Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái - Bóng tối của đại dịch

17:52 | 08/05/2020;
Bạo lực trên cơ sở giới vốn là một vấn đề nghiêm trọng. Trong bối cảnh ngặt nghèo do thiên tai, dịch bệnh, cụ thể là dịch Covid-19 hiện nay, phụ nữ và trẻ em gái rơi vào nguy cơ bị bạo lực cao hơn bình thường.

Đó là nhận định của bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam. Theo bà Kitahara, không chỉ bị bạo hành gia đình, phụ nữ và trẻ em gái còn phải đối mặt với các hình thức bạo lực trên cơ sở giới khác như bị tấn công và lạm dụng tình dục. Vấn đề này đã được chứng minh qua các đại dịch xảy ra trên thế giới trước đây. Dịch do virus Zika 2015-2016, dịch bệnh do virus Ebola gây ra những năm 2013-2016 ở Tây Phi khiến gia tăng các trường hợp bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở khu vực này. Đại dịch Covid-19 cũng không phải ngoại lệ.

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái - Bóng tối của đại dịch - Ảnh 1.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam

Bà Kitahara nhấn mạnh, dịch bệnh làm gia tăng nguy cơ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái do các xung đột trong gia đình phát sinh vì mất việc làm, giảm thu nhập, lo lắng về an ninh lương thực hay lo ngại bị nhiễm virus, các vấn đề về sức khỏe tâm thần… Giai đoạn hạn chế đi lại và giãn cách xã hội do dịch bệnh khiến cả nạn nhân và những kẻ gây ra bạo lực ở cùng nhau cả ngày lẫn đêm. Điều này khiến nạn nhân có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong việc nhờ can thiệp hay giúp đỡ từ người khác.

Đồng quan điểm này, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, cho biết, bạo lực trên cơ sở giới là vấn đề nhức nhối trên thế giới. Vấn đề này kéo dài từ lâu và càng trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch Covid-19. Nguyên nhân chính là do sinh kế bị ảnh hưởng, làm nảy sinh tâm lý bức bối, khó kiểm soát với nhiều người và bạo lực rất dễ xảy ra, nhất là trong những gia đình từng xảy ra các sự việc bạo lực.

Nỗi đau đến từ "24 giờ bên nhau"

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam:

"Điều mà tôi quan ngại là việc lạm dụng, bạo lực có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian này do nạn nhân không thể chạy ra khỏi nhà hoặc đi làm, hoặc đến nhà của người thân trong thời gian giãn cách xã hội".

Theo Liên hợp quốc, việc phong tỏa tại nhiều quốc gia là một biện pháp bảo vệ nhưng nó còn mang đến một "đại dịch" khác: bạo lực đối với phụ nữ. Các trường hợp về bạo lực gia đình tăng từ 30% đến 50% ở nhiều quốc gia trong bão dịch Covid-19.

Còn theo báo cáo "100 ngày đầu tiên của đại dịch Covid-19 ở châu Á-Thái Bình Dương: Một góc nhìn về giới" của UN Women (từ ngày 1/1 đến 9/4/2020), số vụ bạo lực gia đình ở Trung Quốc tăng gấp 3 lần trong thời kỳ dịch hoành hành. Hơn 37% phụ nữ ở Nam Á, 40% phụ nữ ở Đông Nam Á và 68% phụ nữ ở khu vực Thái Bình Dương bị chồng hoặc bạn tình bạo hành. Đường dây nóng cho nạn nhân của bạo lực gia đình ở Malaysia đã báo cáo các cuộc gọi tăng 57%. Tại Singapore, số cuộc gọi đến đường dây nóng trợ giúp phụ nữ đã tăng 33% so với năm ngoái.

 Ngày 12/4/2020, tổ chức Refuge hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành lớn nhất nước Anh, cho biết, số lượng cuộc gọi đến đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực đã tăng 700% so với trước. Còn theo hãng tin CNN, tại Mỹ, số lượng cuộc gọi báo cáo các vụ bạo lực tăng gấp đôi trong thời gian vừa qua.

Gánh nặng của người trong cuộc

Đại dịch Covid-19 bùng phát gây áp lực lên đôi vai vốn đã nặng trĩu vì bất bình đẳng giới của người phụ nữ. Tình trạng đó trở nên tồi tệ hơn rất nhiều trong trường hợp bị cô lập như một hệ quả ngoài ý muốn của lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội.

"Sau hơn 30 năm chung sống, bạo lực thể xác đã trở thành một phần trong cuộc sống của tôi. Nó quen thuộc như không khí tôi hít thở. Tôi không biết phải làm gì để thay đổi điều đó", Laila, một phụ nữ Tunisia, chia sẻ với phóng viên báo Đức Deutsche Welle. Khi dịch lan rộng, chính phủ ra lệnh hạn chế đi lại và chồng Laila buộc phải ở nhà, không đi làm. Điều đó đồng nghĩa rằng, Laila tiếp tục phải gánh chịu những trận đòn từ chồng mình.

Laila không phải là người phụ nữ duy nhất. Cô Aisha ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, chồng đánh đập cô và các con mỗi ngày. Aisha lo ngại rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể triển khai nhiều giải pháp cứng rắn hơn nữa để ngăn chặn đại dịch Covid-19, bao gồm cả lệnh giới nghiêm. Điều đó buộc cô không thể đi làm và phải ở nhà với chồng. "Tôi chắc chắn rằng, sẽ bị đánh đập và quấy rối nhiều hơn hiện tại. Tôi không muốn điều này xảy ra", Aisha nói.

TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội

TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội

Bà Khuất Thu Hồng cho biết, ở Việt Nam, các tổ chức hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực như Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), Ngôi nhà Bình yên của Hội LHPN Việt Nam, đều ghi nhận số người gọi đến đường dây nóng yêu cầu hỗ trợ do bạo lực gia đình tăng lên đáng kể từ khi dịch xảy ra. 

Tôi biết một số phụ nữ xin được đi làm thay vì ở nhà trong khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội. Họ thà bị nhiễm corona virus còn hơn ở nhà đối diện với người chồng bạo lực. Họ nói nhiễm virus chưa chắc đã chết nhưng bị đánh có thể mất mạng

TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội

Theo báo cáo "100 ngày đầu tiên của đại dịch Covid-19 ở châu Á-Thái Bình Dương: Một góc nhìn về giới", bạo lực còn xảy ra tại nơi làm việc, đặc biệt gia tăng ở các cơ sở y tế do sự căng thẳng trầm trọng và kéo dài. Tại Trung Quốc đã xảy ra tình trạng bạo lực thể chất và tinh thần đối với nhân viên y tế, nhất là nữ nhân viên trong các đơn vị chống dịch. Tại Singapore, một số nhân viên y tế bị quấy rối tại các địa điểm công cộng và trên tàu xe.  

Bài sau: Gian nan hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trong mùa dịch

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn