Ngày 9/12, BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, BV vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi T.L.H. (10 tuổi, trú tại An Tường, TP. Tuyên Quang) bị chó cắn nát mặt.
Bác sĩ Vương Ngọc Thìn, Phó trưởng Khoa Răng Hàm Mặt (BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang) cho biết, tối ngày 8/12, bệnh nhi được gia đình đưa đến BV cấp cứu trong tình trạng có nhiều vết thương hở phức tạp vùng mặt phải. Gia đình cho biết, trước đó bé có sang nhà bác ở gần nhà chơi. Vô tình, bé bị chó nhà bác cắn (chó đang chửa). Sau khi sự việc xảy ra, gia đình đã đưa cháu đến BV tuyến dưới và được chuyển tuyến ngay đến BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang.
Ngay khi nhập viện, kíp trực cấp cứu đã thăm khám, tiêm vaccine phòng bệnh dại cho bệnh nhi, đồng thời làm các xét nghiệm cấp cứu và có chỉ định phẫu thuật ngay.
Theo bác sĩ Thìn, bệnh nhi có nhiều vết thương phức tạp trên mặt, sâu rộng đến các tổ chức bên dưới da, trong đó có tổn thương đứt lệ đạo phải. Kíp mổ đã tiến hành gây tê cầm máu, vệ sinh và cắt lọc vết thương phần mềm vùng môi trên, má phải, gò má phải, đuôi mắt phải, mi mắt phải, ngách tiền đình hàm trên; vệ sinh, bơm rửa và khâu phục hồi vết thương cho bệnh nhi.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ bị chó cắn, đối với vết thương nhỏ cần rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút, sau đó vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70%. Đối với vết thương lớn và phức tạp cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời, tránh biến chứng xảy ra.
Ngoài ra, sau khi bị chó cắn, người bệnh cần được bác sĩ thăm khám và tư vấn tiêm vaccine phòng bệnh dại càng sớm càng tốt. Người dân cũng lưu ý, tuyệt đối không tự ý sử dụng thảo dược không rõ nguồn gốc bôi, đắp vào vết thương, không tự chữa ở nhà cho trẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn