Gấp đôi chi phí so với bầu cử năm 2016
Cuộc tranh cử của đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden được dự đoán có chi phí khoảng 6,6 tỷ USD, nhiều hơn số tiền đã chi cho cuộc đua vào Nhà Trắng và mọi chiến dịch chạy đua vào quốc hội hồi năm 2016 cộng lại. Phần lớn số tiền bỏ ra được chi cho quảng cáo truyền hình, trong đó quảng cáo cho cuộc đua Tổng thống đạt khoảng 1,8 tỷ USD, theo công ty phân tích quảng cáo Advertising Analytics. Tổng chi phí cho các chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, bao gồm cả những cuộc bầu cử sơ bộ, là 2,4 tỷ USD.
Ứng cử viên đảng Dân chủ Biden trở thành ứng cử viên đầu tiên trong lịch sử huy động được gần 1 tỷ USD từ các nhà tài trợ. Còn ông Trump đã huy động được 596 triệu USD.
Trong khi đó, các khoản tiền đổ vào cuộc đua giành ghế trong Quốc hội sẽ lên tới 7,2 tỷ USD. 8 trong 10 cuộc đua vào Thượng viện tốn kém nhất lịch sử Mỹ diễn ra vào năm 2020. Tại Bắc Carolina, tổng số tiền mà hai ứng viên là Thượng nghị sĩ Cộng hòa Thom Tillis và đối thủ đảng Dân chủ Cal Cunningham chi cho chiến dịch tranh cử đã vượt 272 triệu USD. Đây là một trong 4 cuộc đua vào Thượng viện có chi phí vượt 200 triệu USD trong năm nay, ba bang còn lại gồm Iowa, Nam Carolina và Arizona.
Tại Nam Carolina, Jaime Harrison, ứng viên đảng Dân chủ thách thức Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, đã phá kỷ lục gây quỹ trong quý ba, khi huy động được hơn 57 triệu USD. Ông cũng là ứng viên thượng nghị sĩ đầu tiên huy động được hơn 100 triệu USD.
Đảng Dân chủ đang chiếm ưu thế về tài chính trong cuộc bầu cử năm nay. Các đảng viên Dân chủ là những người chi tiêu nhiều nhất, ở mức 6,9 tỷ USD so với con số 3,8 tỷ USD của các ứng cử viên và nhóm đảng Cộng hòa. Đây là cách biệt lớn nhất từ trước tới nay về tài chính mà đảng Dân chủ có được, theo phân tích từ CRP.
ActBlue, nền tảng quyên góp trực tuyến của đảng Dân chủ, đã tiếp nhận hơn 3,3 tỷ USD trong năm nay. Phe Cộng hòa cho ra mắt một nền tảng tương tự mang tên WinRed từ năm 2019 và đến nay huy động được hơn 1,2 tỷ USD.
Kỷ lục về bỏ phiếu sớm
Theo thống kê của Dự án bầu cử Mỹ thuộc Đại học Florida, đã có hơn 95 triệu cử tri bỏ phiếu sớm tính tới sáng 3/11 (giờ Việt Nam). Con số này tương đương 69% tổng số phiếu bầu của cuộc bầu cử năm 2016. Đây là một tỷ lệ bỏ phiếu cao chưa từng có trong lịch sử các cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ.
Đại dịch Covid-19 là lý do chính thúc đẩy cử tri Mỹ, đặc biệt là người cao tuổi, đi bỏ phiếu sớm vì muốn tránh đám đông trong ngày bầu cử chính thức. Số cử tri Dân chủ đi bỏ phiếu trước cao gấp đôi so với cử tri Cộng hoà ở nhiều bang then chốt.
Số cử tri Mỹ ở nước ngoài gửi phiếu bầu sớm qua đường bưu điện cũng có xu hướng tăng do lo ngại dịch Covid-19 tác động đến vận chuyển thư tín. Theo một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ, đến trung tuần tháng 10/2020, gần 700.000 phiếu bầu được tải xuống từ trang web của chương trình liên bang hỗ trợ bỏ phiếu ở nước ngoài.
Theo một thăm dò của Đại học Harvard cho thấy, 63% cử tri Mỹ từ 18 đến 29 tuổi có ý định đi bầu cử, cao hơn 47% so với năm 2016. Trong số này, 60% ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ. Nếu tham gia đông đảo, họ có thể giúp ứng viên đảng Dân chủ giành chiến thắng ở một số bang chủ đạo như Pennylvania, Michigan hay Arizona.
Một số lớn những người ủng hộ Tổng thống Trump dự kiến sẽ bỏ phiếu trực tiếp trong ngày bầu cử sau khi ông Trump trước đó chỉ trích việc bỏ phiếu qua bưu điện có thể dẫn tới gian lận mặc dù tuyên bố của ông Trump không có chứng cứ.
Kết quả bỏ phiếu tại 11 bang chiến địa được cho là có thể sẽ quyết định cuộc bầu cử. Để thắng cử, mỗi ứng cử viên sẽ cần ít nhất 270 phiếu trên tổng số 538 phiếu đại cử tri và các lá phiếu có thể quyết định ai là người chiến thắng có thể sẽ tới từ 11 bang chiến địa, nơi các cử tri có thể dễ dàng thay đổi quyết định của mình ngay cả khi trong phòng bầu cử. 11 bang này bao gồm Arizona, Florida, Georgia, Iowa, Michigan, Nevada, North Carolina, Pennsylvania, Ohio, Texas, và Wisconsin.
Đảng Cộng hòa hiện đang cố gắng giữ được đa số ghế tại Thượng viện với khoảng cách rất hẹp so với đảng Dân chủ 53-47. Trong khi đó, đảng Dân chủ cần kiếm thêm 4 ghế để giành quyền kiểm soát Thượng viện nếu Tổng thống Trump tái cử hoặc 3 ghế nếu cựu Phó Tổng thống Joe Biden trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.
Hiện có tổng số 14 ghế được coi là đang tranh chấp giữa hai đảng tại Thượng viện và các chiến lược gia cho rằng các ghế mà đảng Cộng hòa đang nắm tại Maine, Iowa, Bắc Carolina, và Georgia có thể sẽ xác định việc kiểm soát Thượng viện sẽ rơi vào tay đảng nào.
Phe Cộng hòa từng thừa nhận rằng, Thượng nghị sỹ Cory Gardner rất dễ mất ghế tại Colorado đồng thời cũng lo ngại về ghế của Thượng nghị sỹ Martha McSally tại Arizona. Trong khi đó, đảng Dân chủ lo ngại có thể mất ghế tại Alabama hiện đang do Thượng nghị sỹ Doug Jones nắm giữ.
Trong khi đảng Dân chủ khả năng cao sẽ giữ được đa số ghế tại Hạ viện, lãnh đạo Dân chủ tại Hạ viện Chuck Schumer cho biết, ông cần thế đa số tại Thương viện để có thể hành động đối với một số vấn đề bao gồm biến đổi khí hậu và bất bình đẳng kinh tế và xã hội. Phía Dân chủ cũng cho biết, họ cần kiểm soát Thượng viện nhằm thông qua một gói hỗ trợ Covid-19 và cải cách hệ thống luật pháp hình sự. Cuộc chiến giành hai ghế tại Thượng viện ở Georgia diễn ra trong tuần này và có thể kết thúc với việc không có ứng cử viên nào giành hơn 50% phiếu cần thiết. Điều này sẽ dẫn tới việc bầu lại và khiến quyền kiểm soát Thượng viện chưa được phân định cho tới ngày 5/1/2021. Nếu Thượng viện ở thế cân bằng 49-49 sau ngày bầu cử, Georgia sẽ trở thành bang quyết định.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn