Là một không gian được sử dụng mỗi ngày nhưng có bao giờ bạn suy nghĩ đến việc cần dọn dẹp phòng tắm bao lâu một lần. Trả lời cho câu hỏi này là một đáp án không xác định. Nguyên nhân là bởi nó phụ thuộc nhiều vào tình trạng và việc sử dụng phòng tắm của các thành viên trong gia đình.
Với những vết kem đánh răng bám trên bồn rửa mặt hay bọt xà phòng bám quanh tường sau mỗi lần trẻ tắm xong, bạn sẽ cần lau dọn ngay. Vì thế từ giờ trở đi, chúng ta sẽ chỉ đề cập đến tần suất làm sạch sâu cho nhà tắm.
Theo các chuyên gia thì bạn nên dọn dẹp phòng tắm kỹ lưỡng một tuần một lần. Phòng tắm có nhiều ngóc ngách nhỏ nên đòi hỏi việc lau chùi kỹ lưỡng. Quần áo sử dụng trong ngày có bám theo nhiều bụi làm phòng tắm nhanh chóng không còn giữ được tình trạng sạch sẽ. Chưa kể, trong quá trình sử dụng, những mảng bám xà phòng có thể gây ra những vết ố trên tường và bồn rửa. Vì vậy, tần suất làm sạch sâu một tuần một lần cho phòng tắm là rất thích hợp.
Để làm sạch sâu cho phòng tắm, bạn cần thực hiện qua một và bước. Tuy lần đầu sẽ làm bạn tốn chút thời gian nhưng lâu dần và việc duy trì tần suất 1 tuần 1 lần thì bạn sẽ thấy việc làm sạch sâu nhà tắm cũng không quá mất công.
- Dọn dẹp tổng quát: Bước đầu tiên, bạn cần có một cái nhìn tổng quát vào hiện trạng của căn phòng. Dọn dẹp mọi thứ có trong phòng tắm đã không còn giá trị sử dụng như những chai lọ sữa tắm, dầu gội đã dùng hết. Tiếp đó, hãy đổ sạch thùng rác trong phòng tắm. Những chiếc khăn tắm đã qua sử dụng hoặc trong tình trạng ẩm ướt cần được cho ngay vào máy giặt.
- Kiểm tra đường ống thoát nước: Sẽ có nhiều người không để ý đến bước thứ 2 này khi dọn dẹp phòng tắm. Bạn cần kiểm tra tình trạng đường ống thoát nước bên trong nhà tắm trước khi nhận ra nó đang bị tắc nghẽn trong quá trình dọn dẹp.
Nguyên nhân chủ yếu thường gây ra tắc nghẽn đường ống thoát nước phòng tắm là do tóc cuốn, váng xà phòng tích tụ lâu ngày. Nếu phát hiện đường ống có khả năng tắc nghẽn bạn cần phải xử lý ngay trước khi bắt tay vào dọn dẹp kỹ càng mọi ngóc ngách trong phòng tắm.
- Dọn dẹp khu vực bồn cầu: Nơi được cho là dễ hình thành vi khuẩn nhất trong phòng tắm chính là khu vực bồn cầu. Vì thế, bạn nên ưu tiên làm sạch khu vực này đầu tiên khi chính thức bắt tay vào dọn dẹp phòng tắm.
Sử dụng nước tẩy rửa chuyên dụng cho khu vực bồn cầu để cọ rửa kỹ càng, đồng thời giúp khử trùng, giữ cho bồn cầu luôn trông thật sạch sẽ.
- Lau chùi gạch ốp tường: Bạn cần lau chùi gạch ốp tường theo hướng từ trên xuống dưới. Bạn nên chia tường thành nhiều khoảng nhỏ để tiện lau chùi hơn. Đồng thời, việc này cũng đảm bảo không bỏ sót một khoảng nào trên tường phòng tắm.
Việc lau chùi gạch ốp tường chủ yếu để loại bỏ các vệt xà phòng bám lại trong quá trình sử dụng. Vì thế chỉ cần một loại nước lau chùi nhẹ và lau thật kỹ bằng khăn mềm là bạn đã có thể làm bề mặt gạch ốp trong phòng sạch bong, sáng bóng.
- Làm sạch các khu vực và thiết bị phòng tắm khác: Trong phòng tắm được chia thành nhiều khu vực. Khi tiến hành lau dọn, ngoài bồn cầu thì bạn vẫn còn bồn tắm, bồn rửa mặt, vòi sen. Tất cả chúng đều cần được lau chùi cẩn thận ít nhất một lần trong tuần.
- Lau chùi gương: Đừng quên lau sạch gương treo tường bên trong phòng tắm. Những vệt nước, váng xà phòng bám trên bề mặt sẽ khiến gương của bạn bị mờ. Vì thế, bạn nhất định không thể quên lau chùi sạch sẽ và khô ráo cho gương treo tường trong phòng.
- Lau sạch sàn nhà: Bước gần cuối trong quy trình làm sạch sâu phòng tắm chính là lau dọn sàn. Đất cát và bụi bẩn bám trên người đều được rửa trôi khi chúng ta tắm. Lúc này, đất và bụi bẩn sẽ bám lại trên nền sàn. Chưa kể đến các bước lau dọn phía trên cũng đủ khiến sàn nhà trông bẩn đi rất nhiều.
- Sắp xếp lại phòng tắm: Sau khi đã lau dọn sạch sẽ, thơm tho cho phòng tắm, bước cuối cùng bạn chỉ cần sắp xếp lại và bổ sung thêm những thứ còn thiếu nh dầu gội, sữa tắm trong phòng. Bên cạnh đó, bạn có thể đốt nến thơm, sử dụng máy khuếch tán tinh dầu hoặc dùng túi thơm để tăng mùi hương trong không gian phòng tắm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn