Những ngày dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh ở Việt Nam cũng là lúc anh chị em trong HTX làm việc hăng say, hối hả để kịp thời đưa những sản phẩm trà thảo dược tự nhiên, tốt cho sức khỏe đến với người tiêu dùng. Chị Trần Thị Thuần (Giám đốc HTX Tâm Ngọc, thôn Bến, xã Đông Xuân) hào hứng giới thiệu cùng PNVN về mô hình khởi nghiệp của mình.
Bản thân là một người khuyết tật, hơn ai hết, cô gái sinh năm 1983 này thấu hiểu những khó khăn, rào cản mà mình và những bạn đồng cảnh ngộ gặp phải. Nữ Giám đốc HTX cho biết: "Bị hạn chế về sức khỏe và đi lại là một khó khăn lớn cho sự hòa nhập; mặt khác những định kiến về người khuyết tật còn nhiều nên cơ hội cho chúng tôi ít, từ đó sự tin tưởng vào năng lực cũng bị giảm sút. Ngoài ra, lời ăn tiếng nói không tạo được trọng lượng nên gặp phải rất nhiều sự cản trở và không đồng thuận. Hơn nữa, lĩnh vực kinh doanh đòi hỏi sự nhạy bén và kinh nghiệm lại càng khó khăn đối với người khuyết tật".
Bí quyết khởi nghiệp của chị Trần Thị Thuần
- Lựa chọn con người để hợp tác xây dựng cùng khởi nghiệp.
- Chọn phương hướng, lên kế hoạch và ngành nghề thích hợp.
- Chọn mô hình phù hợp với tiềm năng.
- Luôn cải tiến và tìm hiểu nhu cầu thị trường.
- Luôn quan tâm và thấu hiểu chia sẻ cùng các thành viên.
Để chứng minh mình có thể làm được, Thuần và những thành viên trong HTX đã phải bền bỉ thực hiện kế hoạch đã đề ra và tự phấn đấu để thực hiện mục tiêu của mình.
Các thành viên trong Ban quản trị hợp tác xã chiếm 90% là người khuyết tật, không chỉ hạn chế về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm mà còn thiếu vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Thời gian đầu vất vả vì mỗi người lại có một dạng tật khác nhau nên cần phải tính toán, cân nhắc để sắp xếp công việc phù hợp cho từng người.
Có một kỷ niệm mà chị Thuần nhớ mãi. Đó là lần gửi nhầm sản phẩm của khách hàng. Nhân viên đóng gói hàng của HTX do rất thích uống trà đinh lăng nên đã... gửi nhầm hàng cho khách. Sau khi được nghe chia sẻ lý do, dùng thử sản phẩm, vị khách đó đã rất bất ngờ với hương vị trà bèn đặt mua thêm nhiều loại sản phẩm và giới thiệu trà tới những người khác. Đó là niềm vui để các thành viên phấn đấu, sản xuất ra nhiều dòng sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Không nhớ sản phẩm đã qua bao nhiêu lần thử nghiệm
Điều chị Thuần cũng như các thành viên trong HTX tâm đắc nhất, chính là các sản phẩm được trồng theo hướng hữu cơ thuận tự nhiên, áp dụng công nghệ khoa học là sấy lạnh giúp giữ nguyên được giá trị dinh dưỡng, hình dạng, màu sắc, mà vẫn đảm bảo được dược tính của thảo dược mà hầu hết các sản phẩm trên thị trường không có.
Sản phẩm khởi nghiệp của họ là trà thảo dược, được kết hợp từ các loại dược thảo tự nhiên theo phương thức Đông y cổ truyền, mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng. 3 sản phẩm chính là:
- Thanh Xuân Trà có thành phần chính là hoa nhài và các thảo dược, bài thải độc tố cho gan, bổ thận, bổ tỳ, giảm chứng mất ngủ, mụn nhọt, mẩn ngứa... giúp trẻ hóa làn da, lưu giữ thanh xuân.
- Cà Gai Leo Trà: Sản phẩm được lên ý tưởng từ kinh nghiệm của bà con ở địa phương, kết hợp với sự kiểm chứng khoa học về tác dụng của cà gai leo. Cà Gai Leo Trà có công dụng bảo vệ gan, kìm hãm và làm âm tính virus viêm gan B, C, ngăn chặn quá trình xơ gan, đặc biệt tốt cho người uống nhiều rượu bia...
- Đinh Lăng Trà: Được ví như nhân sâm của người Việt, công dụng tăng tuần hoàn máu, tăng thể lực, giảm stress, kích thích các hoạt động não bộ, giải tỏa lo âu, mệt mỏi, chống oxy hóa, tốt cho người mất ngủ...
"Để những gói trà xinh xắn được bán trên thị trường là cả một chặng đường dài. Nếu ai hỏi sản phẩm đã qua bao nhiêu lần thử nghiệm, mình sẽ không trả lời được, vì số lần đổ bỏ nguyên liệu nhiều không thể tính nổi", chị Trần Thị Thuần chia sẻ. Nhưng đó lại là động lực để chị Thuần và các anh chị em trong HTX vượt qua khó khăn, duy trì, phát triển vùng nguyên liệu trồng thảo dược, đa dạng thêm sản phẩm của mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn