Vụ việc em bé 8 tuổi tại TPHCM bị mẹ kế đánh tử vong và em bé 3 tuổi tại Hà Nội bị người tình của mẹ đẻ bạo hành tới mức nguy kịch đến tính mạng đã khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Không thể lý giải được vì sao những kẻ mang danh người lớn lại có thể hành xử mất hết tính người đối với con trẻ đến như vậy. Chỉ có thể nói, các thủ phạm bạo hành ác ôn với trẻ em thực sự mang trái tim quỷ dữ.
Việt Nam là quốc gia tham gia Công ước quốc tế về Quyền trẻ em từ rất sớm, từ ngày 20/2/1990. Luật bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em cũng đã được ban hành từ năm 2004 và năm 2016 được thay thế bởi Luật Trẻ em. Vậy nhưng, các vụ bạo hành, đánh đập, xâm hại trẻ em xuất hiện trên các phương tiện truyền thông với tần suất dày hơn, mức độ độ bạo hành, xâm hại trẻ em dường như tàn độc hơn. Vì sao?
Thứ nhất, nhìn ở góc độ thông tin, khoảng 10 năm trở lại đây, mạng xã hội phát triển giúp kết nối và truyền thông tin đến với nhiều người nhanh hơn, minh định hơn. Chính vì vậy, có nhiều vụ việc được phát hiện bởi các clip, hình ảnh được đưa lên mạng xã hội với tốc độ lan truyền cực nhanh chóng. Camera an ninh cũng chính là "tai mắt" đắc lực giúp cho các vụ án được khám phá nhanh hơn, chính xác hơn.
Thứ hai, nhìn ở góc độ tâm lý xã hội, việc bùng nổ internet khiến nhiều thông tin "đen", xấu, mang tính tiêu cực và độc hại cũng tràn vào cuộc sống tinh thần của con người. Thế giới phẳng khiến người ta tiếp cận với các giá trị tích cực, tốt đẹp, nhưng cũng dễ dàng được chứng kiến các năng lượng xấu và tàn độc khác. Các phim ảnh chém giết, các trò chơi bắn giết nhau trên game, ảo mà như thật. Chính vì vậy, ở một vài cá nhân, phần Con đã được kích hoạt cao hơn phần Người khi được tiếp xúc và ảnh hưởng bởi các năng lượng xấu này.
Thứ ba, pháp luật và thiết chế khác trong xã hội vẫn còn nương tay với loại tội phạm bạo hành và xâm hại con trẻ, khiến sự răn đe chưa đủ để cảnh tỉnh chung. Báo chí đã phản ánh rất nhiều vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em, nhưng vẫn còn nhiều vụ việc chưa được khởi tố xử lý. Nhiều vụ đưa lý do khó chứng minh hành vi phạm tội, nhưng ngay cả các vụ việc có clip, hình ảnh và nhiều bằng chứng khác, cũng vẫn chưa được khởi tố. Và ngày qua ngày, sự vụ chìm dần trong nỗi đau khổ của người đi tố cáo.
Là một nhà báo theo dõi và thường xuyên tiếp cận với các vụ việc bạo hành và xâm hại trẻ em, tôi thường xuyên ở tâm trạng bức xúc cùng với các nạn nhân. Có nhiều vụ việc tôi đã viết trở đi trở lại trong nhiều năm như vụ dì ghẻ dùng kiềm cắt tiêu đánh bé Thảo ở Lộc Ninh, Bình Phước, hay vụ vợ chồng ở Kiên Giang dùng nón bảo hiểm vô cớ đánh bé Sáng ở Kiên Giang, vụ dân phòng đánh 2 em bé ở Q.10, TPHCM và gần đây nhất là vụ người cha đánh con dã man tại Hóc Môn, TPHCM, đều không được khởi tố.
Nếu chúng ta còn dung dưỡng với cái xấu, cái ác, "chấp nhận" người lớn đánh đập trẻ em, thì chỉ chạy theo xử lý phần ngọn của các vụ án điểm mà thôi. Nếu chúng ta coi các trận đòn thù của người thân trong gia đình nào đó lên 1 đứa trẻ là việc cá nhân, không có sự can thiệp ngay, không có hình phạt tương xứng ngay, thì các án mạng do bạo hành gia đình sẽ còn xảy ra với trẻ em. Nếu chúng ta thờ ơ với các vụ đánh đập trẻ em ngoài đường, không mạnh mẽ lên tiếng, thì danh sách nạn nhân là con trẻ sẽ còn dài thêm.
"Tôi cho rằng, chúng ta đang chỉ xử lý phần ngọn của vấn đề bạo hành trẻ em. Còn rất nhiều vụ việc bạo hành trẻ em đều rơi vào im lặng chưa được khởi tố, khiến người phạm tội nhởn nhơ, pháp luật không xử lý khiến không đủ sự răn đe. Điều quan trọng phải là gốc của vấn đề. Nếu có vụ việc nào đó bạo hành trẻ em mà các cơ quan bảo vệ trẻ em, bảo vệ pháp luật nghiêm khắc xử lý, xử mạnh, xử nghiêm, thì chắc chắn tội phạm này sẽ phải chùn tay, góp phần giảm bớt các vụ án bạo hành dã man trẻ em. Việc chạy theo các vụ án đã xảy ra theo kiểu manh mún chỉ là cách xử lý tạm thời, giải quyết cắt ngọn mà thôi. Việc quan trọng nhất là trốc tận rễ với các cách xử lý vụ việc mạnh mẽ, nghiêm minh", luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết.
Ở góc nhìn nhân văn và toàn diện, một xã hội bình yên chỉ khi trẻ em được có đầy đủ quyền trẻ em đã được quy định đầy đủ trong luật định.
Và bức tranh thực tế hiện nay cho thấy sự thật nghiệt ngã rằng, tất cả người lớn có lương tri và đầy đủ nhận thức như chúng ta, hiện đang nợ trẻ em Việt Nam một môi trường sống an toàn. Chúng ta phải trả nợ như thế nào, bài toán đó đặt lên vai trách nhiệm xã hội và các nhà quản lý cao cấp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn