Kết quả cao nhưng không được xếp hạng
PISA (Programme for International Student Assessment) tạm dịch là Chương trình đánh giá học sinh quốc tế, do OECD khởi xướng và chỉ đạo. PISA có quy mô toàn cầu, chu kỳ 3 năm một lần. PISA xây dựng một khung đánh giá năng lực riêng không dựa trên bất cứ chương trình giáo dục của quốc gia nào về 3 lĩnh vực Toán học, Khoa học, Đọc hiểu để đánh giá học sinh tuổi 15.
Mỗi kỳ đánh giá sẽ có một lĩnh vực được lựa chọn để đánh giá sâu hơn, gọi là lĩnh vực trọng tâm và sử dụng làm căn cứ để xếp loại chất lượng giáo dục của các quốc gia. Bài kiểm tra PISA 2018 được thực hiện đối với học sinh 15 tuổi từ 79 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc nhóm có mức thu nhập trung bình và cao, trong đó học sinh Việt Nam.
Đây là năm thứ ba lhọc sinh Việt Nam tham gia bài đánh giá, tuy nhiên kết quả công bố hôm 3/12 của OEDC gây bất ngờ khi nước ta không có tên trên bảng xếp hạng chung, dù xuất hiện trong bản báo cáo cuối cùng. Hai lần trước đó, Việt Nam đều góp mặ trong bảng xếp hạng.
Thông tin tóm tắt về kết quả PISA 2018 trên bảng kết quả của OECD công bố cho thấy, các bài khảo sát trên giấy của 5.377 học sinh ở 151 trường học trên toàn quốc cho kết quả khả quan, thậm chí tổng sắp các môn. Đọc hiểu, Toán, Khoa học còn cao hơn năm 2015
Cụ thể, Đọc hiểu - lĩnh vực trọng tâm của chu kỳ 2018, Việt Nam đạt 505 điểm, điểm số cao thứ 13/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia (chu kỳ 2012 đứng thứ 19/65; chu kỳ 2015 đúng thứ 32/70).
Ở lĩnh vực Toán học, Việt Nam đạt 496 điểm, điểm số cao thứ 24/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia (chu kỳ 2012 đứng thứ 17/65; chu kỳ 2015 đứng thứ 22/70). Lĩnh vực Khoa học, Việt Nam đạt 543 điểm, điểm số cao thứ 4/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia (chu kỳ 2012 đứng thứ 8/65; chu kỳ 2015 đứng thứ 8/70).
Thế mạnh của học sinh Việt Nam bước đầu được tìm thấy trong báo cáo của PISA là ở tinh thần thái độ tích cực làm bài, tỉ lệ có mặt tham gia cao, tỉ lệ trả lời hết các câu hỏi thuộc nhóm cao nhất thế giới. Tuy có kết quả khả quan nhưng Việt Nam lại vắng mặt trên bảng tổng sắp, điều này gây không ít thắc mắc.
Bộ GD&ĐT nói gì?
Trước thông tin gây bất ngờ trên, Bộ GD&ĐT chính thức có những lý giải ban đầu. Theo Bộ GD&ĐT, có hai lý do chính để Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chưa đưa kết quả của Việt Nam vào bảng so sánh.
Thứ nhất, báo cáo so sánh quốc tế đầy đủ không thể hoàn thành tại thời điểm công bố nếu đưa Việt Nam vào phân tích dữ liệu so sánh quốc tế. Ban đầu, OECD đề nghị để dữ liệu của Việt Nam sang năm 2020 mới công bố. Họ muốn dành thêm thời gian để nghiên cứu sâu hơn sự khác biệt của Việt Nam. Tuy nhiên, do sự phối hợp tích cực của phía Việt Nam trong quá trình xử lý số liệu, đến tháng 9, OECD đồng ý công bố kết quả của Việt Nam cùng các nước khác vào ngày 3/12.
Thứ hai, số liệu thu được của Việt Nam không phù hợp (misfit) với mô hình lý thuyết hồi đáp câu hỏi, mức độ không phù hợp cao hơn so với các quốc gia khác, có sự khác biệt lớn với mô hình đánh giá của OECD. Trong quá trình phân tích, xử lý dữ liệu PISA của Việt Nam, OECD đã có những chất vấn, kiểm tra rất nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật của việc tổ chức thực hiện PISA tại Việt Nam ở tất cả các công đoạn.
OECD cũng đã cử Trưởng Ban phân tích dữ liệu sang Việt Nam làm việc, thẩm định các quyển đề thi của học sinh, phỏng vấn các cán bộ, giáo viên trực tiếp tham gia PISA, xác minh dữ liệu. Sau quá trình xác minh, thẩm tra, OECD khẳng định Việt Nam không có gì sai sót về quá trình tổ chức thực hiện, hoặc thao túng số liệu hay thiên lệch khi chấm điểm.
Tuy vậy, kết quả các câu trả lời của học sinh Việt Nam thi trên giấy quá khác biệt với các nước OECD thi trên máy tính, cho ra một mô hình khác biệt (misfit) với mô hình các nước OECD đang thi trên máy tính.Trước những thông tin này, Bộ GD&ĐT nêu quan điểm về việc OECD cần phân tích và so sánh kết quả của các nước trên giấy với nhau, so sánh các nước thi trên máy tính với nhau.
Năm nay, Trung Quốc (với học sinh tại 4 tỉnh, thành gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang tham gia) là quán quân bảng xếp hạng PISA ở cả 3 kỹ năng Đọc, Toán, Khoa học. 3 vùng lãnh thổ khác của Trung Quốc cũng xếp thứ hạng cao, gồm Ma Cao (thứ 3), Hong Kong (thứ 4), Đài Loan (thứ 17). Trừ Đài Loan tụt hạng so với PISA 2015 (thứ 4), các vùng lãnh thổ khác và tổng chung từ 4 thành phố của Trung Quốc đại lục đều tăng hạng. Trong khi đó, Singapore - nền giáo dục hàng đầu châu Á – rớt hạng từ vị trí quán quân năm 2015 xuống còn á quân năm 2018, Nhật Bản cũng giảm từ thứ 2 xuống thứ 15. Và Hàn Quốc tăng từ thứ 11 lên thứ 9. Các quốc gia châu Âu như Estonia, Phần Lan, Ireland, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy cũng ở trong nhóm có thứ hạng cao.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn