Bất lực khi con tuổi teen nổi loạn vì bố mẹ 'đường ai nấy đi'

09:10 | 23/06/2019;
Con tôi bỗng nhiên nổi loạn, khiến tôi và nhà trường đều bất lực. Tôi bỗng chán ghét con, không muốn nhìn thấy con. Tôi hận bản thân mình, hận cả người đàn ông đã cùng tôi tạo ra con bé…

“Thời điểm đó, dường như tôi bị trầm cảm sau thời gian dài vật lộn với cuộc sống, với những nỗi buồn đau khi người chồng cứ thấy gia đình khó khăn là bỏ vợ con đi sống với người tình” - chị Trần Thị Lệ (Thái Nguyên) chia sẻ.

“Sau một thời gian chồng tôi bỏ đi, anh quay về đòi ly hôn vợ. Tôi đồng ý để anh ta được toại nguyện. Tuy nhiên, khi ra toà, con thì anh ta "nhường" tôi nuôi cả 2 đứa, nhưng căn nhà anh ta đòi chia đôi.

Sau khi thương lượng tại nhà không được, chúng tôi cãi vã rất gay gắt và buộc phải đưa ra toà án giải quyết. Cán bộ toà xem xét thực tế, công đóng góp của đôi bên, cuối cùng tôi phải trả 40% số tiền trị giá căn nhà đang ở cho anh ta, là hơn 300 triệu đồng” – chị Lệ cho biết.

Sau ly hôn, gánh nặng cuộc sống càng đè nặng lên vai chị khi phải trả nợ cho chồng cũ. “Tôi cố gắng làm tất cả mọi việc để trả hết món nợ với chồng cũ. Cuộc sống của mẹ con tôi có lẽ sẽ an nhàn, nếu đứa con gái đầu đã 16 tuổi của tôi ngoan ngoãn và biết nghe lời mẹ. Nhưng con bé bỗng nhiên nổi loạn, rất bướng bỉnh, đi học trường nào cũng quậy phá nhất lớp, hỗn với thầy cô, không chịu ghi chép bài. Thậm chí còn hùng hổ đánh nhau với các bạn” – chị Lệ buồn rầu chia sẻ.

noi-loan1.png
 Tôi nhiều lần phải bỏ dở việc, chạy đến trường vì con gây chuyện với cô, với bạn, quậy phá ở lớp - Ảnh minh hoạ

 

“Ở nhà dù mẹ có nhờ giúp đỡ việc gì, con cũng không bao giờ động tay chân giúp mẹ. Hễ nặng lời, to tiếng với con là con cãi lại rồi doạ sẽ bỏ nhà đi. Thực sự con rất hỗn với tôi, tôi cũng điêu đứng vì con không biết bao nhiêu lần” – chị Lệ kể tiếp.

“Tôi nhiều lần phải bỏ dở việc, chạy đến trường vì con gây chuyện với cô, với bạn, quậy phá ở lớp. Thậm chí, trong 1 năm học tôi phải chuyển tới 3 trường cho con. Vì ở đâu con cũng chỉ học thời gian ngắn là gây chuyện với bạn và hỗn với thầy cô. Nhiều lúc tôi vừa khóc, vừa xin xỏ để nhà trường cho con cơ hội đến trường. Nhà trường tỏ ra bất lực, tôi càng thấy mình bất lực hơn với việc dạy con”.

“Những lúc buồn bực, tôi thấy chán ghét con, tôi hận bản thân mình, hận chồng, hận người cha của con tôi khiến cuộc đời của tôi đen tối, tương lai mờ mịt suốt bao năm chưa dứt. Có lúc tôi muốn bỏ mặc con, muốn làm gì thì làm, hoặc đem con bé trả cho bố nó dạy bảo, vì tôi thấy mình bất lực. Nhưng tôi biết, nếu mang con bé đến với bố nó, chắc chắn nó không chấp nhận ở với dì ghẻ, cũng không chấp nhận người bố đã bỏ nó đi nhiều năm, nó sẽ bỏ đi bụi đời mất” – chị Lệ nghẹn ngào kể.

“Nước mắt trước đây tôi dành khóc vì chồng bỏ đi, nay lại khóc vì bất lực với con, với chính mình. Tôi lo nó hư hỏng nếu tính cách nó không thay đổi. Tôi đành phải tìm đến chuyên gia tâm lý để tìm cách cứu con” – chị Lê cho biết.

“Tôi thay đổi cách tiếp cận con, mềm mỏng, dịu dàng với con hơn. Tôi run rẩy chải tóc, giúp con sấy tóc khi nó tắm xong. Lúc đầu, nó vùng vằng, không khiến mẹ…, nhưng lần thứ 2, lần thứ 3 con ngồi im để mẹ giúp. Thi thoảng ngồi ăn cơm, tôi cứ gần gũi, tâm tình kể chuyện hồi con còn bé nghịch thế nào, con sinh ra có khuôn mặt ra sao, dù con có nghe hay giả vờ không nghe thấy, tôi vẫn thủ thỉ kể chuyện. Tôi quên đi cả mỏi mệt, chỉ để ý đến khuôn mặt, biểu cảm của con mỗi ngày”.

“Tôi cũng kể cả chuyện thời sự về những đứa trẻ dễ bị lạm dụng, phải sinh con khi tuổi chưa lớn… Về câu chuyện “quà tặng cuộc sống” ý nghĩa, hiếu nghĩa mẹ cha và con cái mà tôi cố nhớ được sau khi xem trên ti vi...

Mất khoảng 4 tháng, con dần bớt bướng bỉnh, trầm tính hơn, bớt nổi loạn hơn trước. Tôi dắt con đi mua những bộ quần áo tuổi teen mà con thích, giày dép, rồi khen con gái mẹ xinh hơn. Tôi dành những buổi tối để ôm cả 2 con vào lòng vỗ về bằng tình yêu của người mẹ, dẫu có lúc là tôi cố gắng, chứ trái tim tôi dường như vẫn trống rỗng và có phần vô cảm”.

“Thấy con nền tính hơn, tôi bắt đầu mừng. Tôi lại khóc vì hình như con tôi đã trở lại là đứa con biết thương yêu mẹ và em. Tôi cũng nhận ra rất rõ sai lầm của chính mình sau khi nghe chuyên gia tâm lý phân tích con bị ảnh hưởng nặng từ cuộc hôn nhân đổ vỡ của bố mẹ. Trước đây, do tôi quá mệt mỏi vật lộn với cuộc sống, do quá chán nản với chuyện chồng bỏ đi, nên con gái phát triển tâm sinh lý mà tôi cũng bỏ mặc con, không gần gũi con, không tình cảm quan tâm đến con, khiến tâm tính của con nổi khùng lên mỗi lúc ai động vào”.

“Mãi bây giờ, khi cả 3 mẹ con tôi yên ấm bên nhau, tôi mới chợt nhớ, nhiều năm nay tôi quên không ôm con vào lòng. Lúc này, các con đã nằm yên cho mẹ vuốt ve mái tóc, gối đầu lên đùi mẹ để xem bộ phim con thích. Thích ôm cánh tay mẹ để ngủ ngon hơn. Hoá ra, dù con đã ở tuổi thiếu nữ, con vẫn còn bé lắm, trong vòng tay mẹ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn