Bạo lực gia đình - Vì sao chúng ta đang thất bại? (Bài 1)

11:14 | 06/10/2016;
Bị chồng đốt, bị chồng giết, bị chồng thọc tay vào vùng kín kéo vòng tránh thai... Những tiếng kêu cứu của người phụ nữ bị bạo hành cứ ngày càng yếu ớt hơn. Họ cô đơn, không tin tưởng, thậm chí là rất thất vọng khi cần sự trợ giúp!
LỜI TÒA SOẠN: Theo thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch), 5 năm trở lại đây, số vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) được ghi nhận giảm 60% (trên 50 nghìn vụ năm 2010 xuống còn dưới 20 nghìn vụ năm 2015). Kết quả quá khả quan nếu không tính đến những vụ tra tấn, đoạt mạng người thân ngày càng tàn độc và dày đặc trên truyền thông. Gõ từ khóa “Chồng giết vợ”, sau 0,7 giây trên Google cho hơn 5,4 triệu kết quả; gõ từ khóa “Vợ giết chồng”, sau 0,64 giây xuất hiện khoảng 6.870.000 kết quả.

Ngay từ năm 2014, báo cáo của các tổ chức phi chính phủ đã chỉ ra cứ 2-3 ngày ở Việt Nam lại có 1 người bị giết liên quan đến BLGĐ, trong đó đa phần là phụ nữ và trẻ em. Từ đó đến nay, tình hình tiếp tục diễn biến xấu. Riêng năm 2015, có 31 phụ nữ, 7 trẻ em bị giết hại do người thân “ra tay”. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, 6 tháng đầu năm 2016 đã có hơn 20 phụ nữ, trẻ em thiệt mạng do BLGĐ. Chỉ trong tháng 6 và tháng 7/2016, các vụ án lấy mạng người thân tiếp tục dồn dập với tính tàn độc, sự kinh hoàng ngày càng tăng về cấp độ và chưa có bất kỳ dấu hiệu nào dừng lại.

Ra tay cướp mạng sống của người thân có thể là hậu quả của sự “cả giận mất khôn” trong giây phút, nhưng nhiều khi là hệ quả của những hành vi bạo lực đã lặp lại nhiều lần, đã được cảnh báo, được kêu cứu. Những lúc đó, các cơ quan thực thi pháp luật, các đoàn thể, những người “ngoài cánh cửa” đã làm gì? ở đâu? Để đến khi nhiều vụ án vốn được dự báo trước trở thành thảm khốc, chúng ta lại bị động, lại chia buồn, lại loay hoay “giải quyết”.

BLGĐ khủng khiếp hơn bạo lực thông thường bởi nỗi đau mà nó để lại dai dẳng, bế tắc, trải dài hơn cả một đời người, một thế hệ, đẩy nhiều con trẻ vào tệ nạn xã hội. Luân thường đạo lý của người Việt, nền tảng đạo đức xã hội bị đe dọa, bào mòn. Vậy nên nó không phải và không thể bị coi là “chuyện nhà ai nhà ấy rạng” hay chủ đề riêng tư để các cơ quan chức năng né tránh, sợ mất thành tích, đùn đẩy hay im lặng. Vì sao có đến 54% người bị BLGĐ (được hỏi) nghĩ rằng các biện pháp xử lý của công an là chưa nghiêm minh, thái độ và cách xử lý của các cơ quan chức năng cũng khiến họ thất vọng?

Hãy cùng PNVN lật lại tâm sự của những người trong cuộc thông qua Chuyên đề "BẠO LỰC GIA ĐÌNH - VÌ SAO CHÚNG TA ĐANG THẤT BẠI?" để biết họ đơn độc như thế nào trong hành trình gian nan bảo vệ mình chính ở nơi hy vọng được bình yên nhất. Để rồi, ngay lúc này, “những người ở phía ngoài cánh cửa” sẽ quyết tâm hành động một cách chủ động nhất, với nhận thức đầy đủ nhất, đúng đắn nhất vì sự phát triển bền vững của cả cộng đồng. Vấn đề đã thực sự cấp bách bởi nói như luật sư Nguyễn Minh Khoa, TPHCM, thì: “Chính quyền không thật sự sẵn sàng vào cuộc, hàng xóm thì vẫn “đèn nhà ai nấy sáng” nên những tiếng kêu cứu của người bị bạo hành cứ ngày càng yếu ớt hơn. Họ cô đơn, không tin tưởng, thậm chí thất vọng khi cần sự trợ giúp của các cơ quan công quyền với đầy đủ chức năng, vai trò và nhiệm vụ”.

Bài 1: "Chính quyền thờ ơ, tôi phải tự mình cứu mình"!

Hơn 13 năm bị chồng bạo hành, trên thân thể chị Nguyễn Thị Sơn (SN 1975, quê Quảng Ngãi) in hằn rất sâu dấu vết của những trận đòn oan nghiệt. Là nạn nhân của sự tàn bạo đến cùng cực, trong tận cùng nỗi đau, chị có lúc đã tuyệt vọng trong đơn độc.

11111111111.jpg

Bị chồng thọc tay vào vùng kín kéo vòng tránh thai 

Tôi còn nhớ rất rõ lần gặp chị Sơn tại Bệnh viện Quận Bình Tân (TPHCM) sau lần chị bị chồng bạo hành dã man. Đó là hình ảnh người phụ nữ với thân hình gầy gò, xanh xao, song đã nhiều lần phải hứng chịu những trận đòn “thập tử nhất sinh” của chồng: Vùng ngực đau tức, “vùng kín” xuất huyết, còn thân thể thì chi chít vết bầm tím.

Khẽ vén mái tóc rối điểm nhiều sợi bạc dù chỉ mới 40 tuổi, chị nhìn tôi, mắt rưng rưng còn nguyên nỗi sợ hãi: “Từ ngày nên nghĩa vợ chồng với hắn, tôi chưa từng có một phút giây được hưởng hạnh phúc trọn vẹn”.

Chị Sơn đã trải qua một lần “đứt gánh”. Đến năm 2000, chị gặp Nguyễn Văn Sinh (người cùng quê) rồi chung sống với nhau như vợ chồng. Hai người cùng làm nghề buôn bán ve chai, thu nhập không cao nhưng tằn tiện cũng đủ sống qua ngày.

Tuy nhiên, hạnh phúc chỉ ngắn ngủi khi Sinh bỗng “trở chứng”, lười lao động và bắt đầu hành hạ, đánh đập vợ tàn nhẫn. Nhắc đến người chồng vô nhân tính, chị Sơn rùng mình: “Tôi không nhớ rõ bị đánh bao nhiêu lần. Mỗi lần hắn đi nhậu say xỉn về là kiếm chuyện lôi tôi ra đánh thẳng vào mặt, vào thái dương, lên gối vào vùng bụng. Tôi la hét thì hắn bóp chặt cổ và ấn tay vào huyệt ở mũi để tôi không thở và nói được”.

Đã thế, Sinh còn khiến vợ sợ hãi, tủi nhục ngay cả trong quan hệ tình dục. Khi chị đang mang thai đứa con gái thứ 2, bụng đã to vượt mặt, Sinh đi nhậu về đòi hỏi vợ phải “chiều”, lúc đó đã quá 2 giờ sáng. Khi chị từ chối thì Sinh hung hổ lao tới lột hết quần áo của vợ để thỏa mãn dục vọng. Chị Sơn không một mảnh vải che thân sợ hãi, co ro nơi góc cửa. Sinh vẫn không chịu buông tha, túm tóc lôi xềnh xệnh chị vào giường bắt “quan hệ” tiếp.

Chị nghẹn ngào: “Kinh tế khó khăn nên tôi chỉ đẻ 2 đứa con gái. Biết chuyện tôi đặt vòng kế hoạch nên hắn đã thọc mạnh cả bàn tay vào “vùng kín” của tôi để lôi “dụng cụ” ra và bắt phải đẻ thêm, sao cho “lòi” ra thằng con trai mới chịu”.

Đã rất nhiều lần, Sinh xông vào đánh vợ trước mặt mọi người. Hễ ai mở lời can ngăn là Sinh càng xuống tay tàn độc hơn. Có lần, sau khi đánh chị Sơn đến bất tỉnh, Sinh buộc dây vào tay vợ, rồi kéo lê khiến quần áo của chị rách tơi. Người em trai của chị Sơn chạy ra can ngăn thì bị Sinh chửi bới và cầm dao đuổi chém.

Chưa hết, bé Thảo Lý (con gái út) khi đó được hơn 2 tuổi, Sinh đã lôi xồng xộc con bé khỏi tay mẹ để đưa nó xin ăn. Sau nhiều ngày vất vưởng ngoài đường, thân thể con bé tiều tụy, tinh thần vô cùng hoảng loạn. Chị Sơn nước mắt ngắn dài: “Có chết tôi cũng không hình dung được bản chất thú tính của chồng mình. Hắn đưa con gái đi ăn xin. Kiếm được tiền, hắn quan hệ với gái mại dâm trong một gian phòng trọ chật hẹp, tối tăm dưới sự chứng kiến của con bé”.

Còn bé Thảo Quỳnh, từ nhỏ đã phải chứng kiến cảnh mẹ bị đánh đòn, nên hễ thấy cha về là sợ hãi nép về phía tường hoặc chạy lại với mẹ rồi thét lên: “Mẹ ơi, ba về. Mẹ con mình trốn đi”. 

aa3.jpg
Chính quyền vô cảm, chị Sơn phải tự cứu mình

Quyết tâm thoát khỏi cảnh đòn roi, chị Sơn đã rất nhiều lần bế 2 con đi trốn nhưng đều bị Sinh tìm thấy rồi bắt về nhà, tiếp tục cuộc sống ở “địa ngục”. Chị nấc nghẹn: “Nhiều lúc tôi muốn buông xuôi, muốn tìm đến cái chết để tự giải thoát. Thậm chí, thủ sẵn cây kéo trên tay để cùng chết với người chồng vô nhân tính. Nhưng nghĩ đến cảnh 2 con thơ côi cút, tôi lại không đành lòng”.

Có lẽ, sự bất lực của chị xuất phát từ chính nhận thức bản thân và cả từ sự thiếu trách nhiệm, vô cảm của chính quyền địa phương. Chị bộc bạch: “Tôi báo công an, bảo vệ khu phố, đoàn thể địa phương rất nhiều lần, song chỉ nhận được là sự thờ ơ, vô cảm. Đa phần đều hòa giải, khuyên nhịn chồng. Anh ta hứa sẽ sửa chữa nhưng rồi đâu lại vào đó. Thậm chí, người ta vừa về thì hắn lại tiếp tục... đánh vợ con”.

Bà Ngọc Lan (ngụ khu phố 6, phường Bình Hưng Hòa B) kể: Từ khi chị Sơn đến đây ở trọ, ngày nào bà cũng chứng kiến cảnh chị bị bạo hành, hễ không bị đánh thì cũng bị chửi, nhục mạ. Bản thân bà cũng đã can ngăn nhiều lần, giúp đỡ, song bị gã “Chí Phèo” này thách thức rằng sẽ quậy phá nếu ai dám xen vào “việc nhà” của mình.

Bà Nguyễn Thị Tho, Chi hội phó Chi hội phụ nữ khu phố 6, cho biết, bản thân bà cũng trực tiếp can thiệp nhiều lần, báo cho bảo vệ khu phố, công an đã lập hồ sơ 1 lần, nhưng cuối cùng thì chị Sơn vẫn bị đánh đập. “Chúng tôi chỉ biết can thiệp, thuyết phục để người phụ nữ không bị bạo hành chứ không có quyền bắt người”, bà Tho bộc bạch.

Trong tuyệt vọng, tháng 3/2013, chị Sơn đã khẩn thiết gửi đơn nhờ cơ quan báo chí “cứu giúp” cuộc đời chị cùng các con thoát khỏi người chồng, người cha tàn bạo. Biết chuyện, Sinh đã lao vào đánh vợ thậm tệ, khiến chị phải nhập viện với nhiều vết thương bầm dập. Sinh còn lớn tiếng hăm dọa vợ: “Tao không ở với mày thì tao sẽ hành hạ mày cho đến chết dần, chết mòn mới thôi”.

Khi sự việc đã quá nghiêm trọng, cơ quan báo chí đưa tin, vào cuộc thì nhiều người mới đặt câu hỏi: “Chính quyền ở đâu, luật pháp ở đâu khi những người phụ nữ đáng thương này phải chịu đựng sự bạo hành dã man như thế? Nó diễn ra từng giờ, hằng ngày và trước mắt tất cả mọi người”.

Gặp tôi tại bệnh viện, đôi bàn tay gầy guộc của chị Sơn cứ mãi run rẩy: “Tôi sợ hắn tới trả thù. Khi trước, tôi đã nhiều lần gọi điện cầu cứu nhưng anh Phong (trung úy Võ Tuấn Phong, cảnh sát khu vực khu phố 6 - thời điểm tháng 4/2013, nay đã chuyển công tác - PV) nói tôi chỉ là “dân tạm trú” nên khó giải quyết được và khuyên nên nhịn chồng. Khi tôi bị đánh ngất xỉu, bà con báo thì anh Phong mới gọi tôi và hắn lên trụ sở khu phố, song chỉ để... hòa giải”.

Sau khi dư luận “nổi sóng” vì hành vi bạo hành vợ của Sinh thì các cơ quan chức năng mới “cuống cuồng” tìm cách xử lý. Tất nhiên, ai cũng đều có rất nhiều lý do “chính đáng” để đá “quả bóng trách nhiệm” đi nơi khác.

Đến nay, người chồng vô nhân tính đó đã biệt tăm. Cơ quan chức năng cũng chẳng “mặn mà” truy cứu bởi thương tích hắn gây ra cho vợ trong lần bạo hành này chưa vượt quá 11% đủ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chúng tôi tìm đủ mọi cách liên hệ với chị Sơn sau 3 năm gặp gỡ, chị vẫn còn sợ hãi. Sợ vì nếu như Sinh vô tình biết được thông tin về 3 mẹ con chị lúc này thì sao? Chị chỉ thông báo rằng, lúc này, 3 mẹ con chị đã và đang có được cuộc sống bình yên khi đã thoát khỏi người chồng vô nhân tính.

Mỗi ngày, tin tức về những vụ bạo hành phụ nữ vẫn dồn dập trên khắp các mặt báo. Song, chẳng phải ai cũng có được “cái kết đẹp” như chị Sơn. Lặng im chịu đựng sự bạo hành hay lên tiếng - thứ nào để đòi được sự công bằng vẫn là câu hỏi lớn chưa lời giải đáp của rất nhiều phụ nữ và cả các cơ quan chức năng.

Bài 2: Vợ chồng đánh nhau, công an huyện bảo đó là chuyện thường!

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn