Ngay từ rất sớm hôm nay (19/5), hàng trăm người từ khắp mọi miền đã có mặt tại điểm chờ trên phố Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) để đợi vào viếng Lăng Bác nhân kỷ niệm 130 Ngày sinh của Người (19/5/1890 - 19/5/2020).
Khoảng 6 giờ sáng, sau khi Lễ Thượng cờ hoàn tất ở khu vực Quảng trường Ba Đình nhiều người đã di chuyển dần về phía điểm chờ vào viếng Lăng Bác dành cho người dân trên phố Ngọc Hà. Đứng chờ tại đây, có rất nhiều tầng lớp nhân dân, người làm nông nghiệp, người là quân nhân, người là cán bộ, viên chức… đã về hưu hoặc đang còn làm việc.
Ngoài ra trong ngày đầu tuần này, cũng xuất hiện nhiều em nhỏ, các em học sinh và các bạn sinh viên.
Thời tiết hôm nay tuy có nóng bức khiến nhiều người khó chịu nhưng ai cũng kiên nhẫn chờ, xếp hàng với mong muốn được gặp Bác.
Tuy nhiên cũng có những lúc một vài người nóng vội khiến khu chờ trở nên lộn xộn, “Đồng bào bình tĩnh, hãy quay lại nhìn phía sau của mình. Không còn nhiều người nữa đâu, chúng ta sắp được đi rồi”, nhân viên Khu di tích nhắc nhở.
Người dân và khách đến thăm viếng được yêu cầu phải đeo khẩu trang và phải kiểm tra thân nhiệt rồi mới được vào.
Những cựu quân nhân của Binh đoàn Trường Sơn giai đoạn 1960-1978, đoàn có 30 người (trong đó có 20 nữ, 10 nam) đi từ Hưng Yên đến viếng Lăng Bác nhân kỷ niệm ngày sinh của Người và kỷ niệm 61 năm ngày truyền thống của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2020).
Đoàn đến đây với tinh thần phấn chấn, vui vẻ, háo hức vì sắp được nhìn thấy Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
"Có Bác lãnh đạo thì cuộc kháng chiến chống Mỹ mới thắng lợi, mới có được đất nước Việt Nam của ngày hôm nay", cựu quân nhân Đặng Thị Huệ (61 tuổi, xã Phương Chiểu, TP Hưng Yên).
Ông Nguyễn Đình Khang (78 tuổi, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội và vợ là bà Nguyễn Thị Tý (75 tuổi) tự bắt xe bus đến viếng Lăng Bác. Đây là lần thứ 6 ông Khang đưa bà Tý đến viếng Lăng Bác.
Ông Khang đi bộ đội từ năm 1968 và tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào, biên giới phía Bắc, hiện ông là thương binh hạng 1/4. "Theo lời kêu gọi của Bác, thời trai trẻ tôi đã xin nhập ngũ lên đường bảo vệ quê hương đất nước. Trong suốt cuộc đời, tôi luôn thấy Bác là một nhân cách sáng ngời, không một ai trên thế giới này có thể so sánh được", ông Khang xúc động nói.
"Dưới sự lãnh đạo của Bác, hòa bình đã trở lại trên non nước Việt Nam, cùng với đó đất nước qua mỗi ngày đều trở nên tươi đẹp hơn - như việc nước ta từ đầu dịch Covid-19 cho tới nay vẫn chưa xuất hiện trường hợp tử vong nào", bà Tý xúc động nói.
Chị Đào Thị Thủy (57 tuổi, trú tại huyện Lý Nhân, Hà Nam) mang hoa huệ - loài hoa mà khi còn sống Bác thích nhất - đến để thắp hương viếng Bác, ngạc nhiên khi nhân viên Khu di tích nhắc nhở không được mang vào.
Chị Thủy đi cùng chồng - anh Nguyễn Văn Huấn và con - cháu Nguyễn Gia Bảo (7 tuổi).
"Vì có Bác Hồ nên tôi mới được học để trở thành bác sỹ", bà Nguyễn Thị Thư, bác sĩ Xí nghiệp In I (75 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) nghẹn ngào nói.
Thời nhỏ bà Thư và gia đình sống dưới 2 ách áp bức, bóc lột của phong kiến, thực dân - khiến cho đời sống của cả nhà cơm còn không đủ ăn, nói gi đến việc học, nhưng nhờ có Bác Hồ đem ánh sáng cách mạng đến - nên bà đã được đi học không phải mất tiền, nhờ đó bà mới có thể học lên để trở thành bác sĩ. "Bác là người có đức, có tài, thông minh nhưng gia đình lại không trọn vẹn - bố mất một nơi, mẹ mất một nơi, anh chị mất một nơi. Dẫy vậy, cả đời Bác vẫn luôn sống vì dân, thương dân, nhất là đối với những người nghèo", bà Thư nói.
"Hồi năm 16 tuổi tôi chỉ có một cái quần để mặc nhưng giờ tôi đã đủ quần áo mặc, có cơm no. Vậy nên, tôi mang ơn Bác lắm, nhờ có Bác tôi mới có cuộc sống ấm no", bà Nguyễn Thị Hĩn (86 tuổi, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) nói trong nước mắt nghẹn ngào.
Dòng người vẫn kéo dài giữa nắng Ba Đình. Tháng 5 lịch sử, trong lòng mỗi người dân Việt Nam đều có những câu chuyện của riêng mình với Bác: “Bác ơi, lòng dân yêu Bác, thương Bác nhưng sao mãi Bác vẫn chưa tỉnh, Bác ơi! Nhờ ơn Bác, đời chúng con đã tươi sáng hơn”.