Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, trong 3 giờ qua, bão số 1 di chuyển nhanh với tốc độ 20-25km/giờ. Hồi 16 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 111,6 độ Kinh Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 400km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 15.
Vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Biển động dữ dội.
- Khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 13. Biển động dữ dội.
- Từ gần sáng ngày 18/7, vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh, Hải Phòng có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11; khu vực các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Các tỉnh ven biển từ Thanh Hoá đến Quảng Ninh đề phòng nước dâng do bão, nguy cơ ngập lụt vùng ven biển. Nguy cơ ngập úng ở khu vực trũng thấp tại khu vực ven biển, cửa sông, sạt lở bờ biển do tác động kết hợp của triều cường, sóng lớn và nước dâng do bão vào chiều ngày 18/7.
Hết sức lưu ý khả năng giông lốc mạnh ở những khu Tây Bắc
Ông Nguyễn Văn Hưởng Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia cảnh báo, bão số 1 có hoàn lưu rất rộng, dù không tác động trực tiếp nhưng các tỉnh rìa hoàn lưu bão ở vùng Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai cần hết sức lưu ý, đề phòng hiện tượng giông lốc mạnh xảy ra trước khi bão đổ bộ. Người dân không nên chủ quan với hiện tượng này để tránh thiệt hại đáng tiếng xảy ra.
Dự báo, từ đêm 17/7 đến ngày 19/7, ở khu vực Đông Bắc, Việt Bắc có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-300mm, cục bộ có nơi trên 400mm; khu vực Tây Bắc, vùng đồng bằng Bắc Bộ có mưa to với tổng lượng mưa từ 100-200mm, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-120mm. Đề phòng mưa với cường suất lớn gây ngập úng đô thị. Cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái.
Mưa lớn, với hướng di chuyển hơn lệch sang phía Bắc, trọng tâm khu vực mua lớn sẽ tập trung ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng lượng mưa khoảng 200-300mm có nơi lên đến 400mm. Khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ lượng mưa sẽ thấp hơn. Mưa lớn đề phòng ngập úng đô thị. Cảnh báo giông lốc mạnh khu vực Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái.
Cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại các tỉnh vùng núi, trung du phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên và Thanh Hóa. Nguy cơ xảy ra ngập lụt cục bộ tại các khu đô thị đặc biệt ở các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Hà Giang Thái Nguyên.
Từ ngày 18/7 đến ngày 20/7, trên các sông suối thuộc khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 3-5m ở thượng lưu, từ 2-4m ở hạ lưu. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông Thương, Lục Nam có khả năng đạt mức báo động (BĐ)1 - BĐ2; đỉnh lũ khu vực thượng lưu và các sông suối nhỏ thuộc sông Đà, Thao, Lô lên mức BĐ1 và trên BĐ1. Các sông suối nhỏ khu vực các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh có khả năng xuất hiện lũ cục bộ.
Quảng Ninh ráo riết triển khai các phương án chống bão
Trước diễn biễn phức tạp của bão số 1 (Talim), để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền đang hoạt động, tỉnh Quảng Ninh đã tạm dừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi bắt đầu từ 15 giờ, ngày 17/7/2023.
Cũng ngay trong chiều ngày 17/7, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp cùng đoàn công tác thực hiện kiểm tra, chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; chủ động hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển để tránh trú an toàn; thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.
Bên cạnh đó, thực hiện ứng trực, canh gác 24/24h thường xuyên tại các vị trí ngầm, tràn giao thông, kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân đi lại trong thời gian bão đổ bộ, mưa lớn để đảm bảo an toàn.
Rà soát, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao về ngập lụt, sạt lở, tổ chức các phương án di dời người ở tại các lán trại, nhà tạm dưới chân mái kè, vùng trũng, các công trình xây dựng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản trong mọi tình huống; rà soát, kiểm tra đảm bảo an toàn đối với các cơ sở sản xuất, hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, không để xảy ra sự cố thiệt hại về người khi có mưa lớn. Các địa phương Cô Tô, Vân Đồn nắm chắc số lượng du khách trên đảo, dự kiến sẽ du lịch trên đảo trong thời gian bão để chủ động quản lý, thông báo điều chỉnh cho phù hợp, an toàn…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn