Lịch sử 112 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2022)
Kể từ khi Hội nghị Quốc tế Phụ nữ Xã hội Chủ nghĩa năm 1910 họp tại Copenhagen (Đan Mạch) thông qua quyết nghị chọn 8/3 hàng năm làm Ngày Quốc tế Phụ nữ, phụ nữ trên khắp năm châu đã luôn đoàn kết đấu tranh đòi quyền bình đẳng.
Ngày 26 và 27 tháng 8 năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế XHCN tại Copenhagen, Ðan Mạch, đã quyết định lấy ngày 8/3 làm Ngày Quốc tế phụ nữ với mục đích đấu tranh đòi các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, với các khẩu hiệu: Ngày làm việc 8 giờ - Việc làm ngang nhau - Bảo vệ người mẹ và trẻ em.
Ngày 8/3/1911, hơn 1 triệu phụ nữ tại Mỹ, Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ tham gia tổ chức Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 đầu tiên.
Năm 1912, 14.000 công nhân hãng dệt tại Mỹ đình công và hô vang khẩu hiệu "Better to starve fighting than starve working" (Chết đói vì chiến đấu hơn là chết đói vì làm việc). Nữ công nhân đã nghỉ việc 3 tháng. Sự can đảm của họ đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhà thơ Mỹ James Oppenheim viết bài thơ "Bread and Roses". Bài thơ này sau đã được phổ nhạc và thường được hát trong Ngày quốc tế phụ nữ.
Năm 1914, các đại diện của phụ nữ Đức đã nêu ra yêu sách với Nghị viện Phổ đòi quyền đi bầu cử cho nữ giới. Từ đó, ngày 8/3 thường niên trở thành ngày tranh đấu cho nữ quyền trên toàn thế giới.
Năm 1917, các phụ nữ Nga đã ra đường biểu tình đình công, đòi bánh mì và đòi trả chồng con họ trở về từ chiến trận. Cuộc đình công này đã khiến Nga hoàng Nikolai II phải thoái vị và góp phần rất lớn vào thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Mười ở Nga.
Các cuộc mít tinh diễu hành tiếp tục diễn ra vào ngày 8/3 hàng năm. Cuối năm 1945, Hội nghị quốc tế phụ nữ đã quyết định thành lập Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ thế giới. Đây là một tổ chức rộng rãi bao gồm phụ nữ các ngành nghề, không phân biệt chủng tộc, dân tộc, tôn giáo, chính kiến, đấu tranh bảo vệ các quyền bình đẳng, chống áp bức bóc lột. Liên đoàn đã đưa ra các yêu sách đòi nam nữ cần được trả lương ngang nhau, đòi ban hành các chính sách Bảo hiểm cho lao động phụ nữ, những biện pháp bảo vệ bà mẹ và trẻ em.
Năm 1953, Đại hội quốc tế phụ nữ đã thông qua bản "Tuyên ngôn về quyền phụ nữ", nêu lên các yêu sách cơ bản và đồng thời là cương lĩnh đấu tranh của phụ nữ thế giới. Số thành viên tham gia Liên đoàn ngày càng đông, đặc biệt phụ nữ các nước mới giành được độc lập ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh đã đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phong trào. Năm 1975 được coi là "Năm quốc tế phụ nữ" nhằm đẩy mạnh cuộc đấu tranh của phụ nữ thế giới.
Năm 1977, Liên Hợp Quốc mới chính thức hóa Ngày Quốc tế phụ nữ. Bất chấp những khác biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa, sắc tộc và ngôn ngữ, Ngày Quốc tế phụ nữ là ngày toàn cầu tôn vinh những thành tựu và sự cống hiến của phụ nữ cho nhân loại. Đây là dịp biểu dương ý chí của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hoà bình và tiến bộ xã hội, vì quyền lợi, hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng. Nội dung Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 không chỉ dừng lại ở quyền bình đẳng mà được mở rộng thêm khái niệm "phát triển", khái niệm "giới". Vấn đề giải phóng phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ đã trở thành một vấn đề toàn cầu.
Hàng năm, các chính phủ, tổ chức quốc tế, các tổ chức của phụ nữ trên thế giới đều chọn các chủ đề khác nhau cho ngày lễ này của phụ nữ toàn cầu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn