Hồi 4 giờ sáng 26/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ngay trên vùng biển ven bờ Bạc Liêu, Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Đến 7 giờ sáng, bầu trời các tỉnh cực nam đất nước dù vẫn âm u nhưng đã hửng nắng sau khi những đám mây dày đặc tản ra, mưa đã ngớt, gió đã lặng. Từ sáng sớm, nhiều người dân ở các huyện Ngọc Hiển, Sông Đốc, Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), Đông Hải (Bạc Liêu) từ nơi sơ tán đã bắt đầu tìm phương tiện để trở về nhà.
Ở tỉnh Kiên Giang, từ hơn 6 giờ sáng, người dân ở một số nơi đã sơ tán đã lên đường trở về nhà. Riêng các khu vực ven biển huyện An Minh, An Biên và hai huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải, người dân tiếp tục ở lại nơi sơ tán chờ theo dõi diễn biến thời tiết. Ở những nơi này trời vẫn tiếp tục mưa, tàu thuyển của ngư dân vẫn đang bị cấm ra khơi.
Nhiều người dân cho biết, mặc dù chỉ ròi khỏi nhà cửa để đi sơ tán trong 1 ngày, nhưng họ có thể cần 2-3 ngày tới để ổn định lại cuộc sống, tổ chức lại hoạt động sản xuất, làm ăn. Lãnh đạo chính quyền một số xã có nhiều người đi sơ tán ở tỉnh Cà Mau cũng cho rằng, có thể 2-3 ngày tới cuộc sống ở địa phương mới thực sự trở lại nhịp điệu bình thường.
Tuy bão đã suy yếu và không còn khả năng tàn phá trực tiếp, nhưng cơ quan chức năng các địa phương cùng ĐBSCL vẫn cảnh báo: Hoàn lưu bão và áp thấp nhiệt đới dự báo sẽ gây mưa to đến rất to kéo dài 2-3 ngày, có thể gây úng ngập ở nhiều nơi. Ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to từ đêm 26/12.
Mặc dù ảnh hưởng của bão là không đáng kể, trong khi việc chuẩn bị đối phó vói bão của các tỉnh vùng ĐBSCL vừa qua là vô cùng khẩn trương, làm đảo lộn cuộc sống của hơn 1 triệu người dân, nhưng mọi người đều cho rằng, đó là điều cần thiết. Bởi cơn bão Tambin là một thảm họa thiên tai có những diễn biến rất khó lường, đã từng gây thiệt hại nặng nề cho Phillippines trước khi vào vùng biển Việt Nam.
Việc tổ chức phòng tránh bão, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai của các tỉnh vùng ĐBSCL như vừa qua mang lại những bài học bổ ích cho cả chính quyền và người dân trong việc chủ động, tích cực ứng phó với thiên tai.
- Tại khu vực TPHCM, chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo trong một vài ngày tới có thể sẽ xuất hiện mưa giông, lốc xoáy do ảnh hưởng “muộn” của bão Tembin cộng với tác động của không khí lạnh tăng cường từ phía Bắc.