Bão giá đang là cụm từ được các chị em thảo luận với nhau sôi nổi nhất trên các diễn đàn. Bởi lẽ, bão giá khiến chi tiêu của gia đình tăng lên 1 cách chóng mặt. Trong khi đó, lương vẫn thế, nhu cầu tiêu dùng hàng tháng giữ nguyên nên bài toán cân đối làm sao cho hợp lý được mang ra "mổ xẻ" rất nhiều.
Tự nhận gia đình mình đang gặp ảnh hưởng của bão giá rất nhiều, chị Uyên (hiện đang sống tại Long Biên, Hà Nội) thở dài khi 1 tháng qua kiểm đếm lại các khoản chi tiêu trong gia đình thấy tăng lên gấp đôi. Dù mỗi ngày xách làn đi chợ, đổ xăng đều đã dự liệu trước nhưng tới khi tổng kết lại vẫn "một phen hú hồn" vì ảnh hưởng của nó đến tài chính của gia đình là quá lớn.
"Gia đình mình có 3 người bao gồm hai vợ chồng và 1 con nhỏ. Bé trai nhà mình đang học Tiểu học. Ngoài ra, mình còn nuôi thêm 1 bé mèo, có 1 chiếc xe hơi đi làm hàng ngày vì công ty của hai vợ chồng khá xa, cách nhà tới 50 cây cả đi và về. Còn di chuyển gần nhà từ 5-7 cây thì vợ chồng mình dùng chung 1 chiếc xe máy", chị Uyên chia sẻ.
Vì đặc thù công việc và công ty cũng cách xa nhà nên bữa cơm của gia đình chị Uyên chỉ đủ thành viên nhất vào buổi tối. Còn lại bữa sáng và trưa hai vợ chồng sẽ ăn ngoài. Chi phí cho việc này vợ chồng chị tốn 6 triệu/2 người. "Ngoài 6 triệu hai vợ chồng chi tiêu cho bữa sáng và trưa, thì với bữa tối gia đình mình đi chợ hết khoảng 300k/bữa, tổng 1 tháng hết 9 triệu nữa".
Kể đến tiền xăng xe di chuyển của gia đình cũng là một áp lực. Nếu lúc trước bão giá, việc di chuyển ô tô mỗi tháng chỉ hết 2 triệu tiền xăng thì hiện tại đã tăng lên 4 triệu. Phí gửi xe ở tòa nhà, trước là 1 triệu đồng nay đã tăng lên 1,8 triệu đồng. Tiền xăng đổ cho xe máy lúc trước hết 300k/tháng thì nay hết 720k/tháng. Hai vợ chồng chị Uyên cũng trao đổi với nhau về cách khắc phục, thậm chí nghĩ tới việc bán xe ô tô để sử dụng xe máy cho tiết kiệm.
Với chi phí cho con trai, bé sẽ tự ăn trưa ở nhà bằng cách đặt đồ ăn qua app online, mỗi tháng budget anh chị đưa cho bé để tiêu là 2 triệu. Trước bão giá, thì số tiền này là đủ, thậm chí có tháng còn thừa ra vài trăm nghìn. Số tiền dư chị Uyên dùng để mua bánh kẹo và đồ chơi cho bé.
Nhưng bão giá ập đến hai mẹ con thấy ngay tình trạng đặt bữa trưa tăng lên đáng kể. Bởi thêm tiền ship, tiền phụ phí khiến mỗi suất ăn tăng từ 10k - 15k. "Lúc trước 50k/suất ăn đầy đặn là bé no nhưng giờ phải 60k - 70k/suất. Dù áp mã giảm giá cũng vẫn thấy tăng thêm từ 8k đến 15k/suất". Cộng thêm tiền học của bé là 4 triệu/tháng, thì tổng chi phí hết 6 triệu/tháng.
"Bé nhà mình sức ăn tốt, trộm vía không ốm đau nên vợ chồng mình không tốn tiền thuốc men. Chúng mình cũng rèn cho con tính cách không được đòi hỏi, không cho sử dụng tiền hay ăn vạ để mua đồ. Nên mỗi tháng chi phí cho con luôn cố định như vậy", chị Uyên chia sẻ.
Gia đình chị Uyên còn nuôi thêm 1 chú mèo. Mỗi tháng hết 8kg hạt, chi phí từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng. Trước bão giá, rủng rỉnh chi tiêu chị Uyên còn đầu tư cho mèo của gia đình ra các cửa hàng chăm sóc, spa nhưng hiện tại thì mọi chi phí lên quan này đều được cắt giảm.
Ngoài ra, vợ chồng chị Uyên còn dành 3 triệu mỗi tháng tới phòng tập gym, tiền thuốc men hết 2,8 triệu, shopping mua quần áo và mỹ phẩm làm đẹp hết 3 triệu nữa.
Chị Uyên hiện đang làm cho một công ty truyền thông, kiêm 2 công việc phụ bên ngoài, mỗi tháng thu nhập dao động từ 22 triệu đến 27 triệu. Chồng của chị Uyên hiện đang làm cho 1 đơn vị nhà nước, mỗi tháng thu nhập từ 25 triệu đến 30 triệu đồng. Tổng thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng khoảng 50 triệu.
Mức thu nhập của gia đình chị Uyên không quá cao nhưng cũng thuộc dạng khá giả nếu so sánh với nhiều cặp vợ chồng trẻ đang sống tại Hà Nội. Thế nhưng, chị Uyên phải thừa nhận, trước bão giá còn để dư ra được mỗi tháng 10 triệu, còn hiện tại chỉ đủ chi phí cho cuộc sống hoặc nếu để dư được cũng sụt giảm ít hơn. Giả sử nếu bị giảm thu nhập vì ốm đau hay lý do khác, gia đình chị chắc sẽ còn rơi vào cảnh lao đao.
"Mình phải thừa nhận bản thân không phải người "bóp mồm bóp miệng" hay tằn tiện trong chi tiêu để tiết kiệm. Bởi mình và chồng đều đề cao chất lượng cuộc sống. Thay vì cắt giảm thật nhiều thì chúng mình sẽ nghĩ tới phương án kiếm nhiều tiền hơn", chị Uyên chia sẻ.
Tổng chi phí 1 tháng của gia đình chị Uyên hết gần 43 triệu. Nhưng thay vì cắt giảm thật nhiều thì hai vợ chồng sẽ nghĩ tới phương án kiếm nhiều tiền hơn
Có một bất ngờ khá thú vị là việc chi tiêu trong nhà, quản lý tài chính không phải do chị Uyên mà là do 1 tay chồng của chị quán xuyến. Bởi chị Uyên không thích cầm tiền trong gia đình. Chị chỉ giỏi trong việc tiêu và kiếm tiền nhưng lại không giỏi trong khoản gom góp, quản lý để thành một khoản tiền to.
"Chính vì thế, việc quản lý tiền trong gia đình, chồng mình sẽ là người phụ trách. Anh ấy áp dụng cách đặt budget cho 3 - 6 tháng từng khoản mục chi tiêu cụ thể. Cách quản lý này mình đánh giá là khá hiệu quả, bởi tính từ thời điểm cuối năm ngoái đến đầu năm nay lúc chưa có bão giá, chồng mình đã nhét vào sổ tiết kiệm được 100 triệu.
Ngoài ra, dù mình không đồng ý nhưng anh vẫn thích mua những chiếc đồng hồ hiệu khá đắt bằng các khoản tiền dành dụm được của gia đình. Sau một thời gian bán đi thấy cũng có lãi. Thế là mình nhận ra, đây là khoản tiền anh dùng để đầu tư tích lũy, dù mua về dùng và chơi để thỏa mãn sở thích cá nhân nhưng thực chất cũng kinh doanh và có lời", chị Uyên chia sẻ.
Cặp vợ chồng trẻ này cũng thống nhất quan điểm người nào giỏi hơn thì sẽ là "tay hòm chìa khóa" để tối ưu nhất nguồn tiền của gia đình. Đặc biệt, thói quen sẽ không động vào tiền đã tiết kiệm. Nếu có tháng tiêu thiếu, sẽ chọn cách đi vay. Khi nào có sẽ trả để không ảnh hưởng tới số tiền đã tích cóp.
Bài viết ghi lại theo lời chia sẻ của nhân vật.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn