Nếu học sinh, sinh viên có đến 2 tháng nghỉ hè thì dân công sở chỉ có 12 ngày/ năm. Nghỉ phép là quyền lợi song chúng ta gần như không dùng hết sạch ngày phép bao giờ vì nhiều lý do.
Khi nhắc đến nghỉ phép khi đi làm, người trẻ thường nghĩ đến gia đình và bạn bè đầu tiên. Đó là quãng thời gian bạn được tự do làm việc cá nhân và vẫn được hưởng lương công ty.
Thời gian nghỉ phép dài nhất trong suốt quá trình đi làm của Hoàng Sang (29 tuổi/ nghề nghiệp: Giám định tàu chở xăng dầu) là... 1 tuần.
“Mình xin nghỉ phép khoảng từ 5-6 ngày, chủ yếu là đi du lịch cùng bạn bè và gia đình. Vì tính chất công việc nhiều nên nếu nghỉ nhiều thì công việc phải chia sẻ lại cho đồng nghiệp nên mình cũng ngại lắm”.
Dù biết nghỉ phép là quyền lợi song không phải nhân viên nào cũng "dám" xin nghỉ hẳn 1 tuần như Hoàng Sang vì tâm lý sợ sếp, ngại đồng nghiệp. Chưa kể, nếu bạn đang làm việc với sếp hay "mặt nặng mày nhẹ" chuyện nhân viên nghỉ phép thì còn khó để mở lời hơn nữa.
Tâm lý sợ và ngại không dám xin nghỉ phép nảy sinh từ đó và nhiều người bỏ qua đặc quyền vốn thuộc về mình. Tuy nhiên, không phải người quản lý nào cũng thế! Bởi hơn ai hết họ hiểu, nghỉ phép không chỉ là quyền lợi của nhân viên mà còn là cách để cấp dưới tái tạo sức lao động, tìm lại nguồn năng lượng mới để làm việc năng suất hơn khi trở lại với công việc.
Như trường hợp của Hà Lê (22 tuổi/ nghề nghiệp: Nhân viên chăm sóc khách hàng) là một ví dụ. Cậu có một người sếp rất tuyệt vời, mỗi lần xin nghỉ phép là sếp duyệt rất nhanh, còn kèm theo câu “vô tư đi em”, miễn sao vẫn hoàn thành tốt công việc được giao.
"Nếu chẳng may gặp trường hợp sếp quá khắt khe, áp đặt công việc thì mình nghĩ bạn nên ngồi lại nói chuyện với sếp, bày tỏ rõ quan điểm. Nếu cứ ấp úng và không dám lên tiếng thì hiển nhiên sếp sẽ nghĩ chúng ta chịu đựng được và không sếp nào tự đi hỏi: Em có cần nghỉ phép không? cả đâu đâu nhỉ!", Hà Lê nói thêm,
Đã có rất nhiều bạn trẻ khi bước vào một môi trường mới, ngại giao tiếp và cảm thấy công việc áp lực, sếp khắt khe, không dám đứng ra xin nghỉ phép nên đã quyết định nghỉ luôn.
Dung Đỗ (25 tuổi/ nghề nghiệp: Nhân viên kế toán) tuyên bố cứng như vậy khi được hỏi nếu xin nghỉ phép mà sếp không cho thì phải làm thế nào: “Nếu bản thân mình làm việc trong môi trường khắc nghiệt, đến ngày nghỉ phép còn không dám xin thì mình sẽ quyết định nghỉ việc luôn để tìm một chỗ làm việc khác”.
Ngược lại, đối với Hoài Sang - cậu cho rằng chuyện đâu còn có đó, không nên vì một phút bốc đồng khó chịu chuyện không được sếp chiều theo mong muốn mà bỏ đi cơ hội làm việc, kiếm tiền. Mặt khác, nếu bạn làm việc tốt thì không sếp nào có lý do để "giam" bạn ở công ty cả.
“Các bạn không nên vàng suy nghĩ đến chuyện nghỉ việc. Bởi nếu bản thân các bạn hoàn thành tốt công việc được giao hoặc có việc thật sự rất gấp thì cứ tự tin xin nghỉ phép không vấn đề gì cả. Chỉ sợ không hoàn thành công việc mà xin nghỉ thì mới là có vấn đề”, cậu nói.
Ngoài ra, Hoài Sang còn cho rằng sau khi đi chơi về thì không nên đăng hình đi chơi lên Facebook liền, đợi khoảng 1 tuần sau đó hẵng đăng là thời điểm hợp lý nhưng.
Hà Lê lại không đồng tình với ý kiến đó: “Ai cũng có quyền lợi nghỉ phép và là nghỉ phép có lương riêng, được sử dụng theo nhu cầu. Mình không được đặt cách hay cố tình giấu giếm nghỉ nên hoàn toàn có quyền đăng hình đi chơi lên Facebook nếu mình muốn”.
“Khi đi chơi mình cũng sẽ xem ở đó có đặc sản gì không để mua một ít về làm quà cho mọi người, thay cho lời cảm ơn đến mọi người đã giúp đỡ làm thay phần công việc của mình lúc mà mình đi chơi” - Hà Lê nghĩ món quà sẽ khiến cậu được lòng sếp, đồng nghiệp hơn chứ không phải là một kỳ nghỉ phép bí mật.
Tạm kết:
Không có công việc nào là nhàn hạ, dễ dàng và cũng không có công việc nào mà không có lấy ngày nghỉ. Chỉ cần chúng ta cố gắng hoàn thiện tốt công việc được giao và có một lý do nghỉ chính đáng thì không sếp nào có lý do nói "không". Và bạn Dung Đỗ có mách một bí kíp nhỏ đó là: “Bạn hãy canh lúc sếp đang vui vẻ mà xin nghỉ, hiệu quả lúc này tăng lên đáng kể đấy”.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn