Thời gian thu thập thông tin bắt đầu từ ngày 1/4/2024 đến ngày 30/4/2024. Điều tra được thực hiện trên phạm vi cả nước tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tỉnh, thành phố), gồm tất cả các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (huyện) ngoại trừ 4 huyện đảo nhỏ là: Bạch Long Vỹ (thành phố Hải Phòng); Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị); Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng); Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).
Cuộc điều tra nhằm thu thập thông tin về dân số và nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2025; xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ lập Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2026 - 2030; giám sát thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.
Cuộc điều tra cũng cung cấp số liệu về quy mô dân số đến cấp huyện 5 năm sau Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
Điểm mới trong Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 là đối tượng điều tra cũng bao gồm người có quốc tịch nước ngoài hiện đang ăn, ở tại hộ (nếu bảo đảm điều kiện là nhân khẩu thực tế thường trú của hộ dân cư). Mục đích thu thập thông tin về người có quốc tịch nước ngoài nhằm phản ánh đầy đủ số lượng nhân khẩu hiện đang cư trú hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, phục vụ việc xây dựng hoạch định và chính sách kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thông tin về người có quốc tịch nước ngoài đang thường trú ở Việt Nam hiện còn khoảng trống về số liệu nên cuộc Điều tra này kỳ vọng sẽ thu thập đủ thông tin, tạo tiền đề cho kỳ Tổng điều tra dân số và nhà ở kế tiếp.
Phát biểu tại Lễ ra quân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống Kê Nguyễn Thị Hương cho biết, đây là cuộc điều tra có quy mô tương đối lớn, nhiều nội dung thông tin. Giai đoạn thu thập thông tin tại địa bàn là cực kỳ quan trọng vì việc thu thập được thông tin phản ánh đầy đủ, chính xác thực trạng dân số và nhà ở sẽ giúp cho Đảng, Nhà nước xây dựng được những kế hoạch, chiến lược đúng đắn, xây dựng nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Tại buổi lễ, ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam cho rằng, những quốc gia có dữ liệu chất lượng là những quốc gia đạt được mức tăng trưởng ấn tượng và giải quyết được các nhu cầu của người dân. Dữ liệu tốt hơn - Cuộc sống tốt hơn.
"Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý; hệ thống đăng ký, thống kê hộ tịch do Bộ Tư pháp quản lý… Tuy nhiên, những cơ sở dữ liệu đó vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và do vậy vẫn cần tiếp tục cải thiện hạ tầng cơ sở dữ liệu. Đó là lý do tại sao cuộc Điều tra Dân số và Nhà ở giữa kỳ này là cần thiết để thu thập bằng chứng thông tin quan trọng về tiến độ phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam" - ông Matt Jackson chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn