Rời mắt khỏi chiếc smartphone với thông tin bé 12 tuổi bị bắt cóc sang Trung Quốc, giờ đang mang thai 12 tuần tuổi, chị Nguyễn Thị Hải (chủ quán cà phê trên phố Nguyễn Trãi, Hà Nội), rùng mình: “Thật khủng khiếp, đứa bé còn quá ít tuổi để phải chịu đựng sự hành hạ này. Con gái tôi cũng tầm tuổi của cô bé, tôi không dám tưởng tượng ra nổi là mình sẽ ra sao nếu con gái mình rơi vào trường hợp đau lòng này!”.
Công việc buôn bán bận rộn, chị Hải thừa nhận là nhiều lúc rất lơ đãng với con gái. Quán do mình tự phục vụ, những hôm con nghỉ học, chị mải mê pha chế, dọn dẹp nên không thể để ý đến con nhiều. “Cháu hay chơi trước cửa quán, hoặc ngồi một góc xem điện thoại. Đọc xong vụ này mới thấy giật mình bởi quán đông người ra vào, con mình lại đang tuổi ăn tuổi lớn. Đây sẽ là bài học lớn để tôi quan tâm đến con nhiều hơn!” - bà chủ quán cà phê bộc bạch.
Hình ảnh bé gái Lan Lan 12 tuổi mang bầu 3 tháng |
Vì tính chất nghiêm trọng của sự việc, thông tin này nhanh chóng được chia sẻ trên mạng thu hút quan tâm của nhiều phụ huynh. Trên một diễn đàn nổi tiếng dành cho bố mẹ, nhiều bình luận đầy sẻ chia được đưa lên: “Mới có 12 tuổi, thương em quá. Mong em sẽ tìm được về với gia đình của mình….”, “Cầu mong em tìm được gia đình mình”. Nickname Brotchen viết: “Trẻ con ở nơi nào trên thế giới này bị xâm hại cũng đáng thương, nhưng nghe nói bé gái này là người Việt, lòng mình xót xa, trái tim tan vỡ".
Theo Tiến sỹ Hà Thị Hồng Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân, đặc điểm phổ biến của tội phạm bắt cóc trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ gia đình nào, với trẻ em ở nhiều lứa tuổi. Đối tượng bắt cóc trẻ em rất đa dạng, có thể là bạn bè, người thân của gia đình nạn nhân, người hiếm muộn…
Vụ việc gây rúng động dư luận khiến nhiều phụ huynh giật mình nhìn lại cách bảo vệ con khỏi nạn bắt cóc. Ảnh minh họa internet |
“Hầu hết các đối tượng gây án là những người đang có nhu cầu cấp thiết về tiền bạc, gặp bế tắc về kinh tế. Hoặc làm ăn đổ bể, nợ nần, vướng vào tín dụng đen, hoặc không có công ăn việc làm, lang thang, đua đòi, nghiện hút, cờ bạc, lười lao động; đối tượng tiền án, tiền sự, không chịu hoàn lương” - Tiến sĩ Hồng Lan dẫn chứng.
Đặc biệt, tình trạng bắt cóc trẻ em bán sang nước ngoài xảy ra phổ biến ở các tỉnh gần biên giới, đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu vùng xa. Không chỉ bắt cóc trẻ con ngay giữa ban ngày, mà cho tới đêm khuya, đối tượng vẫn tìm mọi thủ đoạn để bắt cóc trẻ em khi các cháu đang say giấc. Lợi dụng sự tốt bụng của người dân, nhiều đối tượng đã vờ xin ngủ nhờ rồi nhân lúc người nhà đang say giấc, ra tay bắt cóc luôn đứa trẻ.
Một số lưu ý để phòng tránh con bị bắt cóc: - Cha mẹ đề cao cảnh giác, không nên đưa thông tin quá chi tiết về con và gia đình lên mạng xã hội, không nên cho con đi chơi ở những nơi vắng vẻ. Khi chở con ở lứa tuổi mẫu giáo đi ngoài đường bằng xe máy nên đeo đai an toàn cho bé, buộc chặt vào người bố mẹ. - Từ 3 tuổi, cha mẹ nên dạy con học thuộc thông tin liên lạc của gia đình như: Tên, số điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà. Thường xuyên trao đổi, tạo tình huống để hướng dẫn con cách xử lý như khi bị lạc bố mẹ ở siêu thị, công viên, khu vui chơi thì con phải làm gì? Khi người lạ chủ động bắt chuyện, giới thiệu là bạn của bố mẹ, rủ đi chơi, con có nên nhận lời không?... - Dạy con về quy tắc “người lạ an toàn”: Là những người có thể tin tưởng, nhờ cậy khi cần như cảnh sát giao thông, công an, bộ đội, bảo vệ… nhân viên bán hàng trong siêu thị. Đối với “người lạ không an toàn” thì khuyên bé nên tránh trò chuyện, tuyệt đối không nhận bất cứ quà bánh từ những người này. - Dạy con hét thật to khi cảm thấy không an toàn để có thể nhận sự trợ giúp từ mọi người xung quanh. Nếu bị khống chế, dạy bé cách vùng vẫy, cắn, cấu véo, đạp vào chân, tay, đầu gối, vùng nhạy cảm của kẻ xấu… sau đó tìm đến “người lạ an toàn” nhanh nhất có thể để cầu cứu. |