Chị Trần Thị Minh Hồng ở Phủ Lý, Hà Nam sinh năm 1993 mang thai lần đầu đang ở tuần 34 chia sẻ: Chị mang thai tự nhiên, khi phát hiện có em bé chị rất bất ngờ bởi thời điểm đó mới tiêm vắc xin phòng Covid mũi 3 được hơn 1 tháng.
“Phát hiện có bầu mình nửa mừng nửa lo, mừng vì sắp được làm mẹ nhưng lại sợ con bị ảnh hưởng khi bản thân vừa tiêm mũi 3 vắc xin ngừa Covid. Cũng may đi khám bác sĩ khẳng định con không ảnh hưởng gì, mình mới yên tâm”, mẹ bầu chia sẻ.
Chị Hồng bắt đầu nghén từ tuần thứ 6 đến hết tuần thứ 12. Thời gian này vì không ăn được nhiều, chị phải uống sữa bầu để con có chất. Sang tháng thứ 4 đỡ nghén hơn thì bỏ sữa. Tới tháng thứ 6 mẹ bầu này mới có cảm giác ngon miệng, hứng thú với đồ ăn.
“Mình có thói quen tập thể dục và yoga, khi mang thai mình vẫn duy trì nhưng chỉ tập những bài tập nhẹ nhàng, được khuyến khích cho bà bầu để giữ cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh, giảm đau lưng, bớt bị chuột rút. Ngoài ra mình cũng thực hiện ăn uống lành mạnh, ưu tiên thực phẩm, đồ uống từ thảo dược tự nhiên.
Đặc biệt dù bầu bí nhưng mình vẫn chú ý chăm sóc da. Tuy nhiên đồ skincare mình sử dụng chiết xuất từ thiên nhiên để đảm bảo độ an toàn, lành tính cao, vừa làm đẹp cho mẹ vừa không ảnh hưởng tới em bé. Cùng với đó mình uống thêm một số loại nước uống khác như nước dừa tươi, mỗi sáng ngay khi thức dậy mình uống 1 ly Saffron ngâm mật ong chanh hoặc ngâm kỷ tử táo đỏ để hỗ trợ tiêu hóa tốt, tăng sức đề kháng, đẹp da”, chị Hồng chia sẻ.
Đồng thời, từ tháng thứ 4 chị Hồng cũng áp dụng chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ.
Đặc biệt dù bầu bí nhưng chị Hồng vẫn chú ý chăm sóc da (Ảnh: NVCC)
Bữa sáng: 7h sáng
- 1 hoặc 1/2 bát phở bò (đổi bữa: xôi, cháo gà, cháo chim, cháo cá, bánh mỳ...).
- 1 ly nước cam vắt 200ml (duy trì đều đặn mỗi ngày 1 ly bổ sung vitamin C, tăng cường sức để kháng).
- Bổ sung 1 viên canxi theo chỉ định của bác sĩ.
Bữa phụ buổi sáng: 9h sáng
- 1 ly 300-500ml sữa tươi thanh trùng không đường
- 1 ít trái cây (chuối hoặc táo, nho, lựu,..)
- 1 viên phô mai con bò cười (duy trì đều mỗi ngày ăn 1 viên)
Bữa trưa: 11h trưa
- 1 bát cơm (không nên ăn quá nhiều cơm chỉ từ 1/2 - 1 bát cơm là đủ)
- Thêm 1 phần thịt/trứng/cá
- Canh dinh dưỡng (canh xương hầm bí đỏ, canh gà hầm, canh cá…)
- Rau xanh (rau cải bó xôi, rau súp lơ xanh…)
Bữa phụ buổi chiều: 3h chiều
- 1 hộp sữa chua với 1 lượng nhỏ hạt ăn liền (hạt hạnh nhân, hạt bí xanh, hạt mắc ca, nho khô, óc chó, hạt điều...)
- 1 ly sữa hạt (sữa đậu nành, sữa đậu đỏ, sữa đậu đen, sữa ngô)
- Bổ sung 1 viên vitamin tổng hợp (trong đó có sắt, axit folic...)
Bữa tối: 7h tối tương tự như bữa trưa
Bữa phụ buổi tối: 9h30 tối
- 1 hộp sữa chua
- 1 phần nhỏ trái cây (bưởi, đu đủ…)
- 1 ly ngũ cốc
Đến tháng thứ 8 chị Hồng vẫn có vóc dáng thon gọn, không sồ sề, da dẻ cũng mỡ màng, căng bóng không bị mụn hay xám sạm như nhiều mẹ bầu khác (Ảnh: NVCC)
Mẹ bầu này cho hay, khi áp dụng theo đúng chế độ dinh dưỡng trên, chỉ trong 1 tháng chị đã thấy sự thay đổi rõ rệt, con phát triển tốt cả về cân nặng và chiều cao. Ở những tháng đầu áp dụng, chị tăng cân đều và từ từ.
“Đến tháng thứ 8 thì mình giữ cân, dáng thon gọn, không sồ sề, da dẻ cũng mỡ màng, căng bóng không bị mụn hay xám sạm như nhiều mẹ bầu khác. Quan trọng là mẹ giữ dáng nhưng con lại phát triển rất tốt. Hiện tại thai mình đã bước sang tuần 34, con được 2.7kg, ngôi thai xuôi, chuẩn bị sẵn sàng tư thế chào đời. Mình thật sự rất hạnh phúc và hồi hộp chờ ngày sinh để được gặp con”, chị Hồng hạnh phúc chia sẻ.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho mẹ bầu trong suốt thai kỳ
Để xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học, mẹ cần lưu ý những nguyên tắc cơ bản sau:
1. Cân đối nhóm chất dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng của phụ nữ mang thai cần đầy đủ 4 nhóm chất thiết yếu:
- Chất bột đường (carbohydrate)- Chất đạm (protein)- Chất béo (lipid)- Các loại vitamin, chất xơ và khoáng chất.
Tuy nhiên, việc xây dựng thực đơn cân đối các nhóm chất rất quan trọng để tránh thiếu năng lượng gây suy dinh dưỡng bào thai hay thừa năng lượng khiến mẹ tăng cân quá mức.
Trong thai kỳ, mẹ bầu tăng trung bình khoảng từ 9 – 12 kg, trong đó tam cá nguyệt thứ nhất nên tăng từ 300 gram đến 1 kg, sau đó mỗi tuần sẽ tăng khoảng 300 gram trong tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3.
Đối với những mẹ bầu mang song thai, chỉ số cân nặng cần tăng cao hơn và bác sĩ sẽ đưa ra những khuyến cáo tốc độ tăng cân khác nhau.
2. Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất
Để thai nhi tăng trưởng và phát triển khoẻ mạnh, việc đảm bảo dinh dưỡng thai kỳ khoa học và lành mạnh vô cùng quan trọng, trong đó việc bổ sung vitamin và khoáng chất cho bà bầu là điều tiên quyết ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt vi chất do nhu cầu dinh dưỡng tăng cao trong suốt thai kỳ và đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ lẫn bé.
3. Chế độ vận động
Ngoài chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu, tập thể dục cũng là một phương thức quan trọng tăng cường sức khỏe cho mẹ trong quá trình mang thai, tuy nhiên cần chú ý về thời lượng tập và tránh các động tác quá mạnh. Theo nhiều nghiên cứu y khoa, tập thể dục giúp mẹ và thai nhi khỏe mạnh, chống lại các bệnh như cảm lạnh, đồng thời “vượt cạn” nhẹ nhàng hơn và sinh con khỏe mạnh.
Mẹ bầu có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng và đi bộ từ 15 đến 20 phút/ngày tùy vào tình trạng sức khỏe của mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn