Sự có mặt của người phụ nữ trong các bộ luật cổ đại đều dưới danh nghĩa là người vợ, con gái, con nuôi, nàng hầu hay nô lệ… của một chủ thể chính thống đó là người đàn ông.
Luật Hammurabi – đạo luật hoàn thiện sớm nhất trong lịch sử xã hội loài người đã có nhiều quy định về địa vị của những người phụ nữ trong xã hội cổ Babylone: Vợ cả, vợ lẽ, con vợ cả, con vợ lẽ, vợ kế, nàng hầu, con nuôi…, kể cả những người vợ không có con, những nàng hầu có con mà không được chủ nhận con. Theo quy định của luật thì người đàn ông, với tư cách là chủ gia đình có quyền bán các thành viên gia đình, trong đó có vợ và con gái.
Phụ nữ La Mã cổ đại không được phép sở hữu bất cứ tài sản nào mang tên mình khi đã lập gia đình. |
Địa vị phụ thuộc của người phụ nữ cũng bị quy định trong pháp luật La Mã cổ đại. Người phụ nữ trong Luật Mười hai bảng cả đời đều phải sống phụ thuộc vào người khác, khi ở nhà dưới quyền cha, khi lấy chồng thì dưới quyền chồng, khi chồng chết phải chịu sự cai quản của họ hàng nhà chồng.
Một số bộ luật cũng có những quy định nhằm bảo vệ quyền của người phụ nữ. Nhưng dù pháp luật có quy định người phụ nữ có quyền gì thì chủ yếu xuất phát từ việc họ là vợ của một người đàn ông. Đôi khi, người ta cũng bắt gặp một vài quy định điều chỉnh một hành vi cụ thể mà chủ thể của hành vi đó là phụ nữ, nhưng đó cũng chỉ là những hành vi phục vụ trực tiếp cho nam giới hoặc hoàn thành vai trò là người sinh con, nuôi con và phục vụ chồng. Ví dụ: Người phụ nữ là dân tự do có trách nhiệm quản lý chi tiêu trong gia đình, nấu nướng, chăm sóc con cái...
Địa vị thấp kém của người phụ nữ trong pháp luật phản ánh địa vị thấp kém của người phụ nữ trong thực tế, đồng thời là cơ sở cho một trật tự xã hội mà ở đó người đàn ông là kẻ thống trị còn phụ nữ là người bị trị.
Đến xã hội La Mã cổ đại (năm 753 trước công nguyên), mặc dù chế độ phụ quyền vẫn phổ biến với quyền lực lớn thuộc về người đàn ông, chủ gia đình, trong mối quan hệ với những người sống cùng anh ta; Người đàn ông có quyền ép buộc hôn nhân hoặc cưỡng ép ly hôn, có quyền bán những thành viên trong gia đình, kể cả vợ con để làm nô lệ; thậm chí có quyền giết chết những thành viên đó; Đối với việc hôn nhân, thường người con gái không hoặc ít có khả năng thể hiện ý chí của mình mà việc hôn nhân hoàn toàn do người cha sắp đặt và quyết định... Tuy nhiên, địa vị người phụ nữ đã phần nào được thừa nhận qua hình tượng các vị Nữ thần trong đời sống cổ truyền La Mã.
Còn trong xã hội phương Tây nói chung thời đó, người phụ nữ vẫn bị hạn chế trong vai trò người vợ và người mẹ. Giáo lý phương Tây chấp nhận chế độ đa thê. Trong gia đình, người mẹ phải dạy và kiểm soát về giáo lý nhưng vào nhà thờ, phụ nữ không được dâng lễ. Trong việc hành lễ ở lễ đường, phụ nữ phải ngồi tập trung ở một khu vực dành riêng cho họ, cách biệt với nơi người đàn ông làm lễ, chỉ có đàn ông được ngồi ở hội trường lớn.
Nam giới quý tộc và hoàng tộc Ai Cập đều có rất nhiều vợ. Tuy nhiên, đối với những người vợ thì chồng là tất cả đối với họ. |
Còn ở phương Đông mà đại diện là hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ, địa vị người phụ nữ trong xã hội cổ đại lại càng thấp kém. Người phụ nữ không những không có một chút bình đẳng mà hoàn toàn lệ thuộc vào nam giới. Với những nguyên tắc của đạo Khổng, nguyên lý căn bản của tổ chức xã hội Trung Hoa bấy giờ, người phụ nữ sống hoàn toàn khép kín sau cánh cửa gia đình với các nguyên tắc “tam tòng tứ đức, phu xướng phụ tùy”.
Trong xã hội Ấn Độ cổ đại, khi chế độ phân biệt đẳng cấp bắt đầu xuất hiện rõ nét (khoảng 1000 năm trước công nguyên) thì trong mỗi đẳng cấp, vị trí của người phụ nữ bao giờ cũng thấp kém hơn người đàn ông. Người phụ nữ ở đẳng cấp thấp bị khinh rẻ và chỉ là những món đồ tiêu khiển của đàn ông thuộc giới quyền quý. Người ở đẳng cấp thấp không có quyền kết hôn với người ở đẳng cấp cao hơn nhưng người đàn ông ở đẳng cấp cao hơn, nếu muốn, vẫn có thể lấy vợ ở đẳng cấp thấp. Còn nếu người đàn ông ở đẳng cấp dưới muốn lấy vợ là người thuộc đẳng cấp trên thì con cái của họ sẽ bị coi là tiện dân và không được hưởng bất cứ quyền lợi gì. Sự bắt cóc, cưỡng ép cũng như sự buôn bán phụ nữ, thiếu nữ thường xuyên xảy ra. Trong đời sống hàng ngày, người phụ nữ phải chịu khá nhiều thiệt thòi. Họ không được ra khỏi nhà nếu không che mặt, không có quyền trong các hoạt động xã hội, không được trực tiếp tham gia vào các hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo…
Trong hệ thống gia đình Do Thái cũng được tổ chức theo chế độ phụ hệ với uy quyền tuyệt đối của người đàn ông. Gia phả luôn được tính theo phụ hệ nên người thân tộc gần gũi nhất, sau cha mẹ và anh em là người chú. Người chồng vừa là gia trưởng, và là “ông chủ” của vợ. Kể từ khi đính hôn, người phụ nữ hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của người chồng và tuyệt đối không được có quan hệ tình ái với bất cứ một người đàn ông nào khác.
Sự bất bình đẳng của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội bị duy trì ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới trong suốt nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản những đóng góp to lớn của phụ nữ đối với sự phát triển chung của nhân loại trên tất cả các lĩnh vực. Hơn thế nữa, lịch sử trong giai đoạn này đã ghi nhận không ít tên tuổi của những phụ nữ đã từng quyết định vận mệnh của nhiều quốc gia, dân tộc.