Một nách… vài ba cháu
Với hơn 700 lao động địa phương đi làm ăn nơi xa, Đức Bác (Sông Lô, Vĩnh Phúc) đã trở thành một trong những xã có số lao động xa quê đông nhất trên địa bàn huyện Sông Lô. Giờ đây, không đợi đến mùa nông nhàn, người lao động mới lên phố tìm việc, mà có người ra đi biền biệt từ độ giêng, hai, cho đến giáp Tết mới về nhà, hoặc có nhiều vợ chồng gửi lại con cho ông bà, vào Nam làm kinh tế, vài ba năm mới về thăm quê.
Mới khoảng 3 giờ chiều, nhưng dọc hai bên con đường dẫn về thôn Thọ Cương, xã Đức Bác, gần như các cửa nhà đều đóng kín, thôn xóm vắng lặng. Qua khỏi đoạn đường đầy bụi đất, chúng tôi gặp một tốp 7-8 người đàn ông luống tuổi, đang khuân vác gạch, đá, cây cối về xếp trên bãi đất trống. Đây là tốp thợ đang chuẩn bị khởi công xây dựng nhà văn hóa thôn Thọ Cương. Trên gương mặt của một người đàn ông trạc tuổi 60 đang lã chã mồ hôi, lưng hơi khòng xuống vì sức nặng của cây gỗ to bè trên vai, vừa đi, ông vừa nói với lại: “Các cô muốn hỏi thăm chuyện gì thì cứ hỏi. Chúng tôi còn phải làm cho xong cái lán này, để mai các anh em thợ xây có chỗ ăn ở, thi công. Khổ, thanh niên trai tráng làng này bận đi làm ăn hết rồi. Chỉ còn các ông bà già chúng tôi đảm đương việc nặng việc nhẹ ở thôn làng”.
Đang lúc ông trưởng thôn Trần Đình Lăng nghỉ tay, uống chén trà, chúng tôi lại gần hỏi chuyện. Qua lời kể của ông, được biết, thôn Thọ Cương hiện có 121 hộ với 520 nhân khẩu. Đã mấy chục năm nay, hầu như toàn bộ lao động trong thôn đều theo nghề buôn bán gốm sứ Bát Tràng và cây cảnh, gần thì ở Hà Nội, xa thì vào tận miền Nam. Trong làng, bây giờ chỉ còn người già ở nhà trông nom cháu nhỏ, chăm lo việc đồng áng, vườn tược… Đang dở câu chuyện thì ông bảo đã đến giờ tan học nên phải đi đón các cháu.
Ở tuổi 81, cụ Thưởng hết chăm cháu rồi lại chăm chắt để các con yên tâm đi làm ăn xa.
Lần theo con đường bụi đất mọi người giới thiệu, chúng tôi vào sâu trong thôn. Hai bên đường, nhiều ngôi nhà được xây dựng khang trang theo lối kiến trúc nhà vườn với cảnh yên bình chốn làng quê, song, không một tiếng trẻ con cười đùa, tiếng người lớn râm ran nói chuyện như những làng quê khác. Chúng tôi dừng xe trước cổng ngôi nhà đang có tiếng khóc của trẻ nhỏ. Một ông cụ đang tắm cho đứa cháu trai, cháu không chịu mặc bộ quần áo ông lấy sẵn, mà cứ nằng nặc khóc đòi mặc áo siêu nhân. Vừa rót chén trà nóng mời khách, cụ ông Trần Xuân Thưởng (81 tuổi) vừa phân trần: “Đến mệt với lũ nhóc này các cô ạ. Ngày nào cũng đòi mặc áo siêu nhân, nhưng lấy đâu ra áo siêu nhân. Bố mẹ chúng nó đi bán hàng Bát Tràng cả rồi, nó còn bé nên bố mẹ gửi lại cho hai cụ trông, mà cụ bà nhà tôi năm nay tuổi cũng đã ngoài 80, nay ốm, mai đau, đi ra khỏi nhà còn khó, nói gì đến chuyện chợ búa để mua quần áo siêu nhân cho cháu. Tôi cứ dỗ nó, ở nhà với cụ ngoan, rồi tết bố mẹ về mua cho nhiều quần áo siêu nhân”.
Các con đi biền biệt, để lại trên vai người già việc chăm bẵm con cái, chuyện nhà cửa, vườn tược và bao chuyện "làng trên, xóm dưới" khác. Ở cái tuổi, lẽ ra được hưởng cuộc sống an nhàn, con cháu hiếu thảo, phụng dưỡng, thì nay, những người già trong làng đang phải gánh vác việc của lao động trẻ. Người thì một nách trông nom vài, ba đứa cháu nội, ngoại, thậm chí khi lên chức cụ rồi, vẫn tiếp tục đảm đương vai bảo mẫu của các chắt; người thì đảm đương chuyện chợ búa, giặt giũ, nấu bếp, đón đưa cháu đến trường, kèm cặp cháu học bài...
Nỗi đau ở lại
Bà Lưu Thị Lý tiếp chúng tôi với câu chuyện về hai ngôi nhà khang trang được xây dựng trị giá hơn 700 triệu đồng, đã hoàn thiện, nhưng vẫn chưa có người ở. Bà bảo, đó là số tiền tiết kiệm của ba cặp vợ chồng con trai, con dâu bà đi buôn hàng Bát Tràng nhiều năm nay, gửi về để bố mẹ lo việc xây dựng nhà cửa, Tết các con về đông đủ còn có chỗ sinh hoạt cho thoải mái. Trung bình mỗi năm, các cặp vợ chồng đi buôn hàng gốm sứ Bát Tràng cũng kiếm được từ 100 đến 150 triệu đồng, một mức thu nhập quá lớn so với nguồn thu từ chăn nuôi, hay làm vụ mùa theo phương thức nhỏ lẻ tại địa phương.
Có những gia đình đi làm gần chục năm, đã có tiền xây nhà cao, cửa rộng, lo cho con cái học hành. “Buôn gốm sứ Bát Tràng đã góp phần đáng kể vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở thôn Thọ Cương đấy. Từ 30 hộ nghèo những năm trước, giờ giảm chỉ còn 9 hộ. Phấn khởi lắm, nhưng…” - câu chuyện ngưng lại sau tiếng thở dài của bà Lý - “Đồng tiền kiếm được cũng khó lắm. Suốt năm phải xa bố mẹ, con cái. Thức khuya, dậy sớm, điều kiện sinh hoạt tạm bợ, không có thời gian, không có kiến thức để chăm lo cho sức khỏe bản thân, cho nên cũng đã có rất nhiều câu chuyện buồn ở những gia đình có con đi làm ăn xa”.
Đó cũng là câu chuyện buồn của chính gia đình bà. Sau ngày cưới, con dâu thứ của bà cũng theo chồng và các anh chị ngược xuôi bán hàng. Trong một lần bị cảm cúm nặng, nghĩ là bệnh thường gặp nên chỉ mua thuốc cảm cúm về uống mà không thăm khám. Bệnh kéo dài nhiều ngày không dứt, người con dâu vẫn tiếp tục điều trị bằng thuốc tự mua và cô hoàn toàn không biết rằng mình đang mang thai. Đến nay, đứa cháu gái đó đã được gần 3 tuổi, kháu khỉnh, bụ bẫm, nhưng chỉ đặt đâu ngồi đấy. Bác sỹ kết luận cháu bị bại não, do thời gian đầu của thai kỳ, người mẹ đã uống quá nhiều thuốc chống chỉ định đối với thai phụ, gây tác hại trực tiếp cho sự hình thành và phát triển não bộ của bé. Nhìn tấm ảnh của đứa cháu gái, mắt bà Lý bỗng nhòe đi, bà cúi mặt, kéo vạt áo chấm vội những giọt nước mắt đang lăn trên gò má.
Với hơn 80% lao động đi làm xa, hàng năm trời mới về nhà, Khoái Thượng là một trong ba thôn có số lao động đi làm ăn xa đông nhất của xã. Con ngõ dẫn vào nhà trưởng thôn đã nhỏ, lại càng chật hẹp hơn khi vào giờ các ông bà đi đón cháu tan học về. Ai đi xe đạp thì đèo hai cháu, ai đón bằng xe máy thì kèm ba, kẹp bốn cháu ở phía sau... Mở đầu câu chuyện về những lao động đi làm ăn xa quê, anh trưởng thôn Đỗ Văn Nguyện không ngần ngại nhắc lại cuộc chia ly của đôi vợ chồng trẻ Đỗ Văn Tĩnh và Lưu Thị Huệ.
Sau thời gian ngược xuôi tận miền Nam, kết thân rộng rãi với bạn bè để thuận tiện việc làm ăn, buôn bán, một trong hai người đã không giữ trọn nghĩa vợ, tình chồng. Năm 2014, họ dắt nhau về quê, bố mẹ già mừng vui, cứ ngỡ con về sum họp cùng gia đình, ngờ đâu, họ vội về để đưa nhau ra tòa làm thủ tục ly hôn. Hai người con trai, một theo mẹ, một theo bố. Người con trai theo anh Tĩnh bị mắc bệnh thần kinh, nên anh gửi con lại cho ông bà nội chăm nom, anh cưới vợ mới và tiếp tục công việc làm ăn. Giờ đây, trên vai ông bà nội không chỉ thêm một gánh nặng, mà thêm cả những nỗi đau.
Bên cạnh chuyện hạnh phúc gia đình tan vỡ, tệ nạn xã hội mon men vào làng, còn cảnh báo nguy cơ trẻ em gái bị xâm hại tình dục, con cái thiếu vắng tình cảm bố mẹ... cũng là nguyên nhân dễ dẫn đến những tổn thương về mặt tinh thần cũng như tâm, sinh lý ở các em nhỏ.
Rời thôn Khoái Thượng khi trời đã sâm sẩm tối, hình ảnh buồn về những ngôi làng của người già vẫn như những thước phim chạy dài trong tâm trí tôi...