Thảo luận tại hội trường sáng 16/6 vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác, đại biểu Nguyễn Văn Thân, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, cho rằng: Doanh nghiệp nhỏ và vừa và nhân dân cả nước hiện nay đang bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 trên nhiều mặt và đời sống kinh tế - xã hội. Chính sách hỗ trợ miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ là rất cần thiết.
Theo dự thảo, doanh nghiệp nhỏ được hưởng chính sách này cần đáp ứng 2 tiêu chí, được nêu tại Điều 2, cụ thể: giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp có doanh thu không quá 50 tỷ đồng và số lượng lao động không quá 100 lao động.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Thân, tiêu chí xác định "doanh nghiệp nhỏ" là tổng doanh thu không quá 100 tỷ, số lao động có bảo hiểm không quá 50 người.
Đại biểu nêu quan điểm, trong nghị quyết này, chúng ta chỉ dành cho một nửa số lượng doanh nghiệp nhỏ bởi vì chúng ta xác định là giảm 30% đối với doanh nghiệp có thu, lao động là 100 và doanh thu là 50 tỷ đồng.
Trong khi đó, "xác định tiêu chí của doanh nghiệp nhỏ là không quá 100 tỷ. Như vậy là trên 50 tỷ thì không được hưởng nghị quyết này thì tôi không đồng ý", đại biểu Thân nói.
Thứ 2, doanh nghiệp có trên 100 lao động có bảo hiểm xã hội thì không được hưởng chính sách này. Đại biểu nêu: "Một doanh nghiệp giả sử doanh thu 50 tỷ mà lao động nhiều hơn 100 thì người ta càng được hưởng, chứ tại sao trên số đó lại không được hưởng?". Qua đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại, bởi quy định như dự thảo sẽ không có tính khuyến khích và động viên với doanh nghiệp; đồng thời tiêu chí này mâu thuẫn lẫn nhau.
Còn với "doanh nghiệp vừa" chiếm 4% trên 760.000 doanh nghiệp, theo đại biểu Nguyễn Văn Thân, đây là doanh nghiệp nòng cốt, có giá trị, tạo rất nhiều việc làm, kết nối rất mạnh trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa; không nên bỏ "doanh nghiệp vừa" ra khỏi khu vực được giảm thuế.
Còn đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, cho rằng: Với tiêu chí doanh nghiệp sử dụng dưới 100 lao động, là đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo nội dung nghị quyết, thì "sẽ tạo ra chính sách cào bằng chung "cá mè một lứa" không công bằng đối với tình hình thực tế khác nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh".
Theo đại biểu Nguyễn Tạo, cần thiết phải đánh giá và thẩm định đầy đủ, rõ ràng từng doanh nghiệp, từng ngành hàng dịch vụ sản xuất kinh doanh, về doanh thu, về lao động cụ thể và thiệt hại thực tế do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 gây ra. Trên cơ sở đó xác định đối tượng được thụ hưởng một cách khoa học và chặt chẽ hơn, với những thủ tục hành chính hợp lý, hợp tình khi doanh nghiệp tiếp cận với chính sách giảm thuế này.
Giải trình một số nội dung trước Quốc hội, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu, đặc biệt là việc mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp "tới đối tượng doanh nghiệp vừa". Còn về tiêu chí, Bộ trưởng Tài chính cho rằng phải chọn các tiêu chí làm sao để tổ chức thực hiện và quản lý thuận lợi, tránh rủi ro.
Ông Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, thời gian qua đã có nhiều giải pháp đồng bộ đã, đang và sẽ thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp. Về chính sách tài khóa, "chúng ta đã có Nghị định 41 về gia hạn thời gian nộp thuế tiền thuê đất, đến nay đã đi vào cuộc sống và rất thuận lợi, doanh nghiệp tự tính và tự khai". Cạnh đó, giảm các mức phí, lệ phí với 18 các loại phí, lệ phí đã được giảm. Có những lĩnh vực giảm rất sâu.
Thậm chí, có những phần phí đang thu nhưng cho về bằng 0, đặc biệt là những phí liên quan đến thị trường chứng khoán, tác động tích cực, góp phần ổn định thị trường.
Theo thống kê hiện nay, tổng số doanh nghiệp là 760.000 doanh nghiệp trong đó có 93% là doanh nghiệp nhỏ, 4% là doanh nghiệp vừa và 3% doanh nghiệp lớn, đóng góp rất lớn cho GDP lao động và đảm bảo lớn nhất cho an sinh xã hội.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn