Nhiều nhà khoa học nghi ngại
Nga hiện là một trong những ổ dịch thuộc diện lớn nhất thế giới với hơn 898 ngàn ca nhiễm và hơn 15 ngàn trường hợp tử vong. Điều này khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin "đặt nặng" vấn đề phát triển vaccine chống COVID-19, biến mục tiêu này trở thành ưu tiên hàng đầu của đất nước. Ngoài Nga, Mỹ, Tây Âu và Trung Quốc cũng đang ráo riết chạy đua với hơn 100 loại vaccine tiềm năng đang được nghiên cứu phát triển trên khắp thế giới.
"Tôi biết rằng nó hoạt động khá hiệu quả, hình thành khả năng miễn dịch mạnh mẽ và được kiểm tra bằng tất cả các thử nghiệm cần thiết", ông Putin nói trên truyền hình nhà nước.
Bà Ayfer Ali, chuyên gia nghiên cứu về thuốc tại trường Britain’s Warwick Business (Anh), cho biết, về cơ bản, Nga đang tiến hành một cuộc thử nghiệm trên quy mô dân số lớn. Tuy nhiên, việc phê duyệt "quá nhanh" đi đôi với nguy cơ không phát hiện những tác dụng phụ tiềm ẩn của vaccine, dù hiếm xảy ra nhưng hậu quả lại rất nghiêm trọng.
Cùng quan điểm với bà Ali, ông Francois Balloux, chuyên gia tại Viện Di truyền của Đại học London (Anh), cho rằng quyết định phê duyệt vaccine của Nga là một "bước đi liều lĩnh". Ông cho biết: "Quyết định tiêm chủng hàng loạt đối với một vaccine chưa được thử nghiệm đúng cách là phi đạo đức. Bất kỳ vấn đề nào xảy ra đối với chiến dịch tiêm chủng lần này không chỉ gây ra sức ép lên vấn đề sức khỏe của người dân và ngành y tế, mà còn ngăn cản kết quả phê duyệt những vaccine khác được phát triển bởi Nga sau này".
Danny Altmann, giáo sư Miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London (Anh), cũng lo ngại quyết định tiêm chủng hàng loạt một loại vaccine chưa có đủ dữ liệu thử nghiệm có thể làm tình hình hiện tại trở nên tồi tệ hơn. Ngay cả khi Nga đã tuyên bố thành công trong công cuộc phát triển vaccine, rất nhiều nhà sản xuất từ khắp nơi trên thế giới vẫn chạy đua với các thử nghiệm để sản xuất loại vaccine tiềm năng.
Ảnh minh họa
Những vaccine dự kiến được cấp phép cần phải gửi kết quả thử nghiệm và dữ liệu phân tích mức độ an toàn cho các cơ quan quản lý ở Mỹ và châu Âu để giám sát trước khi bất kì giấy phép nào được cấp. Những thử nghiệm này thường được chia thành nhiều giai đoạn. Trong đó, thử nghiệm giai đoạn III với sự tham gia của hàng ngàn tình nguyện viên được xem là thử nghiệm quan trọng để đánh giá mức an toàn và thành công đối với quy mô dân số lớn. Tuy nhiên, vaccine của Nga được phê duyệt trước khi thử nghiệm giai đoạn III được tiến hành.
Các chuyên gia cho biết, việc thiếu dữ liệu về vaccine vừa được công bố của Nga, bao gồm quy trình sản xuất, tính an toàn, phản ứng miễn dịch và kết quả liệu có ngăn ngừa được virus SARS-CoV-2 hay không, khiến họ lo ngại mức độ an toàn và sự thành công của vaccine này.
Các nước đua nhau đặt hàng
Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte, tuyên bố sẽ là tình nguyện viên đầu tiên thử nghiệm vaccine từ Nga khi nước này cung cấp vaccine cho Philippines do việc tiêm chủng cần thử nghiệm lâm sàng. Tổng thống Duterte khẳng định, ông có niềm tin rất lớn vào sự thành công của vaccine và nghiên cứu của người Nga trong cuộc chiến chống đại dịch. Ông Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), cơ quan tài trợ cho hoạt động phát triển vaccine, xác nhận rằng họ sẽ thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 tại Philippines trong tháng 8/2020.
Ngoài ra, các quan chức Nga cũng tiết lộ, nước này đã nhận được yêu cầu đặt hàng từ hơn 20 quốc gia sau khi thành công điều chế vaccine Sputnik V. Dù vấp phải nhiều lo ngại từ giới khoa học phương Tây, nhiều quốc gia vẫn đặt niềm tin vào vaccine chống COVID-19 đầu tiên của nhân loại. Theo ông Dmitriev, dự kiến, 1 tỉ liều vaccine sẽ được tiến hành sản xuất tại Brazil, khu vực Mỹ Latinh vào tháng 11 năm nay cùng với các thử nghiệm lâm sàng sẽ sớm được thực hiện tại Philippines và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn