Trước hết trong lĩnh vực ngôn ngữ, bằng lời ru, tiếng hát, trong sinh hoạt hàng ngày, người mẹ là người sử dụng tiếng nói của dân tộc với con nhiều nhất. Do đó, ngôn ngữ truyền thống của dân tộc được bảo tồn và trao truyền.
Đến với các gia đình người Giáy ở Tả Van, hay người Dao ở Tả Phìn, người Tày ở Mường Bo,… hầu hết trong các gia đình, người phụ nữ dù ra ngoài làm việc nhưng khi trở về gia đình đều sử dụng được tiếng dân tộc và giao tiếp trong gia đình bằng ngôn ngữ truyền thống.
Phụ nữ dân tộc thiểu số ở Lào Cai đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
Trong văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống, người mẹ cũng là người đầu tiên nuôi dưỡng, chăm sóc cho con bằng miếng ăn, tấm áo do chính mình làm ra. Các cô gái lớn lên cũng được học thêu hoa văn từ chính mẹ của mình. Cứ thế dòng chảy văn hóa được tiếp nối.
Người mẹ cũng là cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng tình yêu với dân ca, dân vũ của dân tộc. Hầu hết phụ nữ đều có khả năng hát, múa một cách rất tự nhiên, thuần thục. Phụ nữ Mông ở Sa Pa có cả một kho tàng những bài hát ru, hay giao duyên, hát khi đi làm nương,… Phụ nữ Tày vùng Bảo Yên, Văn Bàn là những bài hát then. Phụ nữ Giáy ở Tả Van, Mường Hum là điệu múa khăn, những bài dân ca Giáy,…. Các câu lạc bộ, đội văn nghệ ra đời đều trên nền tảng vốn dân ca dân vũ sẵn có của dân tộc.
Đến vùng người Tày ở Na Hối, Tà Chải (Bắc Hà) vào dịp đầu năm mới, khắp thôn bản, đâu đâu cũng có hát đối, có hội xòe. Ca hát, nhảy múa như một lẽ tự nhiên trong đời sống của những người dân nơi đây.
Sinh sống ở vùng miền núi và là lực lượng chủ yếu tham gia vào kinh tế hái lượm từ rất sớm, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai nắm giữ hệ thống tri thức về các loại cây rừng, lá thuốc và hình thành hệ thống ứng xử với rừng, với nguồn nước. Họ chính là những người tham gia tích cực vào việc bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, bảo vệ sự đa dạng sinh học.
Các nghi lễ theo vòng đời người từ sinh đẻ, nuôi con đến cưới xin, làm nhà, tang ma, người phụ nữ đều có vai trò trong các hoạt động đó. Đặc biệt, trong một số dân tộc, vai trò của người phụ nữ được nổi lên là người có uy tín trong cộng đồng như trường hợp vai trò của bà cô trong dòng họ của người Mông. Do đó, từ việc dạy bảo những điều hay lẽ phải cho con, cháu, đến việc chuẩn bị và thực hành các nghi lễ theo vòng đời người, phụ nữ tham gia vào việc tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và loại bỏ những hủ tục lạc hậu.
Phát huy văn hóa trở thành nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới
Để kích hoạt vốn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, tỉnh Lào Cai đã ban hành đề án số 03 về phát triển văn hóa du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai, nghị quyết hỗ trợ các đội văn nghệ phục vụ phát triển du lịch, tổ chức triển khai thực hiện dự án số 6 về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình Mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong giai đoạn 2021 đến nay, có gần 20 câu lạc bộ văn nghệ dân gian được thành lập và khoảng 40 đội văn nghệ được hỗ trợ để bảo tồn vốn dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc, phục dựng, xây dựng một số chương trình tiết mục phục vụ các hoạt động du lịch của địa phương.
Thành viên của các câu lạc bộ chủ yếu là nữ giới. Mỗi buổi diễn văn nghệ phục vụ khách có giá khoảng trên dưới 2 triệu đồng/1 chương trình bao gồm đốt lửa trại và trình diễn văn nghệ dân gian.
Vốn văn hóa truyền thống được phụ nữ người dân tộc thiểu số phát triển thành sản phẩm du lịch độc đáo
Các hợp tác xã nghề thủ công như đan lát, dệt may,… được các cấp hội quan tâm đầu tư, phát triển. Trong đó, điển hình có thể kể đến các hợp tác xã ở Tả Phìn, Nậm Cang (Sa Pa), Nghĩa Đô (Bảo Yên), Bản Phố (Bắc Hà),… Qua các các mô hình này, chị em có điều kiện được tiếp cận các nguồn vốn, được tổ chức, hướng dẫn đào tạo để đưa các sản phẩm truyền thống của dân tộc trở thành sản phẩm có giá trị kinh tế.
Mô hình du lịch cộng đồng được phát triển ở Lào Cai từ những năm 2000 và nhanh chóng trở thành điểm sáng của du lịch cộng đồng cả nước với các điểm du lịch ở Bản Hồ, Thanh Kim, Thanh Phú,… Đến nay, du lịch cộng đồng đã phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, cả về lượng và chất.
Nhiều điểm du lịch cộng đồng mới ra đời và được đông đảo du khác biết đến như: du lịch cộng đồng người Giáy ở Tả Van (Sa Pa), du lịch cộng đồng người Dao ở Tả Phìn (Sa Pa), du lịch cộng đồng người Tày ở Nghĩa Đô (Bảo Yên), du lịch cộng đồng người Hà Nhì ở Y Tý (Bát Xát),…
Đầu năm 2023, 5 đơn vị Homestay liên kết của Nghĩa Đô đã được đạt được giải thưởng "Homestay Asean", 2 đơn vị Homestay ở Tả Van (Sa Pa và Bản Liền (Bắc Hà) được công nhận đạt chuẩn Asean.
Tham gia chủ yếu và các hoạt động du lịch cộng đồng là phụ nữ ở tất cả các khâu: bài trí không gian trong homestay, chuẩn bị dịch vụ trong homestay, nấu ăn, hướng dẫn trải nghiệm văn hóa, biểu diễn văn hóa.
Một số phụ nữ đã trở thành chủ cơ sở Homestay, chủ hợp tác xã và hơn nữa là chủ của một doanh nghiệp. Điển hình như bà San chủ Homestay ở Nà Khương (Nghĩa Đô – Bảo Yên), bà Sói chủ Homestay ở Tả Van (Sa Pa), chị Tẩn Tả Mẩy – chủ hợp tác xã cộng đồng Dao đỏ, nơi phát triển các loại sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ cây thuốc truyền thống của người Dao, chị Lý Mẩy Chạm và hợp tác xã thổ cẩm ở Tả Phìn, Tẩn Thị Su – giám đốc điều hành một doanh nghiệp xã hội về du lịch ở Sa Pa,... và rất nhiều phụ nữ ở khắp các điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh.
Phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc phát huy văn hóa truyền thống để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của địa phương. Đây cũng là quá trình, phụ nữ thể hiện vai trò, tính động năng trong việc tham gia vào xây dựng gia đình, cộng đồng và xã hội. Điều này tạo động lực và nguồn lực quan trọng góp phần vào việc thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn