Trong sáng nay, 6/6, các thí sinh đã hoàn thành bài thi đầu tiên là môn Ngữ văn với thời gian là 120 phút. Chủ đề của đề thi là "Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình". Đề thi gồm 3 phần: Đọc hiểu (3 điểm), Nghị luận xã hội (3 điểm) và Nghị luận văn học (4 điểm).
Đa số thí sinh nhận định đề thi ở mức vừa phải, gần gũi. Thí sinh Nguyễn Minh Đăng, tại điểm thi THCS Trường Thọ (Trường Thọ, TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ: "Em làm bài khá ổn, em cảm thấy tự tin với phần bài làm của mình. Đề thi vừa sức với tụi em. Phần Đọc hiểu nói về chương trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" của Trung ương Đoàn, hiểu biết về người lính ở quần đảo Trường Sa. Phần Nghị luận văn học, em lựa chọn đề nói về tình cảm của nhân vật bé Thu dành cho cha trong tác phẩm "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng và liên hệ với cuộc sống hoặc một tác phẩm khác để thấy được ý nghĩa của tình cảm gia đình với mỗi người. Ngoài ra còn có thêm sự lựa chọn để thí sinh viết về tình cảm sâu sắc mà thơ ca đã gợi lên với bản thân. Câu nghị luận xã hội thì viết đoạn văn về chủ đề biết nghĩ bằng con tim".
Còn thí sinh Thảo Nhi tại điểm thi THCS Trường Thọ (Trường Thọ, TP Thủ Đức, TPHCM) cho hay: "Em thích nhất là phần nghị luận viết về "biết nghĩ bằng con tim", em thấy câu này dễ triển khai, tùy vào nhận định của mỗi bạn mà đưa ra quan điểm phù hợp. Em nghĩ mình làm được bài tầm 70%".
Thầy Võ Kim Bảo, Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, nhận định: "Đề thi gần gũi với thí sinh, không đánh đố nhưng vẫn có tính phân hóa nhất định. Thí sinh đã làm quen với cách ra đề, cấu trúc đề từ đề năm học trước nên các em có phản hồi tích cực khi làm bài. Với chủ đề "Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình", thí sinh có nhiều cơ hội để thể hiện kiến thức, suy nghĩ, tình cảm của mình vì đây là một chủ đề gần gũi, thiết thực với các em".
Sau giờ làm bài căng thẳng, thí sinh rời phòng thi được người thân đón chờ bằng bằng một vòng tay ấm áp, một chai nước mát lành, những câu hỏi thăm. Ở thời đại công nghệ 4.0, phụ huynh còn có thêm động tác quay phim, chụp hình lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ của con.
Chị Phan Thu (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết: "Nhà tôi cách điểm thi của con tầm 4km nhưng tôi vẫn đợi con để đón về. Buổi chiều 14h mới thi nhưng 12h30 phải có mặt ở điểm thi lại rồi. Bởi vậy, tôi tranh thủ chờ con ra hỏi đề dễ hay khó, làm bài thế nào, canh chụp cho cháu tấm ảnh lúc tan ra rồi chở về cho ăn uống, nghỉ xíu còn đi lại".
Bà Nguyễn Thị Kim Hằng (68 tuổi, phường Trường Thọ, Thủ Đức, TPHCM) cho biết: "Nhà cô ở gần đây, buổi sáng cô chở cháu ngoại qua trường thi rồi cô về. Nhưng mà về rồi cũng thấy nôn nao. 10 giờ cháu mới thi xong nhưng 9 giờ cô lại chạy ra trường đợi. Nắng nôi thì chịu thôi chứ biết sao, cô cứ đợi. Cháu thi trong trường còn vất vả hơn mình nhiều".
Trong kỳ thi vào 10, TPHCM bố trí các điểm thi thuận tiện cho việc đi lại của các thí sinh, tuy nhiên, một số phụ huynh vẫn không yên tâm, túc trực trước cổng đợi con hoặc đến rất sớm để chờ đón con về.
Có thể thấy, mỗi cột mốc quan trọng trong đời học sinh, phụ huynh luôn trân trọng và song hành cùng con. Cha mẹ là "hậu phương" vững chắc cho con an tâm học hành, thi cử. Trước thi kỳ thi, phụ huynh đưa đón học thêm, ôn luyện. Trong kỳ thi, phụ huynh lại lo ăn uống, bồ bổ và chờ đợi. Họ còn làm công tác động viên, an ủi, khen thưởng. Phụ huynh còn có rất nhiều việc làm khác đều mang tên "thương con".
Một số hình ảnh phụ huynh đợi con trước cổng trường sáng 6/6:
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn