Để chỉ đạo cuộc bầu cử, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20/6/2020 "Về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026". Chỉ thị nêu lên 7 nội dung, trong đó tập trung vào công tác nhân sự, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn bầu cử, công tác tuyên truyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Về công tác nhân sự, Chỉ thị yêu cầu phải giới thiệu, lựa chọn bầu được những ĐBQH và đại biểu HĐND Hội đồng nhân dân thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý. Tỷ lệ đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân là phụ nữ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Cụ thể hóa sự lãnh đạo của Đảng, trong dự kiến cơ cấu, thành phần người ứng cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 2 nghị quyết về số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV và người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Theo đó, số lượng nữ ứng cử viên ĐBQH được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định "bảo đảm tỷ lệ ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội". Với HĐND các cấp, Quốc hội ban hành hướng dẫn nêu rõ: "Bảo đảm có ít nhất là 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử là khoảng 30% tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân".
Theo thống kê, tỷ lệ nữ ứng cử viên ĐBQH chính thức tới trước thời điểm bỏ phiếu (ngày 23/5/2021) là 45,38% trong tổng số 866 ứng cử viên. Đây là tỷ lệ phụ nữ được giới thiệu ứng cử ĐBQH đạt cao nhất trong 4 khóa bầu cử đại biểu Quốc hội gần đây. Đối với bầu cử HĐND các cấp, hầu hết các địa phương đều đạt tỷ lệ nữ ứng cử viên theo yêu cầu đề ra. Theo thông tin từ Hội đồng bầu cử Quốc gia, có 59/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 35% trở lên; tỷ lệ nữ ứng cử viên HĐND cấp huyện, cả 63/63 tỉnh, thành đều đạt tỷ lệ 35% trở lên; tỷ lệ nữ ứng cử viên HĐND cấp xã thì có 62/63 tỉnh, thành phố đạt 35% trở lên.
Với tỷ lệ 99,60% cử tri đi bầu, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp thành công tốt đẹp. Cử tri cả nước đã bầu ra được một cơ cấu đại biểu Quốc hội đủ sức, đủ tầm để gánh vác trọng trách quốc gia, dân tộc trong giai đoạn tới. Tại buổi họp báo công bố kết quả bầu cử, ông Bùi Văn Cường, Tổng thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, cho biết: Hội đồng bầu cử quốc gia đã ra nghị quyết công bố kết quả bầu cử ĐBQH khóa XV và danh sách 499 người trúng cử. Trong số 499 người trúng cử, có có 151 ĐBQH là phụ nữ, chiếm 30,26%.
Theo tổng hợp của Hội đồng bầu cử Quốc gia về kết quả của cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026), có thể thấy nhiều điểm mới trong cơ cấu đại biểu với những con số biết nói, minh chứng cho một khóa Quốc hội mới ngày càng được chuyên nghiệp hơn và tính đại diện của nhân dân thì cũng đang được thể hiện rõ nét.
Trong số 499 người trúng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu do các cơ quan, tổ chức trung ương giới thiệu có 194 người trúng cử. Số đại biểu do cấp địa phương giới thiệu có 301 người trúng cử. Đại biểu tự ứng cử có 4 người trúng cử.
Theo ông Bùi Văn Cường, nhìn vào tỷ lệ cơ cấu kết hợp có thể thấy nhiều điểm mới trong cơ cấu ĐBQH khóa XV. Đó là giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong cơ quan hành pháp, tư pháp, tăng đại biểu chuyên trách. Cụ thể, số đại biểu hoạt động chuyên trách ở Trung ương trúng cử là 126 người; số đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương trúng cử là 67 người. Tuy tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách chưa đạt 40% so với quy định nhưng lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách trúng cử cao, đạt 38,6% tổng số ĐBQH.
Các cơ cấu kết hợp khác đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu đặt ra, cụ thể: Trong lịch sử 75, đây là lần thứ hai, tỷ lệ ĐBQH là phụ nữ đạt trên 30,26% (trước đó là Quốc hội khoá V (1975 – 1976) với 32,31% nữ ĐBQH). Đặc biệt, Quốc hội khóa XV có nhiều đại biểu người dân tộc thiểu số nhất từ trước đến nay với 89 đại biểu (chiếm 17,83%). Trong số này có những dân tộc lần đầu tiên có đại diện tại Quốc hội như dân tộc B’Râu (tỉnh Kon Tum) và dân tộc Lự (tỉnh Lai Châu). Qua đó, góp phần đưa số lượng dân tộc thiểu có mặt trong các nhiệm kỳ Quốc hội là 51/53 dân tộc thiểu số.
Trình độ chuyên môn của những người trúng cử ĐBQH khóa XV cao hơn so với nhiệm kỳ trước (tỷ lệ trên đại học đạt 78,56%, cao hơn 16% so với khóa XIV). Những con số thống kê nêu trên cho thấy Quốc hội đang ngày càng chuyên nghiệp hơn và tính đại diện của nhân dân ngày càng thể hiện rõ nét. Nhiều chuyên gia đánh giá, kỳ bầu cử này đã chọn lựa được một cơ cấu đại biểu Quốc hội đủ sức, đủ tầm để gánh vác trọng trách quốc gia, dân tộc trong giai đoạn tới, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Nhìn lại lịch sử qua 15 lần tổ chức bầu cử ĐBQH, chưa bao giờ cuộc bầu cử diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt như vừa qua, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Theo Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường, trong hoàn cảnh dịch bệnh, cuộc bầu cử đã được tổ chức an toàn, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; không có các tình huống bất thường xảy ra ngay cả tại một số địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh. Cuộc bầu cử đã đảm bảo tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch trong từng bước triển khai công tác bầu cử: Từ dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng cho đến công tác hiệp thương, lấy ý kiến cử tri, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng, việc tổ chức vận động bầu cử cũng như việc bỏ phiếu, kiểm phiếu.
Một cuộc bầu cử với quy mô lớn như vậy được tổ chức thành công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 càng khẳng định niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Cùng với đó, thành công của cuộc bầu cử cho thấy, càng trong lúc khó khăn, thử thách, thì lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường vượt qua khó khăn và khát vọng vươn lên vốn là những giá trị cơ bản làm nên sức mạnh Việt Nam càng trỗi dậy, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn