Khi nhắc đến giao tiếp, tất cả chúng ta đều nghĩ rằng mình khá tốt trong lĩnh vực này. Nhưng sự thật lại là ngay cả khi chúng ta là những người giao tiếp giỏi đã được công nhận thì chúng ta vẫn khó có thể khẳng định 100% rằng chúng ta luôn giao tiếp tốt ở mức như chúng ta vẫn nghĩ. Việc đánh giá cao hoặc phóng đại khả năng giao tiếp của bản thân thường bắt nguồn từ việc chúng ta chỉ thường xuyên giao tiếp với những người mà chúng ta đã biết rõ. Và tất nhiên đánh giá đó khó mà chính xác.
Việc trau dồi khả năng giao tiếp là rất quan trọng, đặc biệt là đối với những nhà lãnh đạo. Sự thật là bạn chẳng thể nào trở thành một nhà lãnh đạo tuyệt vời nếu như bạn không phải là một người giao tiếp giỏi. Bởi lẽ, những người giao tiếp tốt sẽ đem đến cảm hứng cho những người xung quanh, tạo ra sự kết nối thực sự về mặt cảm xúc giữa các cá nhân. Điều này thì vô cùng quan trọng đối với mỗi cá nhân lãnh đạo.
Dưới đây là 8 ‘chiến lược’ giúp tất cả mọi người đều có thể khắc phục khả năng giao tiếp của bản thân và nâng tầm kỹ năng giao tiếp của mình.
- Nói chuyện với cả nhóm như nói với từng cá nhân riêng biệt
Là một nhà lãnh đạo, bạn không thể nào tránh được việc phải nói chuyện trước cả một nhóm người. Cho dù, đó chỉ là một nhóm nhỏ hay là cả một nhóm lớn, cả một tập đoàn thì bạn đều cần phải nói ở một mức độ gần gũi để khiến từng cá nhân trong nhóm đều cảm thấy như bạn đang nói trực tiếp với họ. Bí quyết ở đây chỉ đơn giản là loại bỏ sự phân tâm của bạn trong vấn đề có bao nhiêu người đang lắng nghe bạn, hãy nói giống như bạn đang nói chỉ với một người duy nhất. Hãy nói bằng cảm xúc thật, bằng năng lượng của bạn, đừng để sự lo lắng về con số người đang nghe chi phối cảm xúc của bạn.
- Nói để mọi người nghe
Những người giao tiếp tốt ‘đọc hiểu’ thính giả của họ rất cẩn thận để đảm bảo rằng họ không lãng phí hơi sức của mình vào những thông điệp mà người khác không muốn nghe. Nói để mọi người nghe có nghĩa là bạn phải điều chỉnh thông điệp của mình sao cho đi vào lòng người nhất. Và để làm được điều đó bạn cần biết người nghe muốn nghe điều gì và họ muốn nghe những điều đó theo cách nào. Để biết được điều này thì cách tốt nhất là hãy biến cuộc độc thoại của bạn trở thành cuộc đối đối thoại, trao đổi ý kiến. Khi mà người nghe sẵn sàng đặt ra những câu hỏi hay cho bạn, có nghĩa là bạn đang đi đúng hướng.
- Nghe mọi người nói
Một trong những thảm họa của các nhà lãnh đạo là luôn muốn điều khiển cuộc nói chuyện theo hướng 1 chiều. Tuy nhiên, đó lại là điều tối kỵ trong giao tiếp. Khi giao tiếp, không chỉ là nói một mình, bạn cần phải cho người đối diện cơ hội để nói ra suy nghĩ của mình.
Hành động lắng nghe ở đây không chỉ đơn giản là nghe những lời nói, mà nó còn yêu cần bạn phải cảm nhận giai điệu, tốc độ và âm lượng của giọng nói. Khi ai đó nói với bạn, hãy ngừng tất cả những hoạt động khác để có thể nghe đầy đủ những gì người khác nói, để hiểu được: Họ đang nói gì? Những thông điệp ẩn chứa bên trong đó là gì?. Hành động lắng nghe một cách cẩn thận này sẽ giúp cho người khác cảm nhận được bạn đang thực sự nghe họ nói và rồi họ sẽ tôn trọng lắng nghe khi bạn nói.
- Kết nối cảm xúc
Trên cương vị là một nhà lãnh đạo, khả năng giao tiếp của bạn sẽ chỉ là con số 0, nếu như mọi người không kết nối với cuộc nói chuyện trên một mức độ cảm xúc. Để kết nối một cách đầy cảm xúc, thì điều đầu tiên chính là bạn cần phải bộc lộ cảm xúc của mình. Hãy trở thành một con người bình thường, không phải là một cấp trên uy quyền. Hãy cho họ thấy những điều bạn quan tâm, điều thôi thúc bạn thức dậy vào mỗi sáng và rồi bạn sẽ tạo ra được một sự kết nối cảm xúc với những người xung quanh.
- Đọc hiểu ngôn ngữ cơ thể
Bởi vì những người đồng nghiệp, đặc biệt là cấp dưới sẽ không bao giờ cởi mở cho bạn biết tất tần tậ suy nghĩ, tâm tư của họ. Chính vì vậy, bản phải trở thành một chuyên gia tìm hiểu các thông điệp không lời. Và nguồn lớn nhất của những thông tin này chính là ngôn ngữ cơ thể. Rất rõ ràng rằng khi bạn điều chỉnh ngôn ngữ cơ thể thì thông điệp mà bạn muốn gửi đến những người khác sẽ trở nên rõ ràng hơn. Vì vậy, hãy chú ý đến những gì không được nói ra nghiêm túc và cẩn thận như những gì được nói ra, khi đó, bạn sẽ khám phá ra những thực tế và ý kiến mà những người khác không sẵn lòng bày tỏ.
- Chuẩn bị mục đích nói
Một sự chuẩn bị nhỏ về những gì bạn muốn nói và những gì có thể xảy đến trong cuộc hội thoại sẽ giúp cuộc hội thoại có tác động đáng kể hơn. Nhưng đừng nhầm tưởng rằng bạn đang chuẩn bị cho một bài phát biểu, ở đây, thứ bạn cần là phát triển sự hiểu biết của bản thân về những trọng tâm của cuộc hội thoại và làm thế nào để bạn cho người nghe thấy rõ thông điệp của mình. Không thể phủ nhận rằng cuộc hội thoại của bạn sẽ trở nên thuyết phục hơn khi được chuẩn bị.
- Bỏ qua các thuật ngữ
Mọi lĩnh vực đều có những thuật ngữ mà không phải ai cũng hiểu. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là các nhà lãnh đạo thường quá lạm dụng các thuật ngữ chuyên ngành, khiến cho cuộc nói chuyện của họ trở nên khó hiểu và xa vời đối với cấp dưới cũng như chính khách hàng của họ. Vì vậy, hãy tiết chế và sử dụng một cách ‘tiết kiệm’ các thuật ngữ nếu bạn muốn kết nối tốt hơn với những người xung quanh.
- Luyện tập chủ động lắng nghe
Chủ động lắng nghe là một kỹ thuật đơn giản để đảm bảo mọi người cảm thấy mình được lắng nghe, một phần thiết yếu để tạo nên thói quen giao tiếp tốt. Để thực hiện kỹ thuật này nhuần nhuyễn bạn cần luyện tập những điều sau.
- Hãy dành nhiều thời gian lắng nghe hơn là nói.
- Không trả lời câu hỏi bằng câu hỏi.
- Tập trung vào người khác hơn là vào bản thân.
- Tập trung vào những gì người khác đang nói chứ không phải là lợi ích của họ.
- Hỏi lại những gì người khác đã nói để chắc chắn rằng bạn hiểu ý của họ một cách chính xác.
- Hãy suy nghĩ về những gì bạn sẽ nói sau khi một người nào đó đã nói xong chứ không phải là trong khi người đó còn đang nói.
- Hãy hỏi nhiều câu hỏi.
- Không bao giờ gián đoạn khi người khác đang nói.
- Không ghi chép.