Bấp bênh đường về của phụ nữ di cư hồi hương

17:47 | 11/10/2020;
Khi cuộc hôn nhân không như mong muốn, những phụ nữ lấy chồng nước ngoài trở về Việt Nam đang thiếu sự hỗ trợ liên quan đến luật pháp để hợp pháp hóa ly hôn và tư cách pháp lý cho những người con sinh ra ở nước ngoài của họ.

Sau khi kết hôn với người chồng Hàn Quốc thông qua một công ty môi giới, chị L. (ở Thủy Nguyên, Hải Phòng) theo chồng sang Hàn Quốc sinh sống. Thế nhưng, những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa cùng với tính gia trưởng của chồng đã khiến cuộc hôn nhân này rơi vào ngõ cụt.

Bấp bênh đường về của phụ nữ di cư hồi hương - Ảnh 1.

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo vận động chính sách hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương do Hội LHPN tỉnh Hậu Giang tổ chức Ảnh: TTXVN

Một thời gian sau, chị L. đã ly hôn chồng và quyết định ra ngoài làm việc. Cuộc sống chồng chất khó khăn khi chị bị tai nạn lao động, mất việc làm nhưng được sự giúp đỡ của Chính phủ 2 nước, chị đã được hỗ trợ hồi hương.

May mắn với chị L., sau khi về nước, chị đã được sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo Hội LHPN các cấp, hỗ trợ, tạo điều kiện để chị được đi học nghề, hòa nhập với cuộc sống mới ở quê hương. "Sau khi được hỗ trợ học nghề, hiện tôi đã có công việc ổn định, có thu nhập để nuôi sống hai mẹ con", chị L. chia sẻ.

Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn như trường hợp của chị L. bởi những năm qua, câu chuyện phụ nữ lấy chồng nước ngoài hồi hương đang khiến không ít cơ quan chức năng đau đầu.

Theo số liệu thống kê, người Việt Nam di cư ra nước ngoài vì nhiều mục đích khác nhau, trong đó ngày càng nhiều phụ nữ di cư vì mục đích kết hôn. Số liệu thống kê của Bộ Công an cho thấy, mỗi năm có khoảng 18.000 phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài.

Năm 2018, phụ nữ chiếm 85% trên tổng số 16.223 cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, chủ yếu kết hôn với người Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc... Trong đó Hàn Quốc là một trong những quốc gia đón nhiều công dân Việt Nam di cư vì mục đích kết hôn nhất, đặc biệt là phụ nữ đến từ các vùng nông thôn.

Trong 5 năm trở lại đây, số phụ nữ Việt kết hôn với công dân Hàn đang có xu hướng tăng lên. Cụ thể lần lượt năm 2015 là 4.651 người, năm 2016 là 5.377, năm 2017 là 5.364, năm 2018 là 6.338 và năm 2019 là 6.712 người. Riêng năm 2019, phụ nữ Việt có số lượng đông đảo nhất trong số các phụ nữ có quốc tịch nước ngoài kết hôn với công dân Hàn Quốc, chiếm 38% trong tổng số 17.687 cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài được thống kê tại nước này.

Trong khi đó, tỷ lệ ly hôn trung bình là 30%, phụ nữ Việt thuộc nhóm quốc tịch có tỷ lệ ly hôn cao thứ hai khi cứ 10 phụ nữ Việt lấy chồng Hàn lại có 3 người ly hôn, gây ảnh hưởng đến hạnh phúc của trung bình 410 trẻ sinh ra từ các cuộc hôn nhân mang yếu tố nước ngoài mỗi năm.

Đối mặt nhiều khó khăn

Khi cuộc hôn nhân không như ý, hoặc có cơ hội về nước, nhóm phụ nữ này lại phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng như: Thiếu cơ hội việc làm, sinh kế khó khăn do gặp phải những định kiến và kỳ thị của xã hội. Đặc biệt, thiếu sự tư vấn về pháp lý, tâm lý để họ có thể giải quyết vấn đề của mình và con cái của họ, có thể đẩy họ trở lại nghèo đói, tổn thương nếu không có sự can thiệp và hỗ trợ kịp thời, hợp lý.

Bấp bênh đường về của phụ nữ di cư hồi hương - Ảnh 3.

Nhiều phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc qua môi giới Ảnh: Quốc Triều

Theo số liệu thống kê được đưa ra tại Hội thảo Vận động chính sách hỗ trợ phụ nữ hồi hương do Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 2/10, có tới 52% phụ nữ nhận thông tin không chính xác về đối tượng kết hôn; 70% phụ nữ hồi hương được giới thiệu với chồng người nước ngoài thông qua môi giới; 86% phụ nữ được khảo sát không tự giữ giấy đăng ký kết hôn của mình; 75% không được tự giữ hộ chiếu; 66% không được cầm tiền để chi tiêu bất cứ khoản nào của gia đình và 20% không có nguồn thu nhập nào cho bản thân.

Chính vì thế, khi hôn nhân tan vỡ, phụ nữ hồi hương gặp vô vàn khó khăn về cuộc sống và bấp bênh về mặt pháp lý khi trở về. Theo số liệu thống kê, có tới 55% phụ nữ đã ly hôn chồng nhưng chưa có giấy tờ ly hôn có giá trị pháp lý.

Số liệu thống kê được đưa ra tại Hội thảo Vận động chính sách hỗ trợ phụ nữ hồi hương do Hội LHPN Việt Nam tổ chức cho thấy: 33% phụ nữ hồi hương có con với chồng nước ngoài đã mang con về cùng, phần lớn ở miền Nam . 89% trẻ sống cùng mẹ, 66,7% trẻ không gặp khó khăn gì trong cuộc sống; 88,5% trẻ được đi học. Một số trẻ gặp khó khăn về mặt tài chính và pháp lý để được tới trường; 81% trẻ em về Việt Nam không còn giữ liên lạc với gia đình người bố ở nước ngoài.

Một vấn đề quan trọng nữa ảnh hưởng đến quá trình tái hòa nhập mà phụ nữ di cư hồi hương gặp phải là sự hạn chế trong việc hỗ trợ pháp lý để hợp pháp hóa ly hôn và tư cách pháp lý cho những người con được sinh ra ở nước ngoài của họ. Điều này dẫn đến có tới 46% con của phụ nữ di cư hồi hương chưa được cấp giấy khai sinh hoặc tình trạng quốc tịch hay tình trạng quốc tịch vẫn chưa xác định; 70% con của phụ nữ di cư hồi hương không đăng ký lưu trú và không biết tình trạng cư trú theo pháp lý ra sao...

Hội LHPN Việt Nam đã chỉ ra rằng những vấn đề khó khăn dẫn tới bấp bênh về mặt pháp lý đối với phụ nữ hồi hương đó là: Đã ly hôn nhưng không có bản án, không hợp thức hóa tại lãnh sự ở nước ngoài; không nhớ số chứng minh thư của chồng nên không trích lục được bản án ly hôn, không tống đạt được hồ sơ khi ly hôn từ Việt Nam...

Cùng với khó khăn về pháp lý, có tới 41% phụ nữ hồi hương đã và đang làm công nhân, chủ yếu là nghề may nhưng chỉ có 10% từng tiếp cận với dịch vụ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Có ít nhất 25% hồi hương luôn phải sống trong lo lắng về việc làm và thu nhập.

Vì thế, Hội LHPN Việt Nam đã có khuyến nghị, cần điều chỉnh quy định về thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài, yêu cầu bắt buộc cung cấp chứng minh thư của người nước ngoài dự định kết hôn ở Việt Nam. Tăng cường hợp tác và tương trợ tư pháp; đưa phụ nữ di cư kết hôn hồi hương trở về thành đối tượng được trợ giúp pháp lý, đào tạo nghề miễn phí.

Trong khuôn khổ dự án "Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư trở về và gia đình của họ", ngày 2/10, Hội LHPN Việt Nam cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã khai trương Văn phòng dịch vụ một điểm đến (Văn phòng OSSO). Bên cạnh văn phòng tham vấn của Ngôi nhà Bình yên chuyên hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành và nạn nhân bị buôn bán, Văn phòng OSSO được đặt tại Trung tâm Phụ nữ và phát triển, số 20 Thụy Khuê (Hà Nội) với mục đích hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ tái hòa nhập bền vững.

Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực hưởng ứng 90 hành động thiết thực hướng tới 90 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10). Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa, Văn phòng OSSO tại Hà Nội là Văn phòng đầu tiên trong 5 Văn phòng được thành lập tại 5 tỉnh/thành phố thuộc địa bàn dự án: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hậu Giang, Cần Thơ. Văn phòng thực hiện các nhiệm vụ: Hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ cần thiết như y tế, pháp lý, tâm lý, giáo dục, dạy nghề, chăm sóc, nuôi dạy con; Nâng cao năng lực phát triển toàn diện cho phụ nữ di cư.

Văn phòng OSSO Hà Nội do TƯ Hội LHPN Việt Nam vận hành đóng vai trò như văn phòng nguồn hỗ trợ kỹ thuật và định hướng hoạt động cho các văn phòng OSSO tại các tỉnh/thành phố thuộc địa bàn dự án. Tổng đài tư vấn miễn phí của Văn phòng là 1800599967. Ngoài ra còn có các hình thức tư vấn trực tuyến khác thông qua skype, viber, zoom, fanpage...


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn