Cụ thể, những chiêu trò giăng bẫy các nạn nhân là phụ nữ thường được các tổ chức lừa đảo hướng đến là phụ nữ có điều kiện về kinh tế hoặc có nhiều mối quan hệ xã hội, hoặc những người cô đơn,những người có nhu cầu tìm việc làm để gia tăng thu nhập…, có thể phân thành các nhóm chiêu trò lừa đảo mà chị em phụ nữ thường xuyên bị sập bẫy như sau:
Nhóm lừa đảo tình cảm: Mong muốn được quan tâm, sợ cô đơn. Muốn tìm bạn đồng hành, yêu thương, chăm sóc. Đó là tâm lý chung của nhiều phụ nữ đang sống một mình. Tuy nhiên, chính vì điều này đã biến họ thành nạn nhân của cạm bẫy lừa đảo tình, tiền.
Các đối tượng tạo các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo hoặc các ứng dụng tán gẫu ẩn danh, với hồ sơ giả mạo, sử dụng hình ảnh đánh cắp của người khác với ngoại hình lôi cuốn, chủ động kết bạn với con mồi. Chúng dùng kịch bản trò chuyện để dễ tiếp cận, như: Lấy lý do kết bạn nhầm, thông qua người quen, giới thiệu bản thân là người đang độc thân, sau khi dụ dỗ được nạn nhân có tình cảm thì sẽ lừa đảo gửi tiền, quà, món hàng có giá trị lớn, rủ đầu tư sàn tiền ảo, thậm chí đe dọa phát tán hình ảnh nhạy cảm để chiếm đoạt tài sản.
Nhóm lừa đảo đầu tư: Các tổ chức lừa đảo tự lập công ty chứng khoán, website tổ chức kinh doanh sàn ngoại hối (forex), tiền điện tử (altcoin) giả (thực tế không có hoạt động kinh doanh gì). Sau đó, các đối tượng sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram, Tinder… để đăng bài, rồi kết bạn làm quen với người bị hại. Sau một thời gian quen biết, đối tượng giới thiệu, dụ dỗ, lôi kéo bị hại tham gia đầu tư tiền vào các sàn giao dịch điện tử, theo giới thiệu các sàn đều có nguồn gốc từ nước ngoài, liên kết với nền tảng giao dịch điện tử hàng đầu thế giới, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhưng lại an toàn có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian, thậm chí người chơi còn được đội ngũ chuyên gia của sàn hướng dẫn đặt lệnh giúp chắc chắn thắng, nhưng bản chất các sàn này đều là phần mềm do đối tượng lập ra. Sau một thời gian, sàn giao dịch thông báo dừng hoạt động để bảo trì, hoặc lỗi không truy cập được, khách hàng không đăng nhập được để rút tiền hoặc bị mất hết tiền kỹ thuật số trong tài khoản, đồng thời các đối tượng cũng khóa các tài khoản Facebook, Zalo, Telegram, Tinder… cắt liên lạc với bị hại.
Nhóm lừa đảo kinh doanh online: Trong kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh online, thuật ngữ "dropship" được hiểu đơn giản là bán hàng nhưng bỏ qua khâu vận chuyển. Đây là hình thức kinh doanh, buôn bán mà nhà bán lẻ không giữ hàng trong kho. Khi khách hàng mua sản phẩm, người bán sẽ chuyển đơn hàng qua bên nhà cung cấp, yêu cầu họ vận chuyển hàng tới tay khách hàng.
Như vậy, người bán hàng, hay còn gọi là người trung gian, chỉ cần tập trung vào việc quảng bá sản phẩm, theo dõi đơn hàng, chăm sóc khách hàng... Lợi nhuận có được từ khoản chênh lệch giá giữa nhà cung cấp và giá bán cho khách hàng trừ đi chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, cũng vì tiện ích nên nhiều người sử dụng hình thức kinh doanh này đang bị các đối tượng lừa đảo đưa vào tầm ngắm, dẫn dụ vào bẫy để chiếm đoạt tài sản.
Nhóm hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa: Đối tượng lập tài khoản ảo, không có thông tin rõ ràng về công ty, địa chỉ hoặc các thông tin liên hệ. Đối tượng lừa đảo chạy quảng cáo các bài đăng với nội dung "hỗ trợ lấy lại tiền", "cam kết lấy lại được tiền bị lừa", bên dưới là những bình luận cảm ơn đã lấy lại tiền bằng những tài khoản ảo khác. Sau khi được người dùng liên hệ, chúng sẽ nhiệt tình tư vấn, đồng thời liên tục hứa hẹn, cam kết lấy lại 100% số tiền đã mất. Tiếp đó, yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền đã bị lừa đảo và chuyển khoản thành công "tiền phí dịch vụ". Tuy nhiên, ngay lập tức nhân viên thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về. Khi nạn nhân thắc mắc thì đối tượng sẽ chặn toàn bộ liên lạc.
Giải pháp hỗ trợ phụ nữ phòng tránh bẫy lừa đảo trên không gian mạng
Trước những vấn nạn lừa đảo nhắm đến phụ nữ đang diễn ra tràn lan trên khắp các nền tảng mạng xã hội hàng ngày, hàng giờ, đòi hỏi phải có những giải pháp giúp phụ nữ phòng tránh lừa đảo trên không gian mạng.
Bà Dương Thu Thủy, Trưởng Ban Tuyên giáo - Chính sách Luật pháp, Hội LHPN tỉnh Lào Cai, chia sẻ: Trước tình trạng lừa đảo trên không gian mạng đang diễn ra phổ biến, Hội LHPN Lào Cai thường xuyên chỉ đạo công tác tuyên truyền đến các cấp Hội LHPN trên toàn tỉnh, trong đó chúng tôi đẩy mạnh việc tuyên truyền thông qua các ứng dụng mạng xã hội như facebook, zalo. Đặc biệt là ứng dụng zalo, hiện các cấp Hội LHPN ở Lào Cai có hơn 400 nhóm zalo, kết nối với các hội viên, phụ nữ. Nên mỗi khi thông tin tuyên truyền về các chiêu trò lừa đảo, những vụ lừa đảo trên mạng, đưa lên các hội nhóm sẽ có tính lan tỏa rất cao, đến trực tiếp với các hội viên, phụ nữ. Do các đối tượng lừa đảo cũng liên tục thay đổi các chiêu trò lừa đảo, nên chúng tôi cũng phải thường xuyên cập nhật những thông tin về tình hình lừa đảo trên mạng, đặc biệt là có liên quan đến các nạn nhân là phụ nữ, trẻ em, để đưa tin lên trang tin của Hội LHPN tỉnh Lào Cai, rồi từ đó chuyển tải thông tin này tới các hội nhóm, các trang tin của các cấp cơ sở hội, để chị em có thể nắm bắt đề cao cảnh giác, tránh rơi vào những cái bẫy lừa đảo trên.
Bà Đàm Thị Vân Thoa, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Chính sách - Luật pháp, Hội LHPN Việt Nam, cho biết: Trong thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam thường xuyên chỉ đạo tới tất cả các tỉnh thành Hội LHPN trên toàn quốc, xây dựng kế hoạch tập huấn, tuyên truyền nâng cao kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trên không gian mạng. Trong đó, ngoài những nội dung lý thuyết về kỹ năng, thì cần đưa ra những trường hợp, tình huống điển hình về những chiêu trò lừa đảo để các Chị em nắm bắt chi tiết.
Ngoài ra, Hội cũng chú trọng triển khai triệt để nguyên tắc "6 không" tới tất cả các hội viên, phụ nữ, để trang bị cho chị em những kỹ năng nhận diện và phòng tránh bị lừa đảo, đó là:
1. KHÔNG cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho đối tượng không quen biết; thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền.
2. KHÔNG kết bạn và nói chuyện với người lạ, đặc biệt là những tài khoản có hình ảnh ngoại hình đẹp và bắt mắt. Tuyệt đối không nhận lời mời tham gia các hội nhóm mà không rõ mục đích đối tượng.
3. KHÔNG truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website, ứng dụng hoặc mở tệp đính kèm đến từ người gửi không xác định, không rõ nguồn gốc.
4. KHÔNG làm việc với cán bộ cơ quan nhà nước, bộ Công an, viện Kiểm sát, tòa án hay đơn vị tài chính… qua điện thoại. Đặc biệt những đối tượng lừa đảo thường giả danh cán bộ công quyền gọi điện để điều tra qua điện thoại, yêu cầu phải cung cấp thông tin các nhân hay đóng tiền.
5. KHÔNG thực hiện chuyển khoản trước, tuyệt đối không đặt cọc, chuyển khoản tiền cho các đối tượng lạ trong bất cứ trường hợp nào.
6. KHÔNG tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận "phi thực tế" mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ "việc nhẹ lương cao".
Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, cho biết: Để phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi trên không gian mạng, thời gian qua, Bộ Công an đã thực hiện một số giải pháp như sau:
Một là, thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của loại hình tội phạm này nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của người dân.
Hai là, kiến nghị Chính phủ hoàn thiện các cơ sở pháp lý, không để tồn tại các sơ hở, thiếu sót để các đối tượng lợi dụng.
Ba là, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước các đơn vị chức năng ngăn chặn, xử lý dòng tiền của các đối tượng lừa đảo.
Bốn là, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai việc xác thực, định danh đối với các tài khoản, thuê bao trên các lĩnh vực thông tin, viễn thông…tiến tới định danh toàn bộ hệ thống truy cập internet, góp phần xác minh, làm rõ các đối tượng vi phạm.
Năm là, tăng cường phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài như Meta, Google, Amazon, Apple… để triển khai các biện pháp sàng lọc, xác thực thông tin, xóa bỏ các trang web, các ứng dụng giả mạo.
Sáu là, triển khai đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực phòng chống các loại hình tội phạm công nghệ cao cho công an các đơn vị, địa phương,…
Liên quan đến công tác phòng ngừa tình trạng lộ, mất dữ liệu, Bộ Công an đang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 13 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân; tham mưu Chính phủ xây dựng Luật Bảo vệ Dữ liệu cá nhân; thường xuyên phối hợp rà soát, đánh giá về đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin trong việc vận hành các hệ thống thông tin; tổ chức nắm tình hình, xác minh các nhóm đối tượng hoạt động mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân trên các nền tảng kín như Telegram, Viber, Zalo…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn