"Bao giờ doanh nghiệp nhận được tiền hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19" là câu hỏi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đặt ra tại Hội nghị trực tuyến giới thiệu Cổng Dịch vụ công quốc gia và những lợi ích dành cho doanh nghiệp, diễn ra ngày 19/5.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc triển khai các dịch vụ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp làm thủ tục để được hưởng gói hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19 còn chậm.
Sau 1 tuần cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, mới tiếp nhận được 96 hồ sơ, trong đó có 2 hồ sơ chuyển cấp huyện, 31 hồ sơ chuyển Bảo hiểm xã hội, 63 hồ sơ thiếu thông tin. Bộ trưởng đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội làm rõ việc này.
Giải trình về việc này, bà Trần Thị Liễu, Trưởng phòng Kế hoạch thống kê, Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay quy trình hướng dẫn chưa chính thức do liên quan đến báo cáo tình hình tài chính doanh nghiệp.
Bộ đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính về mẫu biểu tài chính rút gọn để cơ quan chức năng thẩm định ấn định, thời hạn trả lời chậm nhất trước 10 giờ ngày 8/5, nhưng tới nay vẫn chưa có câu trả lời.
Thời gian thẩm định xác nhận cơ quan bảo hiểm đã được rút gọn chỉ trong 1 ngày làm việc, song đối với cấp huyện và cấp tỉnh, mốc thời gian được giữ nguyên theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Chính vì chưa có hướng dẫn chính thức nên Bộ không được tham gia trực tiếp trong quá trình xử lý hồ sơ, không biết tắc nghẽn ở đâu, vì sao.
"Theo đúng quy trình, khi nhận được hồ sơ về Cổng Dịch vụ công, chuyển về cấp huyện, sau khi thẩm định lại chuyển về Cổng, rồi chuyển về tỉnh. Trên cơ sở đó, tỉnh ra quyết định danh sách người lao động và doanh nghiệp được hỗ trợ," bà Liễu lý giải.
Trước vấn đề mà Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu về việc mỗi bộ, mỗi cơ quan phải có biểu mẫu để đơn giản hóa, giải quyết nhanh thủ tục, bà Trần Thị Liễu cho biết Bộ đã thiết kế biểu mẫu tài chính rút gọn, không thể đơn phương đưa mẫu riêng.
Bà Trần Thị Liễu đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm có ý kiến với Bộ Tài chính thống nhất biểu mẫu để Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp và báo cáo Văn phòng Chính phủ.
Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho biết trong việc này, Bộ Tài chính có chậm trễ như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thông tin. Hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất về quy trình để đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Thời gian qua, một số doanh nghiệp kê khai hồ sơ chưa chuẩn nên phải bổ sung cho chuẩn. Hồ sơ nào chuẩn rồi, đã chuyển về huyện và qua Cổng Dịch vụ công quốc gia đều theo dõi được đang nằm ở đâu.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) Nguyễn Hải Minh chia sẻ doanh nghiệp vướng mắc và sợ nhất là một thủ tục phải liên quan đến nhiều bộ, ngành, bởi lúc đó không biết bộ nào sẽ giải quyết được vấn đề cho mình.
Nêu lên câu chuyện thực hiện thủ tục trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, chuyên gia Phan Vinh Quang, Giám đốc Công ty MBI cho biết “rất nhiều dịch vụ tôi cần lại không có. Ví dụ, tôi đăng ký dịch vụ xuất khẩu mã vạch cho công ty tôi nhưng không làm được. Trong lúc dịch COVID-19, chỉ xin 1 cái mã vạch tôi mất 2 lần chuyển tiền, 1 lần là chuyển phí, 1 lần phí đăng ký và 2 lần đến mới xin được mã vạch. Tôi phải chờ mất gần 1 tháng."
Theo ông, một số thủ tục vẫn phải làm bằng giấy, mất rất nhiều thời gian; thủ tục xin giấy lý lịch tư pháp trên Cổng thông tin của Bộ Tư pháp không thực hiện được.
"Tôi lên trực tiếp Sở Tư pháp Hà Nội, làm theo hướng dẫn xong chờ nửa tháng sau hồ sơ trả lại và nói rằng chưa đúng vì cần xác thực chữ ký. Sau đó, tôi phải nhờ dịch vụ, chi phí lớn hơn nhiều so với chi phí chính thức," ông Quang kể.
Theo ông Quang, trong dịch COVID-19, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, cực chẳng đã mới phải xin hỗ trợ từ Chính phủ. Nếu Chính phủ giúp cho doanh nghiệp được thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, tập trung vào kinh doanh, tạo ra giá trị gia tăng và công ăn việc làm.
Mong muốn có càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt các dịch vụ công được đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, ông cho biết, Thủ tướng đã nhắc đến "virus trì trệ," thông qua Cổng Dịch vụ công này, doanh nghiệp sẵn sàng chỉ ra đâu, chỗ nào có những con "virus trì trệ."
“Nếu chúng tôi có những kênh như vậy thì các anh sẽ phát hiện ra ngay con virus trì trệ. Đây chính là cách Chính phủ tận dụng chất xám của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia để có một cuộc thi hay phong trào tìm kiếm con virus trì trệ. Nếu tìm ra con virus này sẽ vượt qua dịch COVID-19 tốt hơn rất nhiều. Doanh nghiệp không cần hỗ trợ tài chính mà chỉ cần giảm thời gian, giảm chi phí tuân thủ," ông Quang nói.
Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cũng bày tỏ mong muốn “Chính phủ là bà đỡ cho doanh nghiệp và người dân."
Hiện nay, đối với doanh nghiệp 100% đã khai thuế điện tử, giữa chỉ đạo và thực thi vẫn còn khoảng cách và khoảng cách ngày càng ngắn đi, điều này rất đáng phấn khởi. Trước đây, khi làm thủ tục về bảo hiểm xã hội, tại bộ phận một cửa, số người xếp hàng nộp hồ sơ rất đông, nhưng giờ không còn người xếp hàng nữa. Hai ngành thuế và bảo hiểm xã hội ứng dụng điện tử tốt nhất.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Cúc, hiện có những vấn đề muốn làm nhưng rất khó như đăng ký chữ ký số phải đầu tư 2-2,5 triệu đồng/chữ ký.
“Bộ trưởng nói chúng ta chỉ cần 1 chữ ký số nhưng thực tế chưa phải như thế. Doanh nghiệp phải dùng 1 chữ ký để nộp thuế, 1 chữ ký để nộp bảo hiểm xã hội, 1 chữ ký để làm hải quan. Đặc biệt, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở 2 nơi trở lên buộc họ phải tự quyết toán. Muốn quyết toán thuế nộp trực tiếp trên mạng phải có chữ ký, mà mua chữ ký số 2,5 triệu đồng cho 1 lần quyết toán thì rất đắt," bà Cúc dẫn chứng.
(TTXVN/Vietnam+)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn