PV: Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ, những năm gần đây, bạo lực giới đã xuất hiện nhiều hình thức biểu hiện mới. Bà có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
Bà Nguyễn Vân Anh: Với mỗi giai đoạn phát triển, bạo lực giới lại có những hình thức biểu hiện mới. Ở giai đoạn hiện nay, người ta nhắc nhiều đến bạo lực giới trên không gian mạng. Tôi đánh giá đây là một hình thức biểu hiện mới và phức tạp.
Thậm chí, nhiều nước đã có những chương trình để phòng, chống các hình thức bạo lực giới trên không gian mạng. Đối tượng của bạo lực giới trên mạng tập trung nhiều vào phụ nữ và trẻ em.
Đối với trẻ em, khi làm việc với một số trường học ở khu vực miền núi phía Bắc, chúng tôi rất bất ngờ khi điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn nhưng số lượng trẻ em bị lừa đảo để phát sinh bạo lực giới trên mạng lại rất nhiều.
Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, dù ở những vùng khó khăn nhưng các em lại sớm được tiếp cận với điện thoại thông minh và internet. Thông qua đó, các em cũng dễ dàng tiếp cận được những thông tin lừa đảo trên mạng và trở thành nạn nhân của bạo lực giới.
Tôi ví dụ, kẻ xấu khi tiếp cận sẽ đặt vấn đề cho các em một ít tiền để đổi lấy việc các em chỉ cần hở một chút cơ thể. Thế rồi mỗi ngày, số tiền chúng đưa ra càng tăng lên, đồng nghĩa với việc các nạn nhân sẽ càng lún sâu vào chuyện này.
Khi đã có được toàn bộ hình ảnh cơ thể các em rồi thì cũng là lúc chúng quay ngược lại để đe dọa, ép các em phải làm theo ý chúng.
Ngay tại các thành phố lớn, nhiều phụ nữ lớn tuổi, nhẹ dạ cũng dễ trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo hẹn hò qua mạng nhằm mục đích tống tiền. Đó là những biểu hiện của bạo lực giới trên không gian mạng ở mức nhẹ. Nặng hơn, đối tượng xấu còn gửi hình ảnh gợi cảm, khống chế nạn nhân làm nhiều việc khác.
PV: Theo bà, với những hình thức biểu hiện mới đó, chúng ta phải làm gì để đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới?
Bà Nguyễn Vân Anh: Mỗi cá nhân phải tự tìm hiểu qua các phương tiện thông tin truyền thông để không bị rơi vào các bẫy này. Nhưng điều quan trọng khác là hệ thống truyền thông phải chỉ ra được các hình thức biểu hiện của bạo lực giới để có thể tuyên truyền đến người dân.
Đặc biệt, tôi lưu ý đến học sinh, sinh viên, đây là những người trẻ tuổi, tâm thế chưa vững vàng nên họ hoàn toàn có thể trở thành "con mồi" của các đối tượng buôn người, xâm hại tình dục qua mạng.
Ở nước ta, dù có nhiều địa chỉ để người dân báo tin khi phát hiện hoạt động xâm hại này nhưng tôi thấy các địa chỉ này vẫn chưa hoạt động hiệu quả. Theo tôi, cần phải đưa ra một địa chỉ chuyên biệt về lĩnh vực công nghệ và phải trực 24/24h để tiếp nhận những thông tin bạo lực giới qua mạng.
PV: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực giới là định kiến giới. Điều đó đồng nghĩa với việc bạo lực giới không phụ thuộc nhiều vào trình độ, giàu nghèo... Bà đánh giá như nào về nhận định này?
Bà Nguyễn Vân Anh: Kinh tế chỉ là một trong những yếu tố liên quan đến bạo lực giới. Tôi ví dụ như tại Bhutan, dù kinh tế của họ không phải là phát triển, GDP cũng không cao nhưng năm nào họ cũng được xếp vào tốp những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới và là đất nước ít có bạo lực giới.
Ở nước ta, không hiếm những trường hợp gia đình rất nghèo, kinh tế khó khăn nhưng người ta vẫn sống hạnh phúc. Ngược lại, nhiều gia đình có kinh tế vững, khá giả nhưng lại thường xuyên xảy ra tình trạng bạo lực giới.
Đối với một quốc gia, điều quan trọng nhất là vấn đề bình đẳng giới ở quốc gia đó có tốt hay không? Ngoài ra, còn phải kể đến hệ thống trợ giúp các nạn nhân bị bạo lực giới. Với một quốc gia mà hệ thống trợ giúp nạn nhân luôn sẵn sàng thì tình trạng bạo lực giới trầm trọng sẽ giảm đi.
Tôi có thể lấy ví dụ như ở Đan Mạch, một đất nước có ít dân nhưng nơi đây lại có nhiều nhà tạm lánh. Số lượng nhà tạm lánh nhiều không đồng nghĩa với vấn đề bạo lực giới ở Đan Mạch phức tạp mà điều đó thể hiện rằng, các nạn nhân nếu bị bạo lực ở đâu cũng sẽ có chỗ để tạm lánh.
Còn đối với gia đình, đó là sự cân bằng quyền lực. Nếu như quyền lực chỉ nằm trong tay một người, người đó quyết định mọi việc trong nhà, đồng thời ngăn cản người khác có quyền đưa ra ý kiến thì gia đình đó rất dễ xảy ra bạo lực giới.
PV: Theo bà, Việt Nam nên làm gì để có những thành tựu lớn hơn nữa về xóa bỏ bạo lực giới?
Bà Nguyễn Vân Anh: Tình trạng bạo lực giới ở Việt Nam thời điểm vài năm trở lại đây có nhiều chuyển biến tích cực. Nếu như trước đây, các nạn nhân của bạo lực giới đa số đều chọn giải pháp im lặng thì giờ đây, họ đã dám đứng lên, chia sẻ câu chuyện của mình.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật cũng có thay đổi với sự ra đời của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Mặt khác, các cơ quan, đoàn thể như Hội LHPN, Công an… cũng đã vào cuộc quyết liệt trong việc chung tay đẩy lùi tình trạng bạo lực giới.
Tại Việt Nam, số lượng địa chỉ tin cậy rất nhiều. Đó có thể là nơi làm việc của công an xã, Chủ tịch Hội LHPN, trưởng thôn… Thế nhưng, nhiều người trong số đó không được đào tạo một cách chuyên nghiệp về quy trình trợ giúp, giúp đỡ nạn nhân của bạo lực giới.
Chúng ta cũng phải xem xét và thay đổi từ yếu tố con người đến cơ sở vật chất tại các địa chỉ tin cậy để đảm bảo những điều kiện an toàn hỗ trợ nạn nhân ở lại. Ngoài ra, theo tôi, ngoài phụ nữ, việc nâng cao nhận thức cho nam giới cũng là một giải pháp để giảm bạo lực giới.
Ví dụ, trường hợp tất cả phụ nữ đều được hướng dẫn, đều biết bạo lực giới là không đúng nhưng nam giới lại không biết điều này. Trong khi đó, đây là đối tượng thường gây ra hành vi bạo lực giới.
Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi nhằm tránh gây bạo lực cho người khác đối với nam giới là rất quan trọng.
PV: Xin cảm ơn bà!
Theo báo cáo Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, Việt Nam có 3.122 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.240 vụ (năm 2002 là hơn 4.454 vụ). Trong đó, bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần (1.404 vụ), bạo lực kinh tế (230 vụ) và bạo lực tình dục (110 vụ). Có 3.193 nạn nhân của bạo lực gia đình, trong đó có 2.628 nữ và 565 nam.
Cũng theo báo cáo, tổng số người gây bạo lực gia đình năm 2023 là 3.208 người, trong đó nam giới là 2.677 người, còn nữ giới là 531 người. Số người gây bạo lực gia đình chịu các hình thức xử lý là hơn 2.900 người. Trong đó, có 129 người bị xử lý hình sự.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn