Bạo lực gia đình gây thiệt hại khoảng 1,77% GDP mỗi năm

17:55 | 12/12/2018;
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, công tác phòng chống bạo lực gia đình là một việc quan trọng, nằm trong tổng thể xây dựng đời sống văn hóa, là hành động cần thiết bảo vệ quyền con người.

Ngày 12/12, Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức tại Hà Nội.

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, đại diện các ủy ban của Quốc hội, các tổ chức quốc tế; các Bộ, ngành và địa phương. Đặc biệt, hội nghị có sự tham gia của những cá nhân điển hình trong PCBLGĐ ở cộng đồng.

bao-luc-gia-dinh.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sau 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ, công tác PCBLGĐ đã đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, theo thống kê, tại Việt Nam, bạo lực gia đình đã làm tổn hại tinh thần, ảnh hưởng tới kinh tế và năng suất lao động, ước tính gây thiệt hại khoảng 1,77% GDP mỗi năm. Các nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam cũng cho thấy có tới 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ đã từng trải qua ít nhất một  hình thức bạo lực gia đình. Đặc biệt, con số thống kê cũng cho thấy gần 80% số vụ ly hôn hằng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình...

Thực tiễn thực thi cho thấy Luật PCBLGĐ chưa quy định rõ một số khái niệm và xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong PCBLGĐ, các chính sách đầu tư nguồn lực từ nhà nước và huy động xã hội hóa cũng chưa rõ điều này dẫn đến vướng mắc trong quá trình hướng dẫn, triển khai. Việc xử phạt vi phạm hành chính mặc dù đã được thực thi song chưa tương xứng với số vụ BLGĐ do tính đặc thù của đối tượng bị xử phạt. Hình thức xử phạt hành chính hiện nay chưa thực sự đảm bảo tính răn đe, giáo dục và đôi khi là rào cản đến việc phát hiện, can thiệp, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ và xử lý người gây BLGĐ.... 

Chủ trì hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rất quan tâm vấn đề tổng kết, đánh giá kết quả thực tiễn thực hiện luật và đặt vấn đề tại sao số liệu giữa các ngành không chính xác, quá khác nhau. Theo Phó Thủ tướng, nếu không đánh giá được thực trạng làm sao có giải pháp đúng. Thực tế hiện nay, các cơ quan, tổ chức có liên quan chưa phối hợp dài hơi với nhau, mà chỉ thông qua sự kiện, vì thế tính hiệu quả của PCBLGĐ sẽ không được như mong muốn.

dsc_6076.JPG
Các đại biểu tham dự Hội nghị

 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, công tác phòng chống bạo lực gia đình là một việc quan trọng, nằm trong tổng thể xây dựng đời sống văn hoá, là hành động cần thiết bảo vệ quyền con người, cần sự kiên trì, thực hiện trong một thời gian dài. Đây không phải là một vấn đề mới nhưng khi nhiều hành vi luôn được coi là thói quen sinh hoạt, tình cảm, riêng tư giờ được luật hoá, nó là dấu mốc của sự phát triển hội nhập đất nước.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung luật, cần ưu tiên làm tốt ngay với Luật PCBLGĐ hiện hành.

Cũng nhân dịp tổng kết 10 năm thi hành Luật PCBGĐ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã trao bằng khen tặng các tập thể, cá nhân đạt nhiều thành tích trong sự nghiệp PCBLGĐ giai đoạn 2008-2018. Tập thể Báo Phụ nữ Việt Nam đã vinh dự nhận được nhận Bằng khen.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa 12 thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 21 tháng 11 năm 2007, có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 07 năm 2008.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 137/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017, Bộ VHTTDL được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng đề án “Sửa đổi, bổ sung Luật PCBLGĐ” trình Chính phủ vào năm 2022.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn