Bất chấp dịch bệnh, giá đất ở nhiều nơi vẫn tăng cao

12:11 | 09/12/2021;
Khác với các đợt “sốt” đất trước đây, hiện ngay trong thời gian dịch bệnh còn căng thẳng ở nhiều tỉnh, thành nhưng số lượng người xem đất và mua “trực tuyến” vẫn tăng cao, đẩy giá bất động sản lên mức mới so với 4 tháng trước.
Giao dịch nhanh như mua rau

Vào những ngày đầu tháng 11, ngay khi TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ kết thúc đợt giãn cách xã hội theo các Chỉ thị 15-16, lượng giao dịch bất động sản tại thị trường này đã tăng đột biến.

Có mặt tại một phòng công chứng tư thuộc huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng tôi ngồi xếp hàng để làm thủ tục mua bán. Phía trước phòng công chứng, các xe hơi xếp lớp dãy dài, đa phần biển số TPHCM và Vũng Tàu. Lô đất mà người quen của chúng tôi tới mua là lô đất "công" - cứ 1.000 m2 được gọi là 1 công. Đất này đã được lên thổ cư 100 m2, được đánh giá là "hàng bán chạy". Trước đó, dù đã đặt cọc khi chưa biết mặt mũi miếng đất ra sao nhưng người bán liên tục hối thúc người mua xuống tiền. "Nếu anh chị không xuống công chứng ngay, có lẽ sẽ không giữ được vì người ta đã trả giá cao hơn rồi", người môi giới nhắn và điện thoại liên tục. Khi vào làm thủ tục mua bán trước mặt công chứng viên, điều bất ngờ nhất là miếng đất đã được "sang tay" qua 4 chủ trong thời gian 8 tháng. Họ không làm thủ tục mua bán qua công chứng mà chỉ làm thủ tục ủy quyền. Một dãy dài người ủy quyền trong hợp đồng mua bán, mới thấy "cơn sốt" đất ở đây đã được "đun nóng" ngay từ những ngày dịch bệnh bùng phát.

Hiền, một môi giới bất động sản ở địa bàn xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, đưa chúng tôi đi thăm thị trường. Trong một buổi trưa, chúng tôi không thể ngồi nói chuyện được quá vài câu cho hết mạch chuyện vì bị ngắt quãng liên tục bởi Hiền nghe điện thoại của khách. Có người từ TPHCM chạy tới để đặt cọc tiền, vừa tới cổng chào Bà Rịa đã có khách khác đặt cọc mua xong rồi. Người ta điện thoại bực dọc, hờn mát, trách móc người môi giới khiến các câu chuyện cũng "nóng" theo giá đất.

Cách đây tròn một năm, Hiền giới thiệu cho chúng tôi miếng đất 2.000 m2 nằm trên địa bàn xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ. Khi đó, giá của miếng đất này được người bán đưa ra là 1,7 tỉ đồng. "Nếu năm trước, anh chị mua miếng này thì giờ đã bán được giá gấp đôi. Giá hiện tại vừa giao dịch là 3,5 tỉ đồng", Hiền kể.

Ở Phan Thiết (Bình Thuận), giá đất cũng bắt đầu tăng nhanh do nhà đầu tư tập trung gom hàng. Nếu vào đầu năm nay, tại khu Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc được giao dịch khoảng 550 - 600 triệu đồng/sào (1.000 m2 ở đây gọi là 1 sào) thì hiện tại được giao dịch với giá 800-900 triệu đồng/sào.

Bất chấp dịch bệnh, giá đất ở nhiều nơi vẫn tăng cao - Ảnh 1.

Tư vấn bán đất cho khách hàng

Tại phòng công chứng Nguyễn Văn D., đường Hùng Vương, TP Phan Thiết, lượng người tới làm thủ tục, mua bán nhà đất khá đông vào đầu tháng 12. Anh H., một "trùm" chuyên phân lô đất nông nghiệp ở các vị trí gần sân bay, cho biết, dù dịch bệnh nhưng lượng người hỏi mua đất lại tăng cao. Người mua không cần coi đất, chỉ cần xin ghim vị trí, coi sổ, là xuống tiền đặt cọc. Khu vực này đã trải qua 2 đợt "sốt" đất trong vòng vài năm qua. Tuy nhiên, giữa lúc Bình Thuận vẫn siết chặt các dịch vụ thời dịch bệnh mà người mua, người bán đất giao dịch nhanh như mua rau thịt ngoài chợ, thì ngay cả người quen với "sốt" đất như anh H. cũng thấy lạ.

Dự báo "cơn sốt" đất những ngày tới

Lý giải về hiện tượng "sốt" đất này, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Việt An Hòa, cho biết, người dân cũng đã quen dần với sinh hoạt trong điều kiện "bình thường mới". Việc e ngại, lo sợ khi di chuyển đi ngoại tỉnh để xem xét, giao dịch, mua bán đã bớt dần. Thêm nữa, "người dân phía Nam là "trùm phân lô". Rất nhiều chủ đầu tư tự mua các miếng lớn rồi phân lô, bán lẻ cho nhà đầu tư, khiến thị trường này luôn sôi động", ông Trần Khánh Quang chia sẻ.

Một lý do khác, theo ông Quang, người dân hiện chưa quay trở lại nhịp kinh doanh được như trước đây, nên đã "tạm thời" bỏ đồng vốn vào bất động sản. Chứng khoán đã tăng "nóng" suốt thời gian vừa qua, thì việc bất động sản vào chu kỳ tăng giá ở thời điểm này là sự hợp lý của quy luật thị trường. Ông Trần Khánh Quang dự báo, "cơn sốt" đất lần này sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới, với việc phân chia thành nhiều "nhịp" và kéo dài tới năm 2023. Giữa các đợt "nóng" đương nhiên sẽ đan xen các đợt "lạnh" nên nhà đầu tư cần tỉnh táo để chọn thời điểm mua và bán.

Quan sát cho thấy, tại TPHCM hiện nay, khu phía Đông và phía Tây đang thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. Đặc biệt thông tin Bình Chánh sẽ lên quận và lên thành phố phía Tây là chi tiết thúc đẩy thị trường tại huyện này sôi động hơn. Từ khóa "Bình Chánh" sẽ còn kéo dài trong vài năm tới khi cơ quan chức năng đang đưa ra các thông tin về việc lên quận và thành phố vào năm 2025.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn