Tham dự tọa đàm có đại diện của 25 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố miền Bắc, 20 Liên chi hội, 40 Chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi khẳng định: "Ngay từ ngày đầu thành lập Đảng đến nay, dù trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, nhất là ở những thời điểm khó khăn, mang tính bước ngoặt, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái, thù địch luôn có tầm quan trọng hàng đầu, gắn liền với nhiệm vụ trọng yếu bảo vệ con đường cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước và nhân dân".
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, trong tình hình mới, Việt Nam đang có bước chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đóng vai trò ngày càng nổi bật hơn trong Liên hợp quốc, trong ASEAN, tham gia sâu vào các tổ chức thế giới, các diễn đàn hợp tác đa phương, các hiệp định toàn cầu. "Càng phát triển và hội nhập sâu rộng, chúng ta càng phải đối mặt với các vấn đề phức tạp về tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, về bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; các vấn đề về chính trị quốc tế đan xen, cạnh tranh lợi ích, cạnh tranh địa chính trị khó lường giữa các nước lớn. Trong hoàn cảnh đó, nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của báo chí càng trở nên cấp thiết", ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.
Toạ đàm đã trao đổi nhiều kinh nghiệm, cách làm trong thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đồng thời, đặt ra những khó khăn, thách thức nảy sinh trong thực tiễn đấu tranh như: Yêu cầu đặt ra trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối với báo chí địa phương hiện nay; những đặc thù trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của mỗi địa phương với các yếu tố địa - chính trị khác nhau, các vấn đề dân tộc, tôn giáo, văn hóa vùng miền riêng biệt; vấn đề nâng cao phẩm chất chính trị, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho đội ngũ những người làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đào tạo, rèn luyện lực lượng tham gia đấu tranh phản bác trong tình hình mới…
Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, đồng thời đặt ra một số vấn đề về hoạt động thực tế, yêu cầu đặt ra trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối với báo chí địa phương hiện nay như báo chí cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền sự nghiệp đổi mới, kết quả thực hiện chính sách tôn giáo, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật; các đơn vị báo chí cần coi trọng chuyển đổi số, xây dựng nền tảng tòa soạn báo điện tử đủ mạnh. Bên cạnh đó, mỗi cơ quan báo chí, mỗi tòa soạn báo phải có tổ chức mới, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đủ nhạy để có thể nắm bắt kịp thời mọi âm mưu, thủ đoạn, xây dựng kế hoạch đấu tranh...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn