Văn hóa luôn là một thành tố thiết yếu trong cuộc sống, Đảng, Nhà nước luôn đề cao việc phát triển và bảo tồn gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, cụ thể nhất là Dự án 6, trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Dự án hướng tới mục tiêu: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.
Từ những chủ trương của Đảng, Nhà nước, các địa phương trong diện thụ hưởng dự án 6 đều triển khai thực hiện một cách nỗ lực, đem lại những hiệu quả tích cực nhất.
Một trong những nhiệm vụ đó là việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể được gắn với phát triển du lịch là hướng đi đúng đắn và hiệu quả, được nhiều địa phương chú trọng và đẩy mạnh. Đặc biệt là các tỉnh vùng Tây Bắc Việt Nam, với đặc thù có nhiều dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc lại có những giá trị văn hóa phi vật thể mang đậm nét đặc trưng của tộc người, đó đó, tạo ra những nét đậm đà bản sắc riêng biệt.
Quá trình bảo tồn đã góp phần tạo nên các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch rất đặc thù, như dân ca, dân vũ, phong tục tập quán của các dân tộc đều được xây dựng thành các sản phẩm du lịch, được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao.
Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Yên Bái, cho biết: "Công cuộc bảo tồn văn hóa phi vật thể ở Yên Bái nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung, được đẩy mạnh và gắn với phát triển du lịch một cách chặt chẽ, ở các làng bản phát triển du lịch cộng đồng, thì đều có các đội văn nghệ, họ tập luyện và biểu diễn các tiết mục văn hóa văn nghệ để biểu diễn phục vụ nhu cầu của du khách. Thì tự nhiên việc bảo tồn được người dân ý thức tầm quan trọng của văn hóa phi vật thể, nên họ trân trọng và gìn giữ nó, bởi khi ấy các giá trị văn hóa không chỉ nhằm thỏa mãn tinh thần mà còn là công cụ để sinh ra lợi nhuận kinh tế. Đây chính là những lợi ích từ văn hóa phi vật thể đem lại cho cộng đồng”.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Viện nghiên cứu văn hóa nghệ thuật quốc gia, cho biết: “Bảo tồn và phát triển văn hóa phi vật thể là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những chương trình mục tiêu quốc gia. Hiện nay các địa phương đang thực hiện khá tốt các chương trình gìn giữ, phục dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, đặc biệt là việc gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch, nó vừa tạo ra sự bền vững, lại tạo ra các sản phẩm dịch vụ du lịch, góp phần tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân rất hữu ích".
Cho đến nay, hầu hết các tỉnh miền núi vùng Tây Bắc đều có xu hướng phát triển du lịch cộng đồng, tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, khám phá văn hóa truyền thống độc đáo các tộc người. Phần lớn lượng khách du lịch đến với Tây Bắc đều đến thăm các làng bản của người dân tộc bản địa, ở đó họ được tận hưởng đời sống cộng đồng rất đặc sắc.
Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc rất đậm đà bản sắc, nên rất thuận lợi cho việc khai thác ứng dụng vào phát triển du lịch, tạo thành những sản phẩm du lịch rất riêng biệt mà không vùng miền nào có được. Cùng với đó là sự quan tâm của ngành văn hóa, của chính quyền địa phương các cấp, nên phong trào gìn giữ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống càng được đẩy mạnh đồng bộ. Nhờ đó, mà phong trào phát triển du lịch cộng đồng ở vùng này phát triển rất mạnh trong những năm qua, đóng góp tạo ra sinh kế cho người dân, đồng thời nó cũng duy trì bảo tồn văn hóa truyền thống một cách bền vững - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường cho hay.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn