Một số chị em dường như đến để biến lớp học yoga thành “cái chợ”, thậm chí là nơi để “tám”, để khoe, để “vạch áo cho người xem lưng” ngay cả những điều thầm kín nhất.
Lớp được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, “quy tụ” nhiều chị em ở các lứa tuổi 25 đến 50, trên 60 cũng có. Vì ở các lứa tuổi khác nhau nên tâm lý, sức khỏe, độ bền, độ dẻo và nhu cầu của các học viên cũng khác biệt.
Chị em độ tuổi 25, 30 tiếp thu nhanh, sức khỏe tốt nên mong muốn được thầy cô dạy những bài tập khó, nâng cao. Các bà ở độ tuổi trên 50 thích tập những bài có động tác đơn giản, tốc độ chậm và có thời gian nghỉ nhiều hơn. Nhu cầu học khác nhau nên nhiều khi không thể tránh được xích mích, mâu thuẫn.
Một số động tác khó không theo kịp, có bà tỏ rõ sự ấm ức, bức xúc, nói rõ to: “Thằng này dạy không bằng thằng hôm nọ!”, “Dạy gì mà nhanh như ăn cướp, ai mà theo kịp?”... Có bà hùa theo: “Đúng đấy, dạy như tháo khoán, dạy lấy được, chẳng tâm lý tý nào”... Sở dĩ, các bà gọi thầy dạy yoga bằng thằng là bởi thầy là người nước ngoài, không biết tiếng Việt.
Thầy chỉ có thể nói một số từ đơn giản như: “Hít vào”, “thở ra”, “bên trái”, “bên phải”, “đằng trước”, “đằng sau”... Nghe các bà nói vậy, một số em trẻ không vừa, “đốp” lại: “Không tập được thì ngồi nghỉ, để yên cho người khác tập!”. Tức khí, các bà nổi giận mắng sa sả lũ trẻ ranh, đến khi người của trung tâm đến can thiệp mới dừng cãi vã.
Có những hôm, cả lớp đang chăm chú tập thì có tiếng điện thoại của ai đó kêu reng reng. Người nhận cuộc gọi ngồi ngay tại chỗ oang oang nói chuyện như ở chốn không người. Khi thầy giáo nhắc nhở thì tỏ vẻ khó chịu.
Lại có hôm, cả lớp đang tập đến những động tác gần cuối, mồ hôi ướt đẫm quần áo tập thì có chị đùng đùng đứng lên đi bật quạt. Người muốn được quạt mát, người không, chưa kể theo nguyên tắc thì không được dùng quạt hoặc điều hòa trong quá trình tập, ngay lập tức nổ ra cuộc tranh cãi không phân thắng bại.
Khi thầy vừa kết thúc bài tập, chắp tay cảm ơn, mời mọi người nghỉ và chưa kịp ra khỏi lớp thì các bà, các chị đã bàn tán xôn xao: Hôm nay thầy dạy tốt, dạy hay hoặc thầy dạy không tốt, phát chán, chỗ này, chỗ kia thầy dạy hay hơn nhiều, trung tâm đó lại dễ tính, thoải mái, hoặc tự thuê thầy về tập, muốn nói gì chẳng được...
Có bà, có chị còn tranh thủ đến sớm, về muộn để tụ tập, đi cà phê “chém gió” về mọi chuyện trên đời, từ chuyện chồng con, chuyện mẹ chồng nàng dâu, chuyện họ hàng, chuyện cơ quan, chuyện làng, chuyện phố, chuyện hàng xóm láng giềng đủ cả, thậm chí cả những chuyện phòng the nhạy cảm các chị cũng thao thao nói, không ngượng mồm.
Đến buổi tập hôm sau, thay vì đến trước mươi, mười lăm phút để có thời gian thư gian, chuẩn bị tinh thần, tập trung cho buổi tập thì các bà, các chị lại tranh thủ “tua” lại những gì đã “tám” hôm trước để mọi người cùng nghe.
Mặc dù Trung tâm đề ra quy định cụ thể, có cán bộ hướng dẫn, phổ biến nội quy lớp học tận nơi nhưng dường như “chứng nào tật ấy”, mỗi khi được nhắc nhở, các bà, các chị cố gắng “nhịn” được một thời gian, rồi đâu lại vào đó.
Đến với lớp học yoga, một số chị em chỉ đi theo phong trào, không thực sự chú tâm vào học, khiến cho việc tập không mang lại kết quả, mà lại “nhiễm” thêm thói xấu, thích “tám”, thích “buôn”, không để ý gì đến xung quanh...