Bảo tồn văn hóa cồng chiêng xứ Mường Kim Thượng

13:41 | 05/09/2024;
Văn hóa cồng chiêng tại xã Kim Thượng (Tân Sơn, Phú Thọ) đã trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí có lúc tưởng chừng như đã mai một, thất truyền. Thế nhưng cho đến nay, cồng chiêng đã khởi sắc mang biểu tượng đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường ở Kim Thượng. Đó cũng là nhờ một phần đóng góp của các câu lạc bộ (CLB) bảo tồn văn hóa cồng chiêng, trong đó có CLB Văn hóa dân gian xã Kim Thượng.

Cách đây gần chục năm, bà Sa Thị Tâm (70 tuổi) và bà Hà Thị Loan (74 tuổi) đã lặn lội từ Phú Thọ về Hòa Bình tìm gặp nghệ nhân Nguyễn Văn Thực để học chiêng. Về Kim Thượng, 2 bà đã khôi phục và truyền dạy văn hóa cồng chiêng cho bà con xứ Mường ở xã. Từ cách đánh chiêng, cầm chiêng và hòa tấu, 2 bà đều truyền dạy tỉ mỉ. Từ đó, văn hóa cồng chiêng dần đi vào hoạt động có chiều sâu.

Bảo tồn văn hóa cồng chiêng xứ Mường Kim Thượng- Ảnh 1.

Bà Loan và bà Tâm là 2 người đã khôi phục và truyền dạy văn hóa cồng chiêng cho bà con xứ Mường ở xã

Bà Sa Thị Tâm, Chủ tịch Hội người cao tuổi, Chủ nhiệm CLB Văn hóa dân gian xã Kim Thượng cho hay, năm 2019, CLB được thành lập lấy tổ cồng chiêng là nòng cốt. Mặc dù khả năng dẫn chiêng còn rất hạn chế, nhưng đã có nhiều khởi sắc. Ngoài biểu diễn ở xã vào những ngày hội, CLB còn đi lưu diễn nhiều ở xã, ở huyện, ở tỉnh bạn như: Bắc Ninh, Hà Nội; Hưng Yên, Thái Nguyên… Đặc biệt là năm 2023, khi tham gia Liên hoan tiếng hát người cao tuổi tỉnh Phú Thọ đã đạt giải nhất diễn tấu cồng chiêng Mường.

Bảo tồn văn hóa cồng chiêng xứ Mường Kim Thượng- Ảnh 2.

Nghệ nhân Hà Thị Loan năm nay 74 tuổi, bà mong muốn truyền lại cho thế hệ trẻ giai điệu của cồng chiêng

Cồng Chiêng của người Mường Kim Thượng bắt nguồn từ truyền thống lịch sử lâu đời, được kế thừa và trải qua nhiều thế hệ đến nay. Tại Kim Thượng, gia đình dòng tộc họ Sa ở xóm Chiềng 2 còn lưu giữ số lượng chiêng lớn nhất với 27 chiếc, trong đó có 1 chiếc chiêng cổ có niên đại hàng trăm năm và 1 chiếc chiêng hiệu lệnh nặng khoảng 50kg, có đường kính 1,5m, độ âm truyền xa hàng vài km.

Bảo tồn văn hóa cồng chiêng xứ Mường Kim Thượng- Ảnh 3.

Các thành viên CLB

Với người Mường, những chiếc chiêng trước đây chỉ dùng làm tín hiệu, là vật thiêng, là công cụ giao tiếp giữa con người và thần linh, là tài sản quý giá của mỗi gia đình. Sau này, nó đã được người Mường thổi hồn và sáng tạo ra những giai điệu nhạc mang đậm đà nét văn hóa của dân tộc Mường được sử dụng trong văn hóa cộng đồng và trở thành nét đẹp văn hóa độc đáo trong đời sống tinh thần của người Mường.

Theo nghệ nhân Sa Thị Tâm, một bộ chiêng gồm có 12 chiếc biểu thị cho 12 tháng trong năm. 5 chiếc chiêng nhỏ gọi là chiêng cái mang âm thanh khác nhau. Trong đó, có chiêng gọi và chiêng đáp. 7 chiếc chiêng to còn lại gọi là chiêng khầm. Người Mường quan niệm chiêng là vật thiêng, do vậy khi sử dụng chiêng phải rất cẩn thận từ khâu cầm chiêng đến khâu đánh, đặt chiêng. Khi đem chiêng đi xa phải làm lễ thỉnh chiêng để xin phép hồn chiêng.

Chiêng được dùng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Mường như: Lễ cưới, mừng nhà mới, ngày tết, hội xuống đồng, trong đám tang,…Và sau này, chiêng được dùng như một loại nhạc cụ trong hội diễn văn nghệ (diễn tấu cồng chiêng) dòng phụ họa cho các điệu múa dân gian, dân tộc Mường.

Bảo tồn văn hóa cồng chiêng xứ Mường Kim Thượng- Ảnh 4.

Văn hóa cồng chiêng dần đi vào hoạt động có chiều sâu

"Trong những năm gần đây, xã hội có nhiều thay đổi cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin đã ảnh hưởng không nhỏ đến những hoạt động văn hóa truyền thống. Trong đó, có văn hóa âm nhạc cồng chiêng. Số lượng nghệ nhân suy giảm, có thời điểm không còn nghệ nhân. Vì vậy, sự mai một về văn hóa Cồng chiêng đã lớn dần dẫn đến nhiều bài chiêng cổ bị biến tấu. Chính vì lẽ đó, bản thân tôi nghĩ rằng việc cần phải có biện pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng là rất cần thiết", bà Tâm chia sẻ.

Thời gia qua, CLB văn hóa văn nghệ dân gian, tổ nhóm cồng chiêng luôn quan tâm chú ý đến việc truyền dạy nét đẹp văn hóa cồng chiêng cho nhiều hội viên và lớp trẻ cùng biết. Có 2 nghệ nhân trực tiếp truyền dạy chính là bà Hà Thị Loan và bà Sa Thị Tâm. Nội dung truyền dạy tập trung vào cách đánh cái và những giai điệu đơn giản như bài đi đường. Do vậy, số người biết đánh cái tăng lên, đã truyền dạy được cho 20 chị, dạy cho học sinh THCS vào buổi ngoại khóa để các cháu làm quen với chiêng và biết đánh những giai điệu đơn giản.

Nghệ nhân Hà Thị Loan cho biết, CLB được sự quan tâm, tạo điều kiện của phòng Văn hóa huyện Tân Sơn và các cấp ủy, chính quyền địa phương. Số hội viên tham gia ngày càng đông, nhiệt tình rất yêu thích văn hóa dân gian nói chung và văn hóa cồng chiêng nói riêng. Nhận thức của đồng bào dân tộc Mường ngày càng tăng với sự giao thoa của các hình thức âm nhạc hiện đại nhưng nhu cầu gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống ngày càng cao.

Bảo tồn văn hóa cồng chiêng xứ Mường Kim Thượng- Ảnh 5.

Trong thời gian tới, các nghệ nhân mong muốn tiếp tục được các cấp chính quyền quan tâm để CLB có thêm động lực tiếp tục truyền dạy, bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng xứ Mường Kim Thượng

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn nhiều hạn chế do kinh tế của người dân còn khó khăn, đa số làm nông nghiệp, công việc đồng áng nặng nhọc nên tinh thần học tập của bà con nhân dân chưa cao. Cùng với đó là điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chủ yếu do các nghệ nhân và học viên tự đóng góp. 

Trong thời gian tới, các nghệ nhân mong muốn tiếp tục được các cấp chính quyền quan tâm để CLB có thêm động lực tiếp tục truyền dạy, bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng xứ Mường Kim Thượng.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn