Hai bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử”, một đã kết thúc, một đang dần đi đến hồi kết. Có lẽ đã khá lâu rồi, khán giả Việt mới có những giây phút mong chờ, hồi hộp ngồi trước màn hình bởi độ “hot” đáng ngạc nhiên của hai bộ phim cùng phát sóng một thời điểm. Nhiều khán giả hiện rất nóng lòng chờ đợi những bộ phim tương tự từ phía nhà đài. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã có những chia sẻ về vấn đề này:
- Được biết, ngay sau "Sống chung với mẹ chồng”, VTV1 sẽ phát sóng "Những người nhiều chuyện”, VFC có sợ cái bóng quá lớn của 2 bộ phim trên không, thưa anh?
Đối với nhà sản xuất phim thì việc bộ phim này thành công, bộ phim khác chưa được thành công là chuyện bình thường, vì có rất nhiều yếu tố khách quan tác động đến sự thành công của một bộ phim. Chúng tôi mong muốn nhưng không đặt nặng áp lực rằng phim nào lên sóng cũng phải 'hot'. Do vậy cũng không có việc “sợ cái bóng quá lớn”.
“Những người nhiều chuyện” được lựa chọn phát sóng ngay sau “Sống chung với mẹ chồng” vì đây là một bộ phim có màu sắc vui tươi hơn, ít căng thẳng, xung đột hơn. Tôi nghĩ đây sẽ là một sự đổi món thú vị cho khán giả.
- Thông qua “Những người nhiều chuyện”, nhà sản xuất muốn nhắn gửi thông điệp gì tới khán giả?
Không có thông điệp gì lớn lao cả. Tất cả chỉ là những câu chuyện đời thường, chân thật, những tình huống va chạm giữa những người hàng xóm cùng chung sống ở một khu chung cư. Vui vẻ, dí dỏm nhưng cũng ý nghĩa, cho thấy dù ở một khu dân cư cũ hay một khu đô thị hiện đại, điều quan trọng nhất và cũng đáng quý nhất chính là sự thấu hiểu, tôn trọng mà những người hàng xóm dành cho nhau.
- Ngoài "Những người nhiều chuyện”, Trung tâm còn cho khán giả "đổi món” với bộ phim truyền hình nào nữa?
Sau khi kết thúc “Người phán xử” trên VTV3 vào cuối tháng 8, VFC cũng sẽ có một bộ phim nữa nhẹ nhàng hơn, không phải là thể loại hình sự, hành động nữa. Bộ phim có sự góp mặt của 2 nghệ sỹ tên tuổi là NSƯT Chí Trung và NS Vân Dung. Đây có lẽ cũng là lần đầu tiên NS Vân Dung đóng phim truyền hình. Trước đây chị chủ yếu góp mặt trong các phim ngắn sitcom hoặc các tiểu phẩm.
Cuối năm sẽ gối sóng 2 phim
- Thực tế cho thấy, 2 bộ phim "Sống chung với mẹ chồng" và "Người phán xử" thành công là một phần do yếu tố phim đã xây dựng được các nhân vật điển hình như: Một bà mẹ chồng ghê gớm nhất vịnh Bắc bộ hay một ông trùm phán xử khét tiếng nhưng hết lòng với gia đình và có những câu dạy con mang triết lý sâu sắc. Vậy sau 2 bộ phim này, xin anh cho biết VFC có ý tưởng nào cho các dự án phim tiếp theo?
Việc xây dựng được nhân vật đáng nhớ, gây ấn tượng sâu sắc đối với khán giả là điều rất quan trọng cho sự thành công của mỗi bộ phim. Đó cũng là điều chúng tôi cố gắng làm trong các bộ phim của VFC từ trước đến nay. Nhưng như tôi đã nói, để một bộ phim thành công, được khán giả yêu thích còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa như dàn diễn viên, nội dung kịch bản tổng thể...
Vào cuối năm nay, có 2 bộ phim của VFC chúng tôi cũng đặt nhiều kỳ vọng là “Tình khúc Bạch Dương” - bộ phim chúng tôi quay tại Liên bang Nga và Việt Nam, quy tụ nhiều diễn viên được yêu thích và bộ phim “Ân oán tình đời”, bộ phim được mua kịch bản của bộ phim nổi tiếng “Cô dâu bạc triệu”.
- Phim về đề tài tâm lý xã hội rất ăn khách, các anh có ưu tiên cho dòng phim này hay không? Hay là những dòng phim nào khác?
Một dòng phim dù có ăn khách đến đâu nhưng nếu có quá nhiều thì cũng sẽ không đạt được hiệu quả. Vì vậy chúng tôi cố gắng đa dạng hóa đề tài trong các bộ phim của mình. Tất nhiên, một số đề tài cũng được chú trọng nhiều hơn như gia đình, tâm lý hoặc hình sự, nhưng không có nghĩa là chỉ tập trung vào những thể loại đó.
- Để làm được những bộ phim “hot” như vừa qua, khó khăn lớn nhất, theo anh là gì?
Những khó khăn “cũ” như kịch bản, điều kiện sản xuất... có lẽ tôi không nhắc đến nữa, vì đó là những điều kiện hơi khách quan và chúng ta cần thời gian để cải thiện. Nhưng một điểm quan trọng là chúng ta không được dừng lại. Thực ra, đã có những thời điểm, đặc biệt là trong năm 2016, phim truyền hình nhìn chung không giữ được độ “hot”, xét về lợi ich kinh tế thì không bằng các gameshow truyền hình.
Nhưng với VFC, thay vì chậm lại hay thậm chí tạm dừng, chúng tôi đã quyết định đầu tư lớn hơn, kỹ hơn để nâng cao chất lượng phim. Những kịch bản được chọn lựa kỹ, hệ thống máy quay 4k được đưa vào sử dụng, rồi việc thu thanh đồng bộ được áp dụng cho gần như 70% các phim VFC... Kết quả là đã có được những bộ phim thực sự tốt để đáp ứng được kỳ vọng của khán giả.
- Anh nghĩ thế nào về thị hiếu của khán giả hiện nay?
Thật không dễ nắm bắt được thị hiếu của khán giả, đặc biệt trong thời đại số, khi khả tăng tiếp cận các sản phẩm truyền hình, điện ảnh quá dễ dàng như hiên nay, vì thị hiếu đó thay đổi rất nhanh.