2012 - tức đúng 10 năm về trước, Gordon Ramsay - vị đầu bếp người Anh nổi tiếng thế giới với thành tựu đã từng nhận đến 16 ngôi sao Michelin danh giá, đã thực hiện một show truyền hình dài tập mang tên "Gordon's Great Sscape". Trong series này, "Vua đầu bếp" đã đến nhiều quốc gia tại châu Á, trong đó có Việt Nam.
Tại đây, ông đã thử rất nhiều đặc sản, món ăn quen thuộc đến "lạ kỳ" trên khắp các tỉnh thành và trong hành trình tại Cần Thơ, Gordon đã ghé thăm ghe bán bún riêu của dì Hai nổi tiếng của khu vực chợ nổi Cái Răng thuộc thành phố Cần Thơ. Để rồi chính vị đầu bếp từng nấu cho vô số các nguyên thủ lẫn người nổi tiếng trên khắp thế giới, lại phải mê mệt và tấm tắc khen món bún bình dị với mức giá chưa tới 20k đồng/tô lúc bấy giờ.
Gordon Ramsay đến Việt Nam ăn bún riêu của dì Hai tại Cần Thơ vào năm 2012.
Gordon sau khi nghe qua câu chuyện của dì Hai rằng "dì tự đi ăn rồi tự học nấu" nhưng vẫn có thể tự làm ra một công thức với hương vị đậm đà mà vẫn hết sức thanh tao trong suốt hơn 30 năm. Và khi ăn hết tô bún, Gordon phải dành tặng cho dì Hai biệt danh "Nữ hoàng nước dùng" như ngầm khẳng định chất lượng của tô bún mà dì Hai đã dành cho mình.
Trở về nước, năm 2013 Gordon như vẫn bị "mê hoặc" không thể quên món ăn đậm sắc Việt này nên đã trở thành nguồn cảm hứng, được chính ông chọn làm đề tài cho các đầu bếp lọt vào Top 5 cuộc thi Masterchef Mỹ. Cũng từ đó, không chỉ các món ăn của Việt Nam được Gordon Ramsay ghé thăm nói chung, mà hàng bún riêu của dì Hai cũng nổi tiếng khi xuất hiện trên khắp các trang thông tin đại chúng trên toàn thế giới.
Thời gian thấm thoát trôi đi thật nhanh, đến nay đã tròn 10 năm ngày được xem là "sự kiện" khó quên trong hành trình mưu sinh và kinh doanh món bún riêu của dì Hai. Nhưng khi chúng tôi có ý định tìm lại dì từ các trang mạng xã hội hay báo chí thì thật lạ rằng đã khá nhiều năm, chẳng còn thấy chút tin tức nào từ dì Hai nữa. Thậm chí, có một số cư dân mạng còn viết rằng: "dì Hai nghỉ bán rồi", "dì Hai đã mất lâu rồi", "dì Hai giờ lên bờ không còn bán dưới ghe"...
Loạn trước nhiều nguồn thông tin đó. Chúng tôi quyết định trực tiếp trở về ghe bún năm xưa, hỏi lại người dân ở quanh đó với hy vọng có thể nghe được chút thông tin về dì.
Và mất hơn 1 tuần để tìm kiếm, đi hết khu chợ nổi Cái Răng lên đến khu Phong Điền,... cuối cùng có một người dân cung cấp cho chúng tôi một thông tin mới rằng: "Dì Hai tuổi cao nên về hưu rồi. Giờ dì truyền nghề lại cho đứa em gái vẫn bán trên ghe ở chợ nổi Cái Răng". Chúng tôi vui mừng quay trở lại chợ nổi thì thật may mắn đã tìm được dì Bảy.
Trò chuyện cùng dì Bảy để hồi tưởng về nhiều năm trước đó, dì cho biết: "Lúc Gordon đến thì mọi người đâu có biết ông ấy là Vua đầu bếp hay là ai đâu. Quay xong được một thời gian thì nhiều người nói mới biết ông ấy là người nổi tiếng. Lúc đó vui lắm, tự hào lắm khi mình chỉ là một người buôn bán nhỏ trên sông mà lại được quan tâm đến như vậy. Bên cạnh đó, ghe bún cũng được nhiều người biết đến hơn, bán chạy hơn".
Dì Bảy cũng cho biết: "Hiện tại, sức khỏe của dì Hai yếu nên không có sức để giật máy ghe. Trước dịch dì Hai bán xôi chè ở chợ Phong Điền, giờ cũng chưa đi bán lại được. Chị Hai nghỉ bán cũng được 6-7 năm rồi, lúc nào cũng kêu nhớ ghe bún hết".
"Người kế nhiệm" là dì Bảy chia sẻ tuy thời gian làm mọi thứ thay đổi, từ người bán tới chiếc ghe năm xưa vì quá cũ nên đã không còn, nhưng "công thức, chất lượng nguyên liệu đều được giữ nguyên, không khác gì với thời của chị Hai. Có chăng là dì đã có chút cải tiến, làm thêm các loại nguyên liệu mới cho tô bún thêm phong phú đa dạng, nước dùng thêm phần đậm đà."
Đặc biệt dì Bảy còn bán kèm thêm mì gói thay cho bún tươi. Vì bán trên ghe nên số lượng người ăn "bữa này bữa khác", không quá ổn định như những người bán trên bờ và bún tươi cũng khó bảo quản, khó mua vì ngồi trên sông. Nên việc dì Bảy chuẩn bị thêm mì gói sẽ giúp khách đa dạng sự lựa chọn và cũng phòng khi bún tươi hết sớm mà nước dùng vẫn còn.
Khi chúng tôi tìm được dì Bảy là đã gần trưa, món bún tươi đã hết nên chỉ còn lại mì gói chang nước dùng từ bún riêu nhưng vẫn được thực khách ở đây yêu thích.
Dì Bảy tâm sự: "Trong nhà chắc chỉ có dì Hai với dì Bảy làm thôi, mấy đứa nhỏ thấy cực không chịu làm nữa để cố gắng học hành. Chứ cái nghề này nó cạnh tranh, bon chen lắm."
Nói là thế, nhưng thực chất dì Bảy vẫn âm thầm, một mình nấu, một mình bán, có khi lênh đênh với cái ghe trên sông mặc nắng, mặc mưa...: "Tại cái nghề này cũng nuôi sống cả gia đình mình tính đến nay đã được 2 thế hệ. Dì còn bám trụ là để nuôi đứa cháu nội. Với mình cũng quen rồi, ghe bún của mình có tiếng rồi. Thêm nữa, mấy món khác ở trên chợ nổi bán cũng chậm lắm".
Khi ngày càng nhiều hàng quán, ghe thuyền ở chợ nổi Cái Răng xuất hiện thì ghe bún của dì Bảy vẫn là điểm đến của nhiều người dân địa phương cũng như khách du lịch. Dì Bảy cho biết: "Khách du lịch về chợ nổi rất đông, đồng nghĩa với việc hàng quán cũng nhiều hơn, đoàn đi đông thì người ta thường chọn chỗ có nhiều người làm cho nhanh. Bình thường bán khoảng hơn 100 tô, có thứ 7, chủ nhật khách du lịch đông thì mình cũng ráng bán khoảng gần 200 tô. Bán nhiều nữa thì không có sức, với không kịp".
Công việc buôn bán này thật sự cực y như những gì dì Bảy miêu tả. Ở cái tuổi này nhưng mọi thứ đều do dì tự làm, bán hàng đã mệt còn phải tự đạp máy ghe, tự lái ghe di chuyển qua các khúc sông để có khách.
Ghe bún của dì Bảy chông chênh trên mặt nước, buổi sáng tấp nập, tiếng cười nói trao đổi hàng hóa lấp đầy không gian. Chỉ cần thế thôi, là có thể thưởng thức được tô hủ tiếu ngon nhất trần đời mà không thể tìm được ở nơi nào khác ngoài Cái Răng. Cộng thêm vào đó là nụ cười, tiếng hò mời gọi của người dân miền Tây lại càng giúp người ta thêm chú ý và yêu thêm cái món ăn bình dân miền sông nước này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn