cao, khiến cho khoản tiết kiệm của mình bị giảm đi bởi vì chi tiêu hàng tháng tăng lên. Nếu thời điểm khoảng 3-4 tháng trước, mỗi tháng mình chỉ bỏ ra khoảng 3-4 triệu cho những nhu cầu giải trí, đi lại, mua sắm thì mức chi giờ đã tăng thêm khoảng 50-60%".
Dù bị ảnh hưởng nhiều hay ít, việc cảm thấy khá hoang mang trong khi chi phí tăng cao là điều khó có thể tránh khỏi. Cảm giác mua sắm phải dè dặt hơn bởi vì nếu chi tiêu quá mạnh tay hay chỉ như trước cũng có thể không còn xu nào "dính túi". Điều này khiến nhiều người rơi vào cảm giác thiếu an toàn tài chính.
Để vượt qua những bất ổn này, khi nhìn thấy số tiền mình chi tiêu tăng hàng ngày, Thanh Tâm đã cố gắng để xây dựng 1 tường rào bảo vệ bản thân trước những biến cố khó lường. Cô bạn chia sẻ rằng, để cảm thấy "an toàn" hơn, cô bạn đã xây dựng nguồn thu nhập ổn định và cao hơn trước. Sau đó, giới hạn mức chi của bản thân thành các khoản khác nhau và cố gắng duy trì mức chi tiêu hàng tháng chỉ chênh từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.
"Năm nay cũng là lúc mình nhận ra tầm quan trọng khi có 1 quỹ dành cho những trường hợp khẩn cấp. Mình tự tính mỗi tháng nên để ra bao nhiêu trong khoản đó để chi trả cho 1 tương lai có thể biến động hơn. Khi nhìn số dư trong tài khoản đó, mình cảm thấy an tâm hơn rất nhiều".
Còn đối với Trương Lam, cô nhận ra rằng nếu như tiết kiệm tiền xong rồi để đấy, chỉ khiến bản thân ngày càng nghèo đi chứ không thể ổn định tài chính hơn. Vì thế, cô bạn lựa chọn những kênh đầu tư khá an toàn như vàng, quỹ mở và ngân hàng. Mục đích chính là khiến cho số tiền tiết kiệm được, sinh sôi nảy nở, tiền lãi kép này bắt buộc phải cao hơn tỷ lệ lạm phát. "Một trong những quy tắc mình rõ nhất khi đầu tư, đó là không bỏ hết trứng vào 1 rổ, không dồn hết tiền chỉ để mua vàng hoặc gửi hết vào ngân hàng".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn