Bất chấp lãi suất hạ, người dân gửi tiết kiệm vẫn tăng

18:20 | 31/08/2023;
Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6, tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng tiếp tục tăng lên, bất chấp lãi suất huy động giảm sâu và thị trường chứng khoán sôi động.

Ngân hàng Nhà nước mới đây công bố lượng tiền gửi của cả tổ chức và cá nhân tăng nhanh trong tháng 6/2023.

Lượng tiền gửi của các tổ chức gửi tại các ngân hàng tăng khá mạnh trong tháng 6, thêm 235.000 tỉ đồng, lên 5,983 triệu tỉ đồng. Đây là mức tăng mạnh nhất của lượng tiền gửi tổ chức từ nhiều tháng qua, đã giúp tốc độ tăng trưởng lên mức dương thay vì liên tục âm. So với cuối năm 2022, mức tăng trưởng tiền gửi tổ chức đã tăng 0,51%, tương ứng mức tăng 30.000 tỉ đồng (trong khi tháng 5 âm 3,45%).

Tiếp đó, lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 6 tiếp tục tăng nhanh hơn tháng trước đó, thêm 35.000 tỉ đồng, lên 6,382 triệu tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng tiền gửi của cá nhân lên 8,82%, tương ứng 517.000 tỉ đồng. Lượng tiền gửi trong tháng 6 đã tăng nhanh hơn tháng 5 gấp đôi nhưng vẫn thấp hơn từ 2 - 3 lần so với những tháng đầu năm.

Bất chấp lãi suất hạ, người dân gửi tiết kiệm vẫn tăng - Ảnh 1.

Thống kê của NHNN về lượng tiền gửi ngân hàng đến tháng 6/2023

Trái ngược với lượng tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng tăng, lãi suất huy động vẫn đang tiếp tục giảm sâu. Đến nay, trên thị trường rất hiếm ngân hàng niêm yết mức lãi suất huy động 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng cũng chỉ còn 6 - 6,5%/năm. So với hồi đầu năm, lãi suất tiền gửi đã giảm 3 - 4%/năm tùy theo ngân hàng và kỳ hạn.

Trong những ngày cuối tháng 8 này, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cao nhất đang ghi nhận tại DongABank với 7,9%/năm; NamABank 7,1%/năm; VietABank 7%/năm, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) 6,95%/năm; NCB 6,9%/năm...

Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng cao nhất hiện có DongABank với 7,55%/năm; VietABank và NCB cùng mức 6,8%/năm; Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) 6,75%/năm...

Kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2 điểm %. Lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại cũng được điều chỉnh và nhiều gói tín dụng ưu đãi được triển khai với lãi suất khoảng 0,5-3 điểm % tùy đối tượng khách hàng với các khoản vay mới.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, người dân, nhất là dân cư vẫn chọn gửi tiền vào ngân hàng. Vì họ thấy không chỉ an toàn mà còn được trả tiền lãi.

Trong khi đó, tính đến cuối tháng 6/2023, các ngân hàng thương mại cho vay ra nền kinh tế tăng thêm mạnh thêm 173.000 tỉ đồng (trong khi trong tháng 5 chỉ tăng 29.000 tỉ đồng), số dư nợ lên 12,487 triệu tỉ đồng, tăng 4,75% so với cuối năm 2022. Lượng vốn bơm ra thị trường trong 6 tháng đầu năm tăng thêm 563.000 tỉ đồng. Tốc độ tăng dư nợ cho vay trong tháng 6 nhanh hơn những tháng trước. Trong đó, tăng trưởng dư nợ tín dụng cao đối với một số lĩnh vực như vận tải, viễn thông, xây dựng, thương mại, công nghiệp…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn