Bát phở gà ngày cuối tuần của bố

08:47 | 17/08/2024;
“Hôm ấy, cả nhà tôi đi ăn sáng ở quán phở trên phố nhưng khi các con ăn xong lại tỏ ra tiếc nuối rằng, phở gà này không ngon bằng ba nấu. Bất chợt, cả nhà chúng tôi nhìn nhau, đúng là lâu nay tôi mải miết công việc, quên cả nấu bữa sáng cuối tuần để cả nhà cùng thưởng thức”, anh Nguyễn Toàn Thắng (ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ.

Vì có sự nhắc nhớ của các con, anh Thắng tự hứa với cả nhà sẽ cố gắng sắp xếp công việc, dành ngày cuối tuần trổ tài nấu nồi phở gà cho cả nhà thưởng thức sau một tuần đi làm, đi học vất vả. 

Theo anh Thắng, để nấu nồi phở gà ngon, bổ, rẻ ngày cuối tuần, anh dậy sớm, ra chợ mua một con gà mái đã đẻ một lứa, nặng khoảng 2kg. Anh mua thêm 1,5kg bánh phở, thêm hai chục cái quẩy mềm, đủ cho 5 người trong gia đình ăn. 

Tất nhiên, không thể thiếu các gia vị cho bát phở như củ hành tây, hành khô, gừng, rau mùi ta, rau húng láng, hành hoa, lá chanh, ớt tươi, chanh cốm và thêm một chút mọc để cho nước ngọt sâu hơn. Khi vào bếp, việc đầu tiên anh chuẩn bị là luộc gà. 

Gà mua ở chợ đã được người bán xát muối hộ, về nhà chỉ cần xoa thêm chút gừng và một nửa quả chanh cho thịt gà thơm hơn. Nồi nước luộc gà có một miếng gừng nướng và củ hành khô nướng, nêm một chút gia vị. Khi nước nóng già, mới thả gà vào nồi luộc. 

Với con gà nặng khoảng 2kg, không cần luộc lâu, chỉ cần cho sôi chừng 6 phút, sau đó tắt bếp và ngâm gà trong nồi khoảng 15 phút là gà vừa chín tới. Nhiều người sợ gà luộc ít phút quá chưa chín được, nên luộc kỹ hơn nhưng khi làm phở, thịt gà sẽ bị khô. 

Sau khi luộc gà xong, anh Thắng để cho ráo nước rồi gỡ thịt. "Nhà tôi thích ăn gà xé nên phải chờ cho gà nguội rồi xé ra. Sau đó, tôi lại chặt bộ xương gà cho vào nồi nước luộc gà để làm nước phở", anh Thắng chia sẻ.

Anh Thắng bật mí một mẹo nhỏ khiến bát phở thơm ngon, bắt mắt. Đó là rửa sạch rễ mùi, nướng hành tây và cho thêm 1-2 cánh hồi khô vào nồi. Đồng thời, cho thêm 1-2 viên đường phèn nhỏ để làm mềm nước. Ninh nồi nước phở có bộ xương gà chừng gần một tiếng là đã dậy mùi phở gà thơm nhẹ, hấp dẫn. 

Lúc này, có thể cho thêm mọc được làm bằng giò sống vào nồi nước phở. Giò sống có chút nước mắm sẽ tạo ra vị thơm riêng nhưng không nên đun lâu để tránh vị chua từ mọc tản ra. Nếu thích nước phở thơm hơn, có thể ngâm ít nấm hương khô cho vào.

Để thưởng thức, nên chần bánh phở ở một nồi nước sôi riêng rồi cho ra bát. Đặt thịt gà đã xé hoặc thái lát lên trên bánh phở, rắc rau mùi, húng láng, hành chần, lá chanh vào. 

Sau đó, rưới nhẹ nhàng nước phở xung quanh để bát phở vẫn giữ được sự bài trí của thịt gà và rau thơm, gia vị như ban đầu. Có thể cho thêm tương ớt cho đậm đà hương vị của bát phở gà.

"Với bát phở gà ngày cuối tuần đầy dư vị của gia đình, bọn trẻ háo hức trả lại cho người cha có khiếu bếp núc như tôi những nụ cười giòn tan, gương mặt vui sướng cùng tiếng húp nước phở sì sụp đến ấm lòng. Ngoài bát phở thơm, ngon, tôi biết, đó còn là cảm xúc sum vầy, ấm áp của cả nhà ngày cuối tuần, không gì có thể so sánh, không nơi nào có được", anh Nguyễn Toàn Thắng bộc bạch.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn